Thúc đẩy phụ nữ tham gia các lĩnh vực STEM và hiểu biết về an ninh mạng

Sáng 29/3, Diễn đàn quốc tế 'Phụ nữ, An ninh mạng và STEM' đã được tổ chức tại Hà Nội, thu hút hơn 400 đại biểu từ các Đại sứ quán, cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp Trung ương và 63 tỉnh/thành tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Diễn đàn do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN) Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) tổ chức nhằm hưởng ứng chủ đề do Liên hợp quốc phát động cho Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3/2023 “Kỹ thuật số cho tất cả mọi người: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới".

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các cơ quan, đối tác cùng thể hiện cam kết hành động vì an ninh mạng và bình đẳng giới trong STEM. (Ảnh: Hải Hòa)

Sự kiện nhằm chia sẻ kinh nghiệm và kêu gọi nỗ lực chung thúc đẩy bình đẳng giới, khuyến khích phụ nữ làm chủ Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học (STEM) và không gian mạng.

Tham dự Diễn đàn có ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trugng ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam; ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam; đại diện Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Hội LHPN Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò quyết định để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia. Trong đó, bình đẳng giới trong khoa học công nghệ cũng sẽ giúp phát huy tốt nhất thế mạnh của cả hai giới và tiềm năng to lớn của nguồn lực các quốc gia.

Bà Hà Thị Nga cho biết, trên thực tế vẫn còn những khoảng trống về giới trong khoa học công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM), số lượng phụ nữ tham gia các lĩnh vực STEM, nhất là vị trí lãnh đạo còn hạn chế.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc năm 2022, phụ nữ chỉ chiếm 22% lực lượng lao động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và chỉ chiếm 28% sinh viên tốt nghiệp ở các ngành kỹ thuật. Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, nhất là quá trình số hóa, phụ nữ và trẻ em gái có nhiều cơ hội phát triển, đồng thời cũng phải đối mặt với không ít thách thức.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu khai mạc. (Nguồn: Báo Phụ nữ)

Số liệu nghiên cứu cũng cho thấy, có 38% phụ nữ hoạt động trực tuyến ở các nước đã từng bị bạo lực trên mạng.

Theo bà Hà Thị Nga, để góp phần thay đổi thực trạng này, cần có sự nỗ lực chung của các bên liên quan, đồng thời hướng đến những thay đổi trong chính sách vĩ mô, cũng như các can thiệp cụ thể nhằm tăng cường sự tham gia đóng góp và thụ hưởng bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái từ những tiến bộ của khoa học, công nghệ.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, hoạt động thiết thực đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước với tinh thần "Không phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau" trong thời đại công nghệ số, đặc biệt chú trọng thúc đẩy phụ nữ tham gia các lĩnh vực STEM và đảm bảo môi trường mạng an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái”.

Tại Diễn dàn, các đại biểu thảo luận và chia sẻ về những sáng kiến, kinh nghiệm đa dạng trong việc nâng cao quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái thông qua công nghệ thông tin và tham gia không gian mạng an toàn.

Bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, tin rằng diễn đàn là dịp quan trọng để các cơ quan, tổ chức liên quan thể hiện cam kết mạnh mẽ nhằm hỗ trợ và khuyến khích phụ nữ, trẻ em gái được tham gia và thụ hưởng bình đẳng trên không gian mạng và trong lĩnh vực STEM.

Đại biểu tham dự tọa đàm về STEM và an ninh mạng. (Nguồn: Báo Phụ nữ)

Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski cho biết, hiện nay, khái niệm xã hội trên nền tảng số đã vô cùng quen thuộc với người dân, đồng thời, đằng sau đó, tồn tại cả những cuộc thảo luận, bình luận tiêu cực. Vì vậy, trên phương diện bình đẳng giới, cần quan tâm và đưa ra phương thức quản lý thiết thực để mang lại nhiều điều tốt nhất cho phụ nữ và trẻ em.

Nhiều nội dung thiết thực khác cũng được chia sẻ tại Diễn đàn như bà Nguyễn Trần Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phân tích Dữ liệu, Tổng công ty Viễn thông Viettel, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, trình bày tham luận về sản phẩm khoa học công nghệ của các nữ kỹ sư; bà Gaelle Demolis Ebassa, chuyên gia quản trị, hòa bình và an ninh, Văn phòng UN Women khu vực châu Á-Thái Bình Dương đưa ra một số giải pháp trong việc xây dựng môi trường mạng an toàn hơn cho phụ nữ và trẻ em gái trong kỷ nguyên số...

Ngoài ra, Thượng tá Nguyễn Đỗ Đình Thi, Phó trưởng Phòng Tham mưu Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, cũng đưa ra những lưu ý đối với phụ nữ trong an ninh mạng.

Diễn đàn là sự tiếp nối các sự kiện quốc tế mà Hội LHPN Việt Nam và UN Women phối hợp tổ chức trong những năm qua và nằm trong Thỏa thuận khung hợp tác giữa hai bên giai đoạn 2022-2026. Đây cũng là hoạt động để góp phần hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 18 của Hội LHPN Việt Nam, ban hành tháng 1/2021.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn trực tiếp tại Hà Nội chụp ảnh lưu niệm. (Nguồn: Báo Phụ nữ)

Hội LHPN Việt Nam với tư cách là một tổ chức chính trị-xã hội đại diện cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, đã có những hoạt động thúc đẩy phụ nữ tham gia khoa học, công nghệ cũng như đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em, trong đó có an toàn trên môi trường mạng.

Tháng 1/2021, Hội ban hành Nghị quyết 18 về "hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế" đến năm 2030 trên các lĩnh vực trong đó có khoa học, công nghệ.

Hội LHPN Việt Nam cũng đã triển khai các chương trình, đề án, các giải thưởng, cuộc thi nhằm khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tham gia hiệu quả vào kinh tế số, xã hội số.

Lê An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuc-day-phu-nu-tham-gia-cac-linh-vuc-stem-va-hieu-biet-ve-an-ninh-mang-221522.html