Thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng

Đồng Nai là miền đất hội tụ hơn 50 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có tín ngưỡng độc đáo riêng, góp phần tạo nên sự đa sắc màu về văn hóa tín ngưỡng.

Ông Phạm Văn Hê, Phó ban Quý tế đền thờ Nguyễn Tri Phương (TP.Biên Hòa) quét dọn vệ sinh môi trường trong khuôn viên di tích. Ảnh: L.NA

Ông Phạm Văn Hê, Phó ban Quý tế đền thờ Nguyễn Tri Phương (TP.Biên Hòa) quét dọn vệ sinh môi trường trong khuôn viên di tích. Ảnh: L.NA

Thời gian qua, tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở tín ngưỡng hoạt động, góp phần tích cực trong việc xây dựng nếp sống văn minh.

* Các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo chung tay

Khuôn viên chùa Bửu Phong (TP.Biên Hòa) được bao bọc bởi nhiều cây xanh, cây kiểng. Ngay lối vào cổng chùa bố trí bãi để xe và các nội quy, quy định của cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng về thực hiện nếp sống văn minh, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; bố trí thùng chứa rác, giữ gìn vệ sinh, an ninh trật tự, bảo vệ cảnh quan môi trường.

Phật tử Hoàng Thị Ngọc Mai (ngụ tại P.Bửu Long) cho biết: “Trong các buổi lễ, nhà chùa thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở phật tử thực hiện tốt các quy định về thắp hương lễ Phật, không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, không mặc quần áo phản cảm khi vào các cơ sở thờ tự... Phật tử và khách đến tham quan chùa ai nấy đều có ý thức giữ gìn sự tôn nghiêm, tôn trọng các giá trị văn hóa”.

Hiện Đồng Nai có 5 di tích là cơ sở Phật giáo, 27 cơ sở tín ngưỡng được Nhà nước xếp hạng (gồm: 5 chùa, 19 đình, 6 đền, 2 miếu). Các cơ sở Phật giáo, cơ sở tín ngưỡng thực hiện nghiêm việc đăng ký hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng với chính quyền địa phương.

Tại di tích Thất phủ cổ miếu (chùa Ông, P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), ngoài việc bố trí bảo vệ giữ xe, trước cổng còn niêm yết bảng nội quy để người dân và du khách nắm các quy định. Trong khuôn viên chùa Ông bố trí các điểm lấy nhang, đốt nhang, đặt thùng công đức...

Trưởng ban Trị sự Thất phủ cổ miếu Huỳnh Hữu Nghĩa cho hay: “Không chỉ những ngày lễ, Tết mà cả những ngày thường, Ban trị sự thường xuyên tuyên truyền, vận động bá tánh đến dâng hương, tham quan chùa Ông hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo, thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng nếp sống văn minh nơi cơ sở thờ tự”.

Hiện toàn tỉnh có hơn 1,4 ngàn di tích đã được kiểm kê phổ thông với nhiều loại hình do chính quyền địa phương quản lý nhà nước và các thành viên tại cơ sở tín ngưỡng quản lý trực tiếp. Hàng năm, Sở VH-TTDL tổ chức các đợt kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong tổ chức, hoạt động tín ngưỡng, lễ hội theo quy định pháp luật. Nhờ vậy, hạn chế thấp nhất các hiện tượng ăn xin, xả rác gây mất mỹ quan tại các di tích, đảm bảo công tác phòng, chống cháy, nổ; không tiếp tay lưu hành hoặc kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng nhái…

Trong đó, Sở VH-TTDL thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra các hoạt động lễ hội, công tác bảo quản di tích, tình hình an ninh trật tự tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đã được xếp hạng như: chùa Đại Giác, chùa Ông, chùa Long Thiền, chùa Bửu Phong, đền thờ thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh, đền thờ Nguyễn Tri Phương (TP.Biên Hòa), chùa Gia Lào (H.Xuân Lộc), giáo xứ Ngọc Lâm (H.Tân Phú), giáo xứ Bùi Chu (H.Trảng Bom)… Qua kiểm tra, các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo chấp hành đúng quy định của pháp luât, không phát hiện vi phạm.

* Tăng cường công tác quản lý

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung cho biết, thời gian qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã tăng cường công tác quản lý; phát động, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia thực hiện nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, hạn chế đốt vàng mã tại cơ sở thờ tự. Đến nay, 100% khu dân cư xây dựng được quy ước, hương ước; 100% khu dân cư có đông đồng bào Công giáo đều đạt danh hiệu ấp, khu phố văn hóa, 99% gia đình Công giáo đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

“Trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ tiếp tục phối hợp, hướng dẫn, tạo điều kiện để các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng xây dựng nếp sống văn hóa; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đồng thời, vận động các chức sắc, tín đồ các tôn giáo tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động từ thiện xã hội…” - ông Vũ Đình Trung chia sẻ.

Trên cơ sở đánh giá thực tiễn thi hành Thông tư liên tịch số 4-2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30-5-2014 về hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo năm 2023, Sở VH-TTDL những năm qua đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật cho các cơ sở Phật giáo, tín ngưỡng là di tích xếp hạng và di tích trong lộ trình xếp hạng. Vận động các cơ sở tín ngưỡng chủ động xã hội hóa nguồn kinh phí trong hoạt động lễ hội và thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích…, góp phần gắn kết cộng đồng, phát triển du lịch trong tỉnh.

Cũng theo Sở VH-TTDL, hiện nay Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và những văn bản dưới luật đã quy định, hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo. Do vậy, Sở đề xuất công bố Thông tư số 4-2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30-5-2014 hết hiệu lực và thực hiện theo các văn bản hiện hành.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202307/thuc-hien-nep-song-van-minh-tai-cac-co-so-tin-nguong-3172918/