Thực hiện Nghị quyết 06: Góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững

Những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã chú trọng triển khai các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2020 – 2030. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.

Người dân thành phố Lạng Sơn chăm sóc rau

Người dân thành phố Lạng Sơn chăm sóc rau

Lĩnh vực nông nghiệp có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh. Việc ban hành, triển khai Nghị quyết 06 nhằm xây dựng các vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh, tạo vùng nguyên liệu, hàng hóa quy mô lớn, thiết lập các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Tích cực triển khai

Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chủ trì tham mưu xây dựng trình UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch để tổ chức thực hiện nghị quyết, nổi bật như: Quyết định số 1029/QĐ-UBND ngày 25/5/2021 về phê duyệt Đề án đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 5/6/2021 thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lạng Sơn (OCOP) giai đoạn 2021 – 2025…; tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của nghị quyết. Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của nghị quyết được nâng lên.

Đồng thời, UBND các huyện, thành phố cũng chủ động tham mưu các huyện ủy, thành ủy ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch triển khai, xác định nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết 06 theo từng giai đoạn cụ thể. Đơn cử tại huyện Tràng Định, cấp ủy, chính quyền huyện đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai cụ thể. Bà Nông Thị Kim Oanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Sau khi nghị quyết được ban hành, phòng đã tham mưu UBND huyện trình Huyện ủy ban hành Kế hoạch số 62 ngày 2/11/2021 về thực hiện nghị quyết và đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với thực tiễn của huyện. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền huyện cũng đề ra các giải pháp để thực hiện, trong đó, lấy công tác tuyên truyền làm trọng tâm.

Cùng đó, ngành nông nghiệp đã tích cực làm việc với các doanh nghiệp mong muốn đầu tư, liên kết trong sản xuất nông, lâm nghiệp và chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác. Theo đó, tính riêng trong năm 2023, Sở NN&PTNT đã tổ chức hội nghị đối thoại với 60 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Đồng thời, hướng dẫn thành lập mới 20 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX trên địa bàn tỉnh lên 339 với 4.379 thành viên. Đây là nguồn lực, hạt nhân quan trọng thúc đẩy liên kết phát triển sản xuất.

Một trong những giải pháp quan trọng nữa được các cấp, ngành quan tâm thực hiện đó là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản. Song song với đó, ngành nông nghiệp còn triển khai nhiều giải pháp như: tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đến nay toàn tỉnh có 102 sản phẩm được chứng nhận OCOP đạt 3 sao trở lên. Sở NN&PTNT cũng phối hợp các sở, ngành liên quan tuyên truyền, triển khai chính sách của tỉnh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, người dân phát triển sản xuất như: Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết, sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 và Nghị quyết số 15/2021/NQ/HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 08/2019. Ngoài ra, một số huyện đã tăng cường xã hội hóa trong hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên địa bàn và được người dân ủng hộ, hưởng ứng như: xã hội hóa tổ chức lễ hội na, trái cây tươi ở huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, góp phần quảng bá sản phẩm; tuyên tuyền, khuyến khích người dân tự đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm từ phương pháp bọc túi nilon, sử dụng bẫy dính, bẫy bả ruồi vàng cho cây ăn quả…

Nâng giá trị sản xuất nông nghiệp

Từ thực hiện Nghị quyết 06, lĩnh vực nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Hiện nay, toàn tỉnh không chỉ phát triển các vùng sản xuất tập trung các cây trồng chủ lực mà còn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… Cụ thể, toàn tỉnh phát triển các vùng sản xuất như: vùng rau diện tích trên 9.800 ha (tăng 2,69% so với năm 2022), sản lượng trên 31.000 tấn (tăng 4% so với năm 2022); vùng na diện tích trên 4.500 ha (tăng 3,91% so với năm 2022), sản lượng đạt hơn 35.000 tấn (tăng 12,98% so với năm 2022); vùng trồng ớt diện tích trên 1.500 ha (tăng 11,53% so với năm 2022), sản lượng hơn 13.900 tấn… Trong đó, có trên 4.000 ha cây trồng các loại được chứng nhận VietGAP.

Trên cơ sở phát triển các vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực, đặc sản tạo vùng nguyên liệu, Sở NN&PTN đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố lựa chọn, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, nếu như trước đây, số lượng chuỗi liên kết còn rất hạn chế, mối liên kết lỏng lẻo thì đến nay, toàn tỉnh đã có 20 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở các huyện như: Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Lãng, Tràng Định, Bắc Sơn… Các chuỗi được xây dựng đảm bảo chất lượng, các sản phẩm sản xuất ra được đóng gói bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc đáp ứng nhu cầu thị trường, các sản phẩm được tiêu thụ tại cửa hàng, nhà hàng, HTX, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhờ đó, nâng cao giá trị thương hiệu, giá trị sản phẩm nông sản tăng gấp 2 – 3 lần so với sản xuất đơn lẻ, manh mún. Ngoài ra, trên địa bàn các huyện, thành phố đã hình thành và phát triển các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng NN&PTN huyện Chi Lăng cho biết: Hiện nay, toàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: vùng ớt diện tích khoảng 700 ha, sản lượng trên 6.300 tấn/năm; vùng na diện tích trên 2.600 ha, sản lượng ước trên 21.000 tấn/năm; vùng cây ăn quả có múi quy mô trên 558 ha, sản lượng trên 2.200 tấn/năm… Đặc biệt, toàn huyện đã xây dựng được 5 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm: na, khoai tây, hồi, thuốc lá, đào. Qua đó, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm, góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp. Năm 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt 1.954 tỷ đồng (tăng 116 tỷ đồng so với năm 2022).

Như vậy có thể thấy, việc thực hiện Nghị quyết 06 đã hình thành, phát triển vùng sản xuất tập trung, người dân tích cực ứng dụng công nghệ vào sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm… góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp trong những năm qua và ngày càng phát triển bền vững hơn. Cụ thể, năm 2023, tốc độ tăng trưởng ngành đạt 6,55%, cao nhất trong 5 năm gần đây. Các sản phẩm nông nghiệp dần khẳng định thương hiệu, thị trường tiêu thụ rộng mở, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần nâng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người của tỉnh đạt 50,8 triệu đồng năm 2023 (tăng 8,08 triệu đồng so với năm 2022).

Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để thực hiện hiệu quả mục tiêu nghị quyết đề ra, thời gian tới, sở tiếp tục triển khai tốt các chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu, đề xuất, triển khai thực hiện các giải pháp xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp, trong đó, lựa chọn xây dựng chuỗi liên kết có quy mô tập trung, có sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với hình thức liên kết chặt chẽ. Đồng thời, đẩy mạnh việc chủ động sản xuất, nghiên cứu các sản phẩm có thế mạnh, chủ lực, hình thành các sản phẩm chế biến sâu, đa dạng, tham gia tiếp cận chương trình OCOP nhằm nâng cao thương hiệu, giá trị cho sản phẩm nông nghiệp…

Với sự tích cực, chủ động của các cấp, ngành, sản xuất nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, ngày càng phát triển bền vững hơn. Việc thực hiện Nghị quyết 06 còn là nền tảng quan trọng để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo, góp phần quan trọng nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh.

CÁT TIÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/639546-thuc-hien-nghi-quyet-06-gop-phan-thuc-day-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung.html