Thực hiện Nghị định 35 của Chính phủ: Thêm cơ hội cho doanh nghiệp địa phương

Lâu nay, hầu hết doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các khu công nghiệp (KCN) là DN lớn, có vốn đầu tư nước ngoài. Để hỗ trợ cũng như tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa có cơ hội tiếp cận DN lớn, trở thành một trong những mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế (gọi tắt là Nghị định 35), trong đó có quy định dành 3% quỹ đất trong KCN cho những DN thuộc nhóm này vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Ngày 28/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế (gọi tắt là Nghị định 35), có hiệu lực từ ngày 15/7/2022. Một trong những điểm đáng chú ý đó là, tại điều 9 Chương 2 của Nghị định quy định, các KCN – khu kinh tế phải dành ít nhất 5 ha hoặc 3% diện tích đất công nghiệp cho phát triển DN vừa và nhỏ, DN công nghiệp phụ trợ, DN đổi mới sáng tạo. Đây là cơ hội cho nhiều DN của tỉnh. Bởi lẽ DN trong tỉnh đa phần là DN nhỏ. Khi được vào KCN, DN này sẽ có điều kiện tiếp cận công nghệ, tăng cơ hội hợp tác đầu tư với DN lớn, trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dây chuyền sản xuất cơ khí chính xác của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Sông Hồng.

Ông Nguyễn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh nêu, thực tế, các tập đoàn nước ngoài đang sản xuất tại Bắc Giang cũng phát triển, lớn mạnh từ những DN nhỏ. Xuất phát điểm của họ bắt đầu từ tiếp cận các DN lớn, dần tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực quản trị. Vì vậy, chính sách ưu đãi trong KCN chính là trao cơ hội cho DN nhỏ, DN của tỉnh có thể trở thành vendor (cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức khác trong chuỗi cung ứng) của DN lớn. Tuy nhiên, để làm được điều này, mỗi DN cần có sự năng động, có chiến lược sớm, chủ động các điều kiện để tham gia vào một khâu cung ứng.

Theo một số chuyên gia, DN nhỏ được ưu đãi đầu tư trong KCN thì ngành nghề có lợi thế hơn cả là lĩnh vực cơ khí chính xác. Để tạo nên một sản phẩm, cần đến cả nghìn chi tiết lắp ráp. Thực tế, dù chưa hoạt động tại KCN song một số DN cơ khí của tỉnh đã năng động, nắm bắt thị trường tham gia sản xuất, cung ứng một khâu nhỏ trong thành phẩm của DN lớn đầu tư tại tỉnh. Đại diện Công ty cổ phần Cơ khí và tự động hóa Alpha Vina (TP Bắc Giang) thông tin, Công ty đang sản xuất một chi tiết cho DN lớn ở KCN Vân Trung (thị xã Việt Yên); hợp đồng sản xuất rô-bốt cấp phôi tự động cho DN lớn ở Hà Nội…

Ngày 28/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế (gọi tắt là Nghị định 35) có hiệu lực từ ngày 15/7/2022. Trong đó quy định, các KCN - khu kinh tế phải dành ít nhất 5 ha hoặc 3% diện tích đất công nghiệp cho phát triển DN vừa và nhỏ, DN công nghiệp phụ trợ, DN đổi mới sáng tạo.

Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Sông Hồng, phường Tăng Tiến (thị xã Việt Yên) cũng chọn hướng đi là chuyên sản xuất thiết bị cơ khí, khuôn mẫu chính xác. Ban đầu mới được thành lập, quy mô của DN còn nhỏ, hoạt động sản xuất trên diện tích nhà xưởng rộng 60 m2, lao động mới có 4 người, doanh thu đạt được 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, Công ty đã dần lớn mạnh, từng bước khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực sản xuất cơ khí chính xác, doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm.

