Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số

Việc thực hiện những chính sách ưu tiên đã giúp nhiều con em đồng bào DTTS được học tập xuyên suốt các bậc học, góp phần bổ sung nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các chế độ, chính sách giúp con em đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện được học tập xuyên suốt các bậc học (Ảnh: Một lớp đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Bắc Kạn).

Các chế độ, chính sách giúp con em đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện được học tập xuyên suốt các bậc học (Ảnh: Một lớp đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Bắc Kạn).

Bắc Kạn là tỉnh miền núi phía Bắc, có dân số 313.905 người (theo số liệu điều tra dân số ngày 01/4/2019), trong đó, dân tộc thiểu số chiếm gần 90%. Cùng với các chính sách khác, trong suốt những năm qua, tỉnh luôn triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chính sách hỗ trợ giáo dục vùng dân tộc thiểu số theo đúng quy định và hướng dẫn của cấp trên.

Theo số liệu của cơ quan chức năng, toàn tỉnh có 01 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh (cấp THPT) và 06 trường PTDTNT huyện (cấp THCS); 23 trường phổ thông dân tộc bán trú (Tiểu học 07 trường, TH&THCS 02 trường, THCS 14 trường); 112 trường có học sinh bán trú. Các chính sách đối với học sinh DTTS luôn được ưu tiên triển khai trên địa bàn tỉnh, cụ thể như: Đã thực hiện tốt việc huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, góp phần duy trì vững chắc các tiêu chuẩn công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100% (không bao gồm trẻ khuyết tật nặng); số trẻ em 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non (mẫu giáo 5 - 6 tuổi) là 100%.

Các chế độ, chính sách liên quan tới học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, như: Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 và Nghị định số 145/2018/NĐ-CP ngày 16/10/2018 của Chính phủ; Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Quyết định 82/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 về việc điều chỉnh mức học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường dự bị đại học quy định tại Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ... đều được triển khai theo đúng quy định.

Ngoài việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã ban hành một số chính sách, như: Nghị quyết số 54/2016/NQ-HĐND ngày 06/11/2016 của HĐND tỉnh về việc quy định cụ thể một số nội dung Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ và một số chính sách hỗ trợ của địa phương đối với trường phổ thông có học sinh bán trú; Nghị quyết số 13/2012/NQ-HĐND ngày 16/7/2012 của HĐND tỉnh phê duyệt đề án xây dựng nhà ở nội trú dân nuôi và các công trình thiết yếu cho học sinh THCS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015; Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 17/4/2019 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên học trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn...

Giờ ra chơi của một lớp học Trường PTDTNT Bắc Kạn.

Giờ ra chơi của một lớp học Trường PTDTNT Bắc Kạn.

Nhìn chung, công tác triển khai, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số ở các cấp học. Cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học của các trường PTDTNT, phổ thông dân tộc bán trú từng bước được hoàn thiện.

Tuy nhiên, với việc thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, những thôn, bản thuộc các xã khu vực I, II và những xã đã về đích nông thôn mới không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn cho nên học sinh sinh sống ở các thôn, xã này không còn được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước như trước đây. Trong khi đó trên thực tế, không ít học sinh DTTS sinh sống trên địa bàn này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn; nhiều học sinh nhà ở xa trường, không còn được hưởng chế độ nên các em không ở lại bán trú... dẫn đến nguy cơ bỏ học.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số, theo ngành chức năng của tỉnh, Trung ương cần tăng cường kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại các điểm trường có số lượng học sinh lớn, ổn định lâu dài. Hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện việc quản lý học sinh ở bán trú, kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú.

Bên cạnh đó, khi phê duyệt các chương trình, đề án, dự án cần có kinh phí hỗ trợ trong quá trình triển khai thực hiện đối với các tỉnh miền núi, khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Có chính sách đặc thù hỗ trợ tiền ăn, ở, dụng cụ học tập, bảo hiểm y tế cho học sinh học bán trú thuộc các xã, thôn đặc biệt khó khăn đã về đích nông thôn mới.../.

H.V

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202207/cong-tac-dan-toc-thuc-hien-chinh-sach-ho-tro-dao-tao-con-em-dong-bao-dan-toc-thieu-so-2ec2aba/