Thúc đẩy dự án xây dựng cơ sở lưu trú và dịch vụ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mới đây Bộ đã có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội nhằm thúc đẩy triển khai dự án xây dựng cơ sở lưu trú và dịch vụ cho chuyên gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc nằm trên địa bàn 2 huyện Thạch Thất, Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, cơ sở của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nơi thu hút các doanh nghiệp, tổ chức công nghệ hàng đầu trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cung cấp không gian làm việc, thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển công nghệ cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu về đổi mới sáng tạo.
Vì vậy, ngoài việc xây dựng các nhà máy, trung tâm nghiên cứu công nghệ, còn cần phải phát triển các khu lưu trú cũng như các dịch vụ cần thiết khác cho các chuyên gia và người lao động để NIC có điều kiện thuận lợi trong việc thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở trình độ cao, tạo sức lan tỏa và động lực thực sự cho tăng trưởng kinh tế.

"Việc quy hoạch một khu đất có chức năng làm nơi lưu trú và các dịch vụ tiện ích khác là cần thiết và cấp bách nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các tri thức tài năng phục vụ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo", Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC cho biết, dự án xây dựng khu lưu trú và dịch vụ cần thiết cho chuyên gia và người lao động tại khu đất dịch vụ hỗn hợp HH1 nằm trong Khu đất hỗn hợp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch điều chỉnh chung xây dựng 1/5000 tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 với diện tích khu đất là 11,53 ha, mật độ xây dựng là 45%; hệ số sử dụng đất là 12,5; chiều cao công trình nhỏ hơn hoặc bằng 55m.
Mục tiêu đầu tư xây dựng công trình khu nhà lưu trú và các dịch vụ cần thiết nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất của NIC để phục vụ cho chuyên gia, người lao động tại NIC Hòa Lạc và đáp ứng một phần cho cả Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội sẽ nghiêm túc, trách nhiệm phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan để triển khai công việc kịp thời, nhằm thúc đẩy sự phát triển chung.
Để triển khai các nhiệm vụ tiếp theo, ông Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các đơn vị cùng phối hợp rà soát lại đề án, bám sát Luật Đất đai, cùng thống nhất về mục đích và chức năng sử dụng đất.
Đến nay, nhiều ý kiến cũng đã thảo luận các vấn đề liên quan đến khoản 1, Điều 150 Luật đất đai năm 2013; Khoản 1, Điều 204; Điều 201 của Luật Đất đai năm 2024 về việc thành lập mới các khu công nghệ cao; Nghị định hướng dẫn Luật đất đai; Quy hoạch tổng thể; sự phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; chức năng sử dụng đất...
Được biết, UBND thành phố Hà Nội sẽ phối tổ chức đối thoại, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đó là một trong những nội dung tại kế hoạch tổ chức Hội nghị "Đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc" do UBND thành phố Hà Nội mới ban hành.
Theo dự kiến, tại hội nghị, UBND thành phố Hà Nội sẽ thông tin tới nhà đầu tư về việc chuyển giao quyền quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc; trao đổi và thông tin về tình hình hoạt động và định hướng phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc; thảo luận, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, các kiến nghị, đề xuất của các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tổng hợp trước những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, quy định hiện hành liên quan đến hoạt động đầu tư của Nhà đầu tư; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh, từ đó tìm ra nguyên nhân và tham mưu cấp có thẩm quyền giải pháp khắc phục.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được Thủ tướng thành lập tại quyết định năm 1998 và được định hướng phát triển trở thành thành phố khoa học, đứng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm khoa học của cả nước. Khu công nghệ cao Hòa Lạc được giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có diện tích theo quy hoạch hơn 1.580 ha, quy mô dân số Khu công nghệ cao theo dự báo đến năm 2030 là 229.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 99.300 người. Tính đến tháng 5/2023, tổng diện tích đã giải phóng mặt bằng hơn 1.400 ha.
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 24/11/2023 Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho UBND thành phố Hà Nội quản lý. Theo thống kê, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hiện đã thu hút được hơn 100 dự án đầu tư, góp phần tạo việc làm cho khoảng gần 20.000 lao động. Tuy nhiên, theo đánh giá những đóng góp trên là chưa xứng đáng với quy mô của một khu công nghệ lớn, được ví như “Thung lũng silicon của Việt Nam”.
UBND thành phố Hà Nội cho biết sẽ tập trung chỉ đạo để hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong năm 2024. Hà Nội sẽ dành nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng và tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc trở thành hạt nhân của cả nước về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và giữ vai trò hạt nhân, vùng lõi của đô thị Hòa Lạc trong tương lai.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thuc-day-du-an-xay-dung-co-so-luu-tru-va-dich-vu-tai-khu-cong-nghe-cao-hoa-lac/330585.html