Thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc

Là địa phương có đa dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 60%, huyện Thanh Sơn luôn chú trọng thực hiện tốt các chính sách dân tộc, giúp đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, ổn định đời sống.

Đồng bào dân tộc Mường ở khu Lóng Lủm, xã Địch Quả gìn giữ những lời ca, điệu múa mang đậm bản sắc dân tộc.

Đồng bào dân tộc Mường ở khu Lóng Lủm, xã Địch Quả gìn giữ những lời ca, điệu múa mang đậm bản sắc dân tộc.

Xã Tất Thắng hiện có trên 5.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm 72% dân số. Thời gian qua, cùng với thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn khuyến khích người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Với lợi thế sẵn có, xã đã tập trung phát triển cây chè, bưởi, cây gỗ lớn theo hướng hàng hóa với diện tích sản xuất ngày càng được mở rộng, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Ông Đinh Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thông qua vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đã có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 5,66%, hộ cận nghèo là 4,6%, diện mạo xã miền núi nông thôn mới ngày càng khởi sắc”.

Xác định việc thực hiện các chính sách dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, các cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch...

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã lồng ghép với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Trong năm 2023 tập trung triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho 1.879 lượt hộ; sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư xã Khả Cửu; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững... Đời sống đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện đã có nhiều đổi thay, góp phần rút ngắn khoảng cách tiếp cận các điều kiện xã hội giữa vùng đồng bằng và miền núi, vùng cao. Tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm còn 11,6%, hộ cận nghèo giảm còn 12%.

Cùng với hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào các DTTS đã chủ động, tự lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Với diện tích đất lâm nghiệp lớn, chiếm khoảng 73% diện tích tự nhiên, huyện Thanh Sơn khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế đồi rừng, hiện đã có hàng trăm mô hình kinh tế đồi rừng với quy mô lớn như: Gia trại, trang trại nông, lâm kết hợp cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng tại các xã Cự Thắng, Giáp Lai, Lương Nha... Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai đúng kế hoạch, đúng đối tượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện đến nay giảm còn 7,69%, giảm 0,61% so với năm 2022; tỉ lệ hộ cận nghèo giảm còn 7,64%, giảm 0,83% so với năm 2022.

Các chính sách dân tộc ở Thanh Sơn đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực, giúp đồng bào các DTTS vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào DTTS. Đặc biệt là phát huy vai trò “cầu nối” của những người có uy tín ở khu dân cư trong tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào, đồng thời chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào với Đảng, chính quyền các cấp.

Hà Trang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/dan-toc-ton-giao/thuc-hien-hieu-qua-cac-chinh-sach-dan-toc/204312.htm