Thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Dọc đường xuân quê hương Đảng khóa XI về 'Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế', chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của tỉnh chuyển biến rõ rệt. Ngành GD&ĐT tỉnh chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, phát huy truyền thống văn hóa, phẩm chất tốt đẹp của người dân Quảng Trị.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hoàng Đức Thắng khảo sát tình hình thực tế để xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên ở xã Húc Nghì, huyện Đakrông - Ảnh: T.N

Các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và Nhân dân đã nhận thức và đề cao trách nhiệm chính trị về vai trò, vị trí của GD&ĐT. Mặc dù điều kiện kinh tế, ngân sách của tỉnh còn khó khăn nhưng tỉnh luôn quan tâm, dành ngân sách bố trí cho GD&ĐT.

Tỉ trọng chi ngân sách cho giáo dục trong giai đoạn 2015 - 2022 gần 23,5% tổng chi ngân sách địa phương. Sở GD&ĐT đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách về lĩnh vực GD&ĐT.

Đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 19 nghị quyết thuộc lĩnh vực GD&ĐT. Trong đó, có những nghị quyết liên quan đến chế độ lương và hỗ trợ BHXH, BHYT; đầu tư cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh và cung cấp nước sạch trong trường học; xóa phòng học tạm, phòng học mượn; xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên...

Việc bố trí giáo viên được sắp xếp khoa học, trình độ đào tạo của giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu tổ chức dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13; Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại địa phương; Chương trình hành động số 95-CTHĐ/TU ngày 23/7/2014 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 29, UBND tỉnh phân bổ gần 100 tỉ đồng để xây dựng, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương, mua sắm thiết bị dạy học, đầu tư cơ sở vật chất (CSVC) và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng bố trí kinh phí đầu tư CSVC và mua sắm thiết bị dạy học cho các trường học.

Đến nay, quy mô mạng lưới trường, lớp được sáp nhập khoa học, đưa Quảng Trị trở thành tỉnh đi đầu trong cả nước về thực hiện chủ trương sáp nhập quy mô trường, lớp học. Trước sáp nhập, toàn tỉnh có 476 đơn vị giáo dục công lập, đến tháng 10/2023, toàn tỉnh có 367 đơn vị, giảm 109 đơn vị giáo dục công lập.

Hiện toàn tỉnh có 894 điểm trường, giảm 40 điểm trường so với trước khi sáp nhập. Việc sáp nhập đã giảm được số lượng đầu mối đơn vị hành chính, cán bộ quản lý giáo dục, tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, quy mô trường lớp lớn hơn.

Đồng thời, thực hiện xóa phòng học tạm, xóa điểm lẻ không đủ quy mô mang lại kết quả tích cực. Duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, về đích trước 2 năm so với kế hoạch của toàn quốc. Quảng Trị được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2.

Ngành GD&ĐT tỉnh đã duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn. Công tác huy động học sinh đến trường đạt tỉ lệ cao 99,96%. Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước nâng lên tạo nền tảng căn bản cho giáo dục mũi nhọn và giáo dục chất lượng cao.

Trong 10 năm qua, toàn tỉnh có 6.321 học sinh đoạt giải học sinh giỏi văn hóa lớp 12 cấp tỉnh, có 263 học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia; đoạt 19 giải quốc gia về cuộc thi khoa học kỹ thuật; có 6 học sinh đoạt giải khu vực và quốc tế.

Nhiều học sinh đoạt giải cao tại các kỳ thi giải Toán qua mạng, trên máy tính Casio, các sân chơi trí tuệ cấp quốc gia. Đặc biệt, trong vòng 6 năm từ năm 2015 - 2020, Quảng Trị có 4 học sinh lọt vào chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, mang cầu truyền hình VTV3 về với Quảng Trị, trong đó 2 học sinh đoạt giải quán quân, 1 học sinh đoạt giải á quân của cuộc thi.

Tuy nhiên, qua thực tế thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.

Việc sáp nhập trường, lớp đã nảy sinh một số bất cập ảnh hưởng đến việc dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục nhà trường như: thiếu quỹ đất để xây dựng các hạng mục công trình trường học và làm sân chơi, bãi tập cho học sinh; công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, học 2 buổi/ngày vẫn còn khó khăn do thiếu CSVC và giáo viên; CSVC và thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu và chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT; tỉ lệ nhà vệ sinh và nước sạch trong trường học chưa đạt chuẩn còn cao; công tác mua sắm thiết bị dạy học còn gặp khó khăn, quy trình thủ tục đấu thầu kéo dài, các danh mục thiết bị dạy học có những điều chỉnh trong quá trình thực hiện nên cung cấp cho các cơ sở giáo dục chưa kịp thời. Việc tinh giản biên chế chưa tính đến đặc thù của ngành, giảm định mức giáo viên/lớp đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy, học và các hoạt động giáo dục. Đời sống của nhà giáo còn nhiều khó khăn...

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Hương cho biết: Thời gian tới, tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương; đảm bảo đủ trường, lớp học, đủ trang thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập chất lượng cao ở vùng có điều kiện thuận lợi.

Phát triển hệ thống giáo dục chuyên biệt, đảm bảo đủ năng lực, quy mô, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục có chất lượng cho người học; thực hiện công bằng, bình đẳng xã hội trong tiếp cận giáo dục. Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo số lượng, chất lượng, hợp lý và đồng bộ về cơ cấu; không cắt giảm biên chế giáo viên một cách cơ học.

Đổi mới cơ chế, chính sách tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài trong ngành giáo dục, bảo đảm các điều kiện về vật chất và tinh thần cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Đảm bảo ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20%.

Chính phủ sớm ban hành Chương trình MTQG về phát triển GD&ĐT để tăng cường kiên cố hóa trường, lớp học, xóa phòng học tạm, xây dựng trường chuẩn quốc gia và mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu.

Chuyển mạnh phương thức giáo dục, đào tạo từ cung cấp kiến thức, kỹ năng của môn học, lĩnh vực học tập sang phát triển năng lực người học, nâng cao năng lực tự học, năng lực sáng tạo của người học, đa dạng hóa các loại hình đào tạo và hình thức học tập; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, cải cách hành chính trong ngành GD&ĐT.

Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, góp phần hình thành hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Tân Nguyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/thuc-hien-hieu-qua-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-va-dao-tao/183470.htm