Thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Lan Thương - Mekong hướng tới hòa bình và thịnh vượng

Nhân dịp Tuần lễ Lan Thương - Mekong năm 2024, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba có bài viết gửi Báo Thế giới & Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu bài viết này.

Lãnh đạo các nước Mekong-Lan Thương tham dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ tư theo hình thức trực tuyến, ngày 25/12/2023. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Trung Quốc và các nước trong lưu vực sông Mekong là láng giềng hữu nghị núi liền núi sông liền sông. Cùng uống chung một dòng nước, cùng chung một tương lai chính là khắc họa sống động về sáu nước thân thiết như một nhà.

Là cơ chế hợp tác tiểu vùng kiểu mới đầu tiên do sáu nước trong lưu vực cùng thương lượng, cùng xây dựng và cùng chia sẻ, kể từ khi cơ chế hợp tác Lan Thương – Mekong khởi động vào năm 2016, đã hình thành mô hình Lan Thương - Mekong “Lãnh đạo cấp cao dẫn dắt, bao phủ toàn diện, các bộ ngành cùng tham gia”, tạo ra tốc độ Lan Thương - Mekong “Mỗi ngày đều có tiến triển, mỗi tháng đều có thành quả, mỗi năm đều lên tầm cao mới”, bồi dưỡng văn hóa Lan Thương - Mekong “Đối xử bình đẳng, giúp đỡ chân thành, thân thiết như một nhà”, trở thành “khuôn mẫu vàng” thực sự về hợp tác tiểu vùng.

Tám năm qua, sáu nước kiên trì sự dẫn dắt chiến lược cấp cao, việc thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Lan Thương - Mekong ngày càng gắn bó và hướng tới hòa bình, thịnh vượng đã đi vào chiều sâu và thực chất. Tổng Bí thư Tập Cận Bình và lãnh đạo các nước lưu vực sông Mekong duy trì trao đổi chặt chẽ thông qua các hình thức linh hoạt và đa dạng, cùng dẫn dắt và định hướng cho hợp tác Lan Thương – Mekong.

Trung Quốc - Campuchia, Trung Quốc - Lào, Trung Quốc - Myanmar,Trung Quốc - Thái Lan, Trung Quốc - Việt Nam lần lượt tuyên bố xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai song phương, tinh thần Lan Thương - Mekong “Ưu tiên phát triển, tham vấn bình đẳng, thực chất hiệu quả, cởi mở bao dung” ngày càng đi sâu vào lòng người.

Cơ chế hợp tác nhiều cấp, đa lĩnh vực gồm Hội nghị các nhà lãnh đạo, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Hội nghị SOM, hội nghị Nhóm công tác chung của cơ chế hợp tác Lan Thương - Mekong được vận hành thông suốt, lấy an ninh chính trị, kinh tế và phát triển bền vững, xã hội và giao lưu nhân dân làm trụ cột, khung hợp tác Lan Thương - Mekong với ưu tiên triển khai hợp tác trên các lĩnh vực là kết nối liên thông, năng lực sản xuất, kinh tế xuyên biên giới, quản lý tài nguyên nước, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo ngày càng hoàn thiện hơn.

Tám năm qua, sáu nước kiên trì tinh thần cùng có lợi, cùng thắng, phát huy đầy đủ lợi thế gần gũi về mặt địa lý cũng như bổ sung lẫn nhau trong chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, đi sâu quán triệt phương châm lấy người dân làm trung tâm, bám sát các quan tâm lớn về phục hồi sau đại dịch và phát triển bền vững của các nước trong lưu vực, đẩy nhanh xây dựng vành đai phát triển kinh tế lưu vực sông Lan Thương - Mekong, đào sâu tiềm năng kết nối liên thông và hợp tác năng lực sản xuất, tiếp tục hoàn thiện mạng lưới đường sắt, đường bộ, sân bay, bến cảng của khu vực tiểu vùng, một số lượng lớn dự án mang tính biểu tượng như tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng giữa Trung - Việt, tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào, tuyến đường sắt Trung Quốc - Thái Lan, đường cao tốc Phnom Penh - Sihanoukville đang được thực hiện hoặc đã đưa vào hoạt động.

Dưới sự hỗ trợ của Quỹ đặc biệt hợp tác Lan Thương - Mekong, sáu nước lần lượt triển khai hơn 700 dự án trên các lĩnh vực gồm tài nguyên nước, nông nghiệp, xây dựng năng lực, giảm nghèo, y tế, phụ nữ, tôn giáo, văn hóa, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân các nước trong lưu vực. Tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các nước vùng sông Mekong năm 2023 đạt 388,6 tỷ USD, đầu tư vào các nước vùng sông Mekong tiếp tục đẩy nhanh, trở thành điểm sáng của hợp tác thực chất giữa các nước trong tiểu vùng.

Tám năm qua, sáu nước kiên trì bảo đảm an ninh an toàn và phát triển, tận dụng hiệu quả nền tảng như Trung tâm Hợp tác an ninh và thực thi pháp luật Mekong - Lan Thương, tích cực trao đổi về cơ chế hội nghị định kỳ giữa các cơ quan thực thi pháp luật của sáu nước, đi sâu thúc đẩy “Hành động Lan Thương - Mekong bình yên”, chung tay ứng phó các mối đe dọa và thách thức an ninh phi truyền thống ở tiểu vùng sông Mekong, kiên quyết trấn áp tội phạm xuyên biên giới của tiểu vùng gồm lừa đảo viễn thông và đánh bạc qua mạng, xóa bỏ căn bệnh ‘ung thư an ninh’ đe dọa sự an toàn của người dân và cản trở sự phát triển của các nước, xây dựng vùng đất an toàn và trong lành.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ 8 diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 7/12/2023. Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao và đại diện các nước thành viên hợp tác MLC là Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Tập trung vào mục tiêu “Cùng xây dựng ngôi nhà chung an toàn”, tìm kiếm thành lập cơ chế hợp tác tư pháp và thực thi pháp luật Lan Thương - Mekong cấp cao hơn, duy trì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Là quốc gia ở thượng nguồn, Trung Quốc đã cố gắng hết sức để phát huy vai trò “điều phối nơi có nguồn nước phong phú bổ sung cho nơi khô hạn”, đảm bảo lưu lượng xả nước hợp lý, cung cấp bổ sung nước khẩn cấp theo nhu cầu của các nước dọc sông Mekong, tiếp tục chia sẻ thông tin thủy văn hàng năm của sông Lan Thương, tích cực hỗ trợ các nước ở hạ nguồn ứng phó với hạn hán và lũ lụt, góp phần quan trọng vào việc sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên nước trên toàn lưu vực.

