Thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Tây Hòa được trưng bày, giới thiệu tại hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ đông xuân 2022-2023 do Sở NN&PTNT tổ chức. Ảnh: NGỌC HÂN

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Từ đó mở ra cơ hội thuận lợi để người dân tham gia trong các chuỗi sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững.

Nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP

Sau gần 5 năm triển khai chương trình, đến nay, toàn tỉnh có 87 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (gồm 9 sản phẩm đạt 4 sao, 78 sản phẩm đạt 3 sao) của 44 chủ thể. Trong đó có 11 HTX nông nghiệp, chiếm 25%; 11 doanh nghiệp, chiếm 25% và 22 hộ kinh doanh, chiếm 50%. Các sản phẩm OCOP không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị nông sản.

Theo ông Mai Ne, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Tây Hòa, Chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Do đó, thực hiện sự chỉ đạo và kế hoạch năm của tỉnh, từ đầu năm đến nay, huyện đã triển khai nhiều phần việc thiết thực từ tuyên truyền, vận động đến khuyến khích sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh để tạo ra những sản phẩm khác biệt, ấn tượng và chất lượng nhằm thu hút người tiêu dùng. Huyện cũng tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân các bước để có sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Với nhiều chủ thể, những nỗ lực và cố gắng ban đầu khi xây dựng sản phẩm OCOP đã tạo nền tảng giúp các đơn vị, doanh nghiệp từng bước nâng giá trị nông sản địa phương. Bà Trần Thị Gương ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), chủ thể đang có 3 sản phẩm (mít thái, chuối sứ, chuối hương tiêu hồng) đăng ký tham gia Chương trình OCOP cho biết: “Lần đầu tiên tham gia OCOP, tôi còn lúng túng trong thực hiện các thủ tục, hồ sơ. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của địa phương, ban ngành, tôi đã khắc phục những hạn chế, thiếu sót để sản phẩm của gia đình sớm đạt chứng nhận sao OCOP”.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa thông tin: Phú Hòa đã có 12 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3-4 sao. Để tiếp tục thực hiện chương trình, huyện sẽ tăng cường rà soát, khuyến khích, hướng dẫn các chủ thể tham gia. Địa phương cũng sẽ xây dựng địa điểm trưng bày sản phẩm OCOP cấp huyện; tổ chức đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình OCOP, chủ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, chủ thể tham gia chương trình.

Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát

Để đẩy mạnh phát triển Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương phối hợp thực hiện quyết liệt, đạt hiệu quả chương trình. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh và xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP hàng năm, giai đoạn đối với các sản phẩm tiềm năng đạt 4 sao và 5 sao theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, có lợi thế của mỗi địa phương và phát triển dịch vụ du lịch ở nông thôn.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, sản phẩm OCOP lưu thông trên thị trường được phép sử dụng tem OCOP (logo và sao biểu trưng) đã khẳng định giá trị và chất lượng sản phẩm, từng bước được người dân tín nhiệm, lựa chọn tiêu dùng. Để nâng cao giá trị, hình ảnh, thương hiệu sản phẩm OCOP, Sở NN&PTNT đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát đối với sản phẩm OCOP và rà soát các sản phẩm OCOP đã được công nhận năm 2020 sắp hết thời hạn.

“9 sản phẩm sắp hết hạn công nhận vào cuối năm nay gồm: dầu phộng Xuân Phước, gạo An Nghiệp, rượu tằm Hòa Phong, tiêu đen Sơn Thành, cam V2, cam sành, bưởi da xanh, trà diệp hạ châu và nước mắm Tân Lập. Vì vậy, các địa phương cần tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chủ thể tiếp tục duy trì, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm; hoàn thiện lại hồ sơ đăng ký, đánh giá, phân hạng lại sản phẩm để được cấp lại giấy chứng nhận sản phẩm OCOP nếu đủ điều kiện”, ông Thắng cho hay.

Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 36 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh đạt từ 3 sao trở lên. Để thực hiện đạt các mục tiêu, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan điều phối và triển khai toàn diện các nội dung Chương trình OCOP; rà soát từng huyện, thị xã, thành phố để kiểm tra, hướng dẫn việc xác định sản phẩm đăng ký tham gia chương trình; đồng thời đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch trọng tâm, cụ thể.

“Thời gian tới, để các sản phẩm OCOP Phú Yên có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể khai thác, nâng cấp sản phẩm; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ để các chủ thể mở rộng sản xuất khi sản phẩm đã chiếm lĩnh được thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng kinh tế số trong việc triển khai các sản phẩm OCOP để thuận tiện cho việc xúc tiến thương mại, ổn định đầu ra cho sản phẩm”, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định.

Đến nay, Phú Yên đã có 87 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao, 78 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ đều được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và có thể truy xuất nguồn gốc.

THÁI NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/299798/thuc-hien-hieu-qua-chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham.html