Hiện nay, Công ty đã tham gia được vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho một số DN có vốn đầu tư nước ngoài tại KCN trong và ngoài tỉnh như: Công ty TNHH Sahara Industry Việt Nam, Công ty TNHH Cơ khí chính xác, Dịch vụ và Thương mại Việt Nam, Công ty TNHH Italisa Việt Nam, Công ty cổ phần Dongjin Việt Nam, Công ty TNHH Sankei Việt Nam…

Ông Đinh Hồng Quân, Chủ tịch Hội các DN Cơ khí tỉnh Bắc Giang đánh giá, dù đã có khởi sắc tuy nhiên số DN cơ khí của tỉnh hợp tác, sản xuất với DN lớn chưa nhiều. Trong khi đó, cơ khí chính xác, tự động hóa giữ vai trò chủ đạo trong thực hiện cuộc cách mạng kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện sống, nền tảng thúc đẩy phát triển công nghiệp, vì vậy DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí cần nâng cao trình độ, ứng dụng tự động hóa vào sản xuất thay thế sức người; mạnh dạn đầu tư sang lĩnh vực chế tạo, sản xuất máy móc, thiết bị, linh kiện có hàm lượng chất xám cao cho ngành công nghiệp hỗ trợ, trở thành một khâu trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiến kế để DN Bắc Giang “ngồi chung mâm” với tập đoàn lớn, ông Nguyễn Xuân Phú, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn SUNHOUSE cho rằng, nhìn chung DN trong nước trở thành vendor cấp 1, cấp 2 của tập đoàn lớn rất ít. Nguyên nhân là do chưa chuẩn bị tốt các điều kiện. Một nguyên lý rất rõ là muốn giàu thì phải tự kinh doanh nên chúng ta cần chủ động, nắm bắt xu hướng phát triển của DN lớn, họ cần gì, đòi hỏi gì khi đầu tư vào KCN. Bởi vậy khi DN có sẵn về mặt bằng, nhà xưởng, máy móc, con người thì phải tìm các mối quan hệ, tăng cường kết nối với đối tác, đi từ khâu nhỏ nhất, dần dần tham gia sâu vào chuỗi cung ứng đó. Có nghĩa là chúng ta không để bị động, đón bắt ngay từ khi DN lớn vào đầu tư.

Qua một số đợt tiếp xúc, làm việc với DN của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, một số DN lớn đã đặt vấn đề muốn tìm, kết nối với DN tại Bắc Giang làm vendor của mình song qua khảo sát DN chưa đáp ứng được yêu cầu. Được biết, đến nay, Bắc Giang cũng chưa triển khai ưu đãi với DN nào hoạt động trong KCN theo Nghị định 35. Về vấn đề này, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý các KCN phải đẩy mạnh nghiên cứu, xúc tiến tìm hiểu, định hướng, tuyên truyền, xây dựng cơ chế cụ thể để thu hút DN nhỏ và vừa đầu tư vào KCN. Làm việc với chủ đầu tư hạ tầng KCN xây dựng giá thuê đất đối với DN nhỏ được ưu đãi với mức nào là phù hợp, ký cam kết, giúp DN trở thành vendor cho DN lớn trong các KCN. Đồng thời chắp nối, phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh để nắm bắt kiến nghị, đề xuất của DN, từ đó tham mưu những chính sách cần quan tâm đến DN nhỏ; hướng dẫn giải pháp thực hiện cụ thể.

Bắc Giang xác định phát triển công nghiệp là trụ cột, động lực cho tăng trưởng, dự kiến có 29 KCN vào năm 2030. Với chính sách ưu đãi cho DN nhỏ và vừa hoạt động trong KCN, hy vọng DN trong tỉnh dần trở thành vendor cấp 1, cấp 2 của tập đoàn đa quốc gia, từng bước xây dựng thương hiệu DN của tỉnh trên phạm vi toàn cầu.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thuc-hien-nghi-dinh-35-cua-chinh-phu-them-co-hoi-cho-doanh-nghiep-dia-phuong-104837.bbg