Tám năm qua, sáu nước đã kiên trì làm sâu sắc hơn nữa tình hữu nghị truyền thống, tuân theo tôn chỉ về hợp tác Lan Thương - Mekong vì lợi ích của nhân dân, triển khai nhiều hoạt động giao lưu văn hóa đa dạng, phong phú trong các lĩnh vực như du lịch, thể thao, truyền thông, địa phương, trường đại học và thanh niên. Đồng thời các nước tích cực tổ chức các sự kiện thương hiệu như Diễn đàn Hợp tác Chính quyền Địa phương Lan Thương- Mekong và Diễn đàn nhân sĩ Hợp tác Lan Thương- Mekong, không ngừng thắt chặt mối quan hệ tình cảm hiểu biết, yêu thương lẫn nhau giữa nhân dân sáu nước.

Đầu tư vào hợp tác nông nghiệp, y tế công cộng, xóa đói giảm nghèo và giảm thiểu thiên tai, giao lưu nhân văn cũng như các lĩnh vực khác tiếp tục gia tăng, trong đó 6 biện pháp mang lại lợi ích cho các nước sông Mekong đã được thực hiện như“Chương trình hành động về hợp tác nông nghiệp Lan Thương – Mekong”, “Chương trình phát triển bền vững dòng sông mang lại lợi ích cho người dân Lan Thương – Mekong”, “Chương trình nhân tài Lan Thương – Mekong” và “Chương trình hợp tác y tế công cộng Lan Thương – Mekong”, “Lan Thương - Mekong được mùa bội thu”, “Chương trình hành động dòng suối ngọt Lan Thương - Mekong”, “Chương trình Lan Thương - Mekong xanh” đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Mỗi năm, sáu nước đều tổ chức sự kiện “Tuần lễ Lan Thương- Mekong”đa dạng và phong phú, tô thêm sắc màu tươi sáng cho hợp tác Lan Thương- Mekong.

Một khúc sông Mekong.

Là nước láng giềng xã hội chủ nghĩa hữu nghị của Trung Quốc và là thành viên quan trọng của Hợp tác Lan Thương- Mekong, Việt Nam từ lâu đã là nước tham gia, đóng góp và hưởng lợi quan trọng của Hợp tác Lan Thương- Mekong. Đặc biệt trong những năm gần đây, phía Việt Nam đã tích cực sử dụng Quỹ Đặc biệt Hợp tác Lan Thương- Mekong, các bộ, ngành và địa phương đã đề xuất một loạt dự án tiện ích, chất lượng cao, nhỏ nhưng đầy chất lượng. Hiện đã có 18 dự án được phê duyệt, với tổng nguồn vốn hỗ trợ lên đến 6,8 triệu đô la Mỹ, bao gồm các lĩnh vực như nước sạch, cơ sở hạ tầng, thương mại biên giới, sản xuất nông nghiệp và đào tạo kỹ năng. Những dự án này không chỉ đóng góp cho cải thiện cuộc sống của người dân cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam mà còn làm phong phú thêm ý nghĩa của hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Cách đây không lâu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam, lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng cùng tuyên bố xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam có ý nghĩa chiến lược và đề xuất mục tiêu chiến lược “Sáu hơn”, trong đó bao gồm “Phối hợp và hợp tác đa phương chặt chẽ hơn”, mở ra chương mới về hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam trong thời đại mới.

Hội nghị cấp cao Hợp tác Lan Thương- Mekong lần thứ 4 đã được tổ chức thành công và các văn bản quan trọng được ban hành như “Tuyên bố Nay Pyi Taw”, “Kế hoạch hành động hợp tác Lan Thương-Mekong giai đoạn 2023-2027” và “Sáng kiến Hành lang đổi mới sáng tạo Lan Thương-Mekong”, đã định hướng cho hợp tác Lan Thương- Mekong trong thời gian tới.

Trung Quốc sẵn sàng cùng các nước khu vực Lan Thương-Mekong, trong đó bao gồm Việt Nam, tiếp tục tập trung xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Lan Thương-Mekong, chung tay cùng xấy dựng Khu kiểu mẫu “Vành đai và con đường” chất lượng cao, Khu thí điểm về Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Khu thực nghiệm về Sáng kiến An ninh toàn cầu, Khu kiểu mẫu về Sáng kiến Văn minh Toàn cầu, làm sâu sắc hơn tình hữu nghị láng giềng tốt đẹp và hợp tác thực chất, xây dựng Vành đai phát triển kinh tế lưu vực Lan Thương - Mekong, góp phần tích cực cho việc phát triển chung và hướng tới hiện đại hóa của các nước trong khu vực.

Hùng Ba

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuc-day-xay-dung-cong-dong-chia-se-tuong-lai-giua-cac-nuoc-lan-thuong-mekong-huong-toi-hoa-binh-va-thinh-vuong-265787.html