Thúc đẩy chuyển đổi số báo chí góp phần phục vụ hiệu quả hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp

Chiều 29/11, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo với chủ đề 'Thúc đầy chuyển đổi số báo chí góp phần phục vụ hiệu quả hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp'. Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý báo chí, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các nhà báo đã cùng chia sẻ kinh nghiệm để Bộ Tư pháp tiếp thu, tham khảo phục vụ việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi số báo chí.

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, ông Đỗ Xuân Quý - Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết: Trong công cuộc chuyển đổi số báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội, tạo động lực thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.

Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo với chủ đề "Thúc đầy chuyển đổi số báo chí góp phần phục vụ hiệu quả hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp".

Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo với chủ đề "Thúc đầy chuyển đổi số báo chí góp phần phục vụ hiệu quả hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp".

Tuy nhiên, nhận thức và kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số báo chí còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc tổ chức hội thảo này hướng tới mục tiêu luận giải, phân tích, làm rõ các chuyển biến trong xu hướng chuyển đổi số báo chí, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, đề ra giải pháp nhằm thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số các cơ quan báo chí, xuất bản, đồng thời tiếp thu, tham khảo kinh nghiệm chuyển đổi số từ các cơ quan báo chí.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho hay, Việt Nam hiện có 800 cơ quan thông tấn, báo chí với gần 1 triệu bài báo được sản xuất hằng ngày. Số lượng lớn các cơ quan thông tấn, báo chí và các bài báo tạo ra một kho thông tin khổng lồ.

Ông Đỗ Xuân Quý - Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp phát biểu báo cáo đề dẫn.

Ông Đỗ Xuân Quý - Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp phát biểu báo cáo đề dẫn.

Theo bà Thảo, bằng cách áp dụng các công cụ và kỹ thuật phân tích dữ liệu, chúng ta có thể xác định các xu hướng, mối tương quan và hiểu biết quan trọng từ nguồn này. Doanh thu truyền thông đạt gần 4 tỷ USD cho thấy sự tăng trưởng và tiềm năng của ngành truyền thông trong việc tạo ra giá trị kinh tế.

Tuy nhiên, 50% doanh thu quảng cáo đang chảy vào các nền tảng xuyên biên giới và dữ liệu đang được các nền tảng này thu thập, sở hữu. Trong khi đó, các cơ quan báo chí và truyền thông trong nước mất nguồn thu từ quảng cáo, phụ thuộc vào các công cụ phân tích, đánh giá dữ liệu của các nền tảng này.

Do đó, chuyển đổi số báo chí, nắn dòng tri thức, quảng cáo chuyển hướng sang các nền tảng trong nước để thông tin, tri thức từ dữ liệu có thể được kiểm soát và sử dụng nhằm phát triển báo chí lớn mạnh, phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Bà Đặng Thị Phương Thảo cũng chỉ ra các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông và một số giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số báo chí cần quan tâm triển khai trong thời gian tới.

Bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin truyền thông phát biểu tại Hội thảo.

Bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin truyền thông phát biểu tại Hội thảo.

Theo TS. Nguyễn Quang Hòa - Giảng viên khoa Quan hệ công chúng, Trường Đại học Văn Lang, quá trình chuyển đổi số báo chí hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như đòi hỏi đầu tư lớn, cần sự tự chủ và đầu tư về công nghệ, cũng như các nguy cơ từ mạng xã hội, nguy cơ liên quan tới bản quyền...

"Trong đội ngũ những người làm báo có rất nhiều người cao tuổi, có nhiều kinh nghiệm nhưng lại lúng túng khi gặp công nghệ mới", chuyên gia dẫn chứng, đồng thời khẳng định: "Để chuyển đổi số thành công, lãnh đạo các cơ quan báo chí phải thực hiện các giải pháp đồng bộ với quyết tâm cao độ".

Đồng tình với quan điểm trên, bà Trịnh Thị Hương Giang - Phó Giám đốc Trung tâm mạng xã hội Báo Pháp luật Việt Nam nhận định: "Chuyển đổi số báo chí không hề đơn giản" bởi nếu không thực hiện quyết liệt, báo chí sẽ "đánh mất công chúng của mình".

Bà Giang thẳng thắn chỉ ra 4 nhóm thách thức chính, bao gồm: Thiếu nguồn lực đầu tư; thiếu kiến thức về công nghệ; sự cạnh tranh của các kênh truyền thông lớn của tập đoàn nước ngoài, đặc biệt từ các công ty đa quốc gia như Facebook, Google..; vấn nạn tin giả và độ tin cậy của thông tin trên không gian mạng.

Theo bà Đặng Thị Ngọc Chi - Phó trưởng ban Thư ký - Biên tập Đài tiếng nói Việt Nam, việc số hóa, tự động hóa và ứng dụng công nghệ thông tin tại Đài mới được triển khai tại một số công đoạn, theo các dự án/giai đoạn khác nhau mang tính đáp ứng yêu cầu nội bộ, mang tính đóng và chưa chú trọng đến khả năng kết nối "mở" với các hệ thống khác.

Nhiều hệ thống có dịch vụ, tính năng giống nhau nên không đồng nhất, cơ sở dữ liệu phân tán, không đồng bộ, loãng người dùng, thiếu chuẩn an ninh chung, khó phân cấp/kiểm soát, khó chia sẻ và nhiều rủi ro mất an toàn thông tin.

Ông Ngô Việt Anh - Phó Trưởng Ban điện tử Báo Nhân dân chia sẻ, để chuyển đổi số báo chí tại Báo Nhân dân có hiệu quả trong thời gian qua, Báo Nhân dân đã tập trung vào báo chí đa phương tiện, đa nền tảng và báo chí chuyên sâu kết hợp công nghệ. Ngoài ra, mô hình tòa soạn hội tụ Nhân dân điện tử cũng là một yếu tố không thể thiếu để Báo Nhân dân thành công trong chuyển đổi số báo chí...

Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu bế mạc Hội thảo.

Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu bế mạc Hội thảo.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam khẳng định, báo chí không thể nằm ngoài công cuộc chuyển đổi mang tính đột phá này. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm đến công cuộc chuyển đổi số quốc gia nói chung, chuyển đổi số báo chí nói riêng.

Theo Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, các cơ quan báo chí, với tư cách là cơ quan thông tin, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước cần phải ý thức trách nhiệm cao với đất nước và cũng vì chính sự tồn tại và phát triển của mình trong kỷ nguyên công nghệ 4.0.

Ông Vũ Hoài Nam cho rằng, bức tranh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí còn rất nhiều bất cập, tồn tại từ nhận thức về chuyển đổi số đến nguồn nhân lực, cơ sở vật chất... Không ít các nhà quản lý báo chí, cơ quan báo chí chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số, cũng như nhận thức về con đường, lối đi, cách đi trong chuyển đổi số báo chí. Đây là vấn đề cần khắc phục nhanh để công cuộc chuyển đổi số đạt hiệu quả như mong muốn.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thuc-day-chuyen-doi-so-bao-chi-gop-phan-phuc-vu-hieu-qua-hoat-dong-cua-bo-nganh-tu-phap-163330.html