Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu

UBND tỉnh Khánh Hòa đang triển khai chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh tập trung phát triển xuất, nhập khẩu hàng hóa theo hướng bền vững, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).

Các mặt hàng xuất khẩu qua Cảng tổng hợp Nam Vân Phong.

Các mặt hàng xuất khẩu qua Cảng tổng hợp Nam Vân Phong.

Phấn đấu đến năm 2025, xuất khẩu đạt 2 tỷ USD

Những năm qua, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh luôn đạt ở mức 1,3 - 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh và những biến động của kinh tế thế giới, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đang gặp những khó khăn. 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 789,1 triệu USD, tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước. Song đến hết tháng 7, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 872,6 triệu USD, giảm 6,29% so với cùng kỳ năm trước. Chính vì vậy, UBND tỉnh xác định cần có những giải pháp cụ thể để đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần cùng các lĩnh vực khác đưa kinh tế của tỉnh phát triển. Trong chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất, nhập khẩu của tỉnh đến năm 2030, UBND tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 tăng trưởng bình quân khoảng 6 - 7%. Đặc biệt, trong giai đoạn này, các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt 4 sao, 5 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh sẽ đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu.

Ông Huỳnh Tấn Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, từ nay đến năm 2030, thế mạnh xuất khẩu của tỉnh vẫn tập trung vào các mặt hàng thủy sản và đóng tàu. Hiện nay, công nghiệp đóng tàu chiếm tỷ trọng rất lớn trong các mặt hàng xuất khẩu, nhưng thủy sản mới là nhóm có thế mạnh nhất. Tỉnh xác định sẽ xây dựng một chiến lược xuất, nhập khẩu phát triển bền vững, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của DN, duy trì tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu hàng hóa ổn định với cán cân thương mại lành mạnh, có sự tham gia đầy đủ của các thành phần kinh tế. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng, có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, các sản phẩm kinh tế xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để đạt được mục tiêu đề ra, bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, DN, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng khác. Trong đó, tiếp tục rà soát, bổ sung các nhiệm vụ để thực hiện hiệu quả Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Chương trình hành động của Tỉnh ủy về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, đẩy mạnh tái cơ cấu các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tập trung tái cơ cấu chuỗi liên kết để phục vụ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là mở rộng quy mô sản xuất, ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh và tác động trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh, như: Đóng tàu, chế biến các sản phẩm từ yến sào, cơ khí, chế biến thủy sản...

Hoạt động sản xuất các mặt hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty Khánh Việt.

Hoạt động sản xuất các mặt hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty Khánh Việt.

Ngoài ra, tỉnh sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho DN nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Tỉnh giao Sở Công Thương phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư khi thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đầu tư thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp. UBND tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng Khu Công nghiệp Ninh Thủy; các cụm công nghiệp: Trảng É, Diên Thọ, Ninh Xuân và Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1...

Theo ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trong chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, UBND tỉnh còn yêu cầu các sở, ban, ngành phối hợp để kêu gọi đầu tư những dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp và hạ tầng thương mại nhằm phát triển các loại hình dịch vụ logistics, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xuất, nhập khẩu; khuyến khích DN phát triển, ứng dụng công nghiệp chế biến, chế tạo thông minh, tạo bước đột phá về năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. UBND tỉnh sẽ đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ ứng dụng các máy móc, công nghệ, trang thiết bị tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ DN nâng cao phương thức điều hành, quản trị thông qua chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất, nhập khẩu, nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận, quản lý và kiểm soát nhập khẩu, hướng tới thương mại công bằng; nâng cao vai trò của hội, hiệp hội ngành hàng, DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều DN được bình chọn là “DN xuất khẩu uy tín” của cả nước. Trong đó, lĩnh vực thủy sản có Công ty TNHH Thủy sản Hải Long Nha Trang, Công ty TNHH Mariso Việt Nam, Công ty TNHH Tín Thịnh, Công ty TNHH Cá ngừ Việt Nam, Công ty TNHH Hải Vương, Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods-F17, Công ty Cổ phần Vịnh Nha Trang, Công ty Cổ phần Gallant Ocean Việt Nam. Đối với sản phẩm cơ khí có Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam; mặt hàng cà phê có Công ty Cổ phần Mascopex; sản phẩm gỗ có Công ty TNHH Một thành viên Rapexco Đại Nam; dệt may có Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang; các mặt hàng khác có Tổng Công ty Khánh Việt, Công ty TNHH Một thành viên Đường Biên Hòa - Ninh Hòa...

Đ.LÂM

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202308/thuc-day-tang-truong-xuat-khau-d691be0/