Thực chất hiệu lực của Hội nghị Munich

Bình luận về Hội nghị An ninh Munich diễn ra tại Đức vào cuối tuần trước, giới chuyên gia, các nhà quan sát đều chung những trăn trở về hiệu lực thực chất của hội nghị này nói riêng và các diễn đàn tương tự của phương Tây nói chung.

Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich Christoph Heusgen phát biểu khai mạc. Ảnh: REUTERS

Giới quan sát chỉ ra rằng, trọng tâm chính của hội nghị là vấn đề an ninh châu Âu với sự tham dự đông đảo các nhà lãnh đạo cấp cao của quốc gia và các thiết chế của phương Tây. Hội nghị còn có lãnh đạo một số quốc gia châu Á, châu Phi, Mỹ Latin hầu hết có xu hướng thân phương Tây. Trong khi đó, hội nghị “vắng bóng” các nhà lãnh đạo cấp cao của những quốc gia, thiết chế đối lập mang tính đáng kể. Cơ cấu thành phần tham dự hội nghị phần nào mô tả cơ bản bức tranh tổng thể về nội dung của hội nghị. Đó là sự thiếu hụt những yếu tố mang tính mới mẻ, đột phá, cũng như những nội dung mang tính gây tranh cãi, thay vào đó sẽ là một nội dung tương đối thống nhất liên quan tới vấn đề an ninh châu Âu.

Hội nghị An ninh Munich lâu nay được biết đến là một diễn đàn được cấu thành từ những quan điểm, đường lối đối lập, từ đó tạo thành một cuộc đối thoại để cùng nhau giải tỏa các áp lực, tìm ra phương cách dung hòa, hướng tới sự ổn định, hòa bình thực chất. Các nhà phân tích chỉ ra rằng, thực tế trong nhiều thập kỷ, Hội nghị An ninh Munich đã là diễn đàn rất hiệu quả để các thế lực đối lập đối thoại và định hình nhiều đường hướng quan trọng trong việc thiết lập trật tự thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới có vô vàn biến động khó lường và nhạy cảm, ý nghĩa quan trọng nhất của hội nghị đã không còn. Vì vậy, tương tự như nhiều cuộc họp bàn ở các cấp độ khác nhau của phương Tây diễn ra trong 1 năm qua, hội nghị vừa qua chỉ đưa ra những tuyên bố mang tính biểu trưng sức mạnh và tập hợp lực lượng của phương Tây với xu hướng đẩy mạnh đối đầu với các thế lực đối lập.

Phân tích sâu hơn, giới chuyên gia chỉ ra rằng, dù Hội nghị An ninh Munich trong một thời gian dài là một diễn đàn có ý nghĩa quan trọng, song, những tiếng nói đối lập của các đối thủ chính trị hầu như không được phương Tây lắng nghe, điều này đã tích tụ và khiến diễn đàn cơ bản suy giảm mạnh về hiệu lực thực chất, đánh mất đi giá trị to lớn là một diễn đàn đối thoại giữa các thế lực đối lập có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Trên thực tế, phương Tây luôn có xu hướng áp đặt rất nhiều chuẩn mực do mình dựng nên.Cũng giống như những diễn đàn quy tụ của những tinh hoa chính trị, kinh tế khác, khi các giải pháp đi ngược lại lợi ích của phương Tây thì mọi sự đối thoại đều vô giá trị. Vấn nạn kéo dài của những diễn đàn của phương Tây này được dự báo sẽ ngày càng xấu đi khi thế giới ngày càng đa cực với những trung tâm quyền lực mới nổi lên ở khắp toàn cầu. Trên thực tế, sự tự cường và tiềm lực ngày càng mạnh của các trung tâm quyền lực mới đòi hỏi nhu cầu được lắng nghe, tôn trọng lợi ích thay vì chỉ để bị áp đặt, “dán mác” một cách bất hợp lý từ phương Tây.

Bình luận của giới chuyên gia chính trị quốc tế đánh giá, hội nghị vừa qua chỉ còn đơn thuần là một diễn đàn riêng của các nước phương Tây, theo đà “thụt lùi” về giá trị ban đầu khi được thành lập vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước.

Dẫu vậy, giới quan sát cho hay, vấn nạn thiếu đồng thuận trong nội bộ phương Tây vẫn diễn ra tại hội nghị này, khi những đường lối của hai cường quốc châu Âu là Đức và Pháp chịu nhiều chỉ trích từ các quốc gia châu Âu khác, tạo ra những thế bế tắc nhất định, cùng với sự mơ hồ, thiếu thực tế rõ ràng trong việc vạch ra một phương hướng có tính đột phá về cấu trúc an ninh mới. Nguyên nhân sâu xa cũng bởi sự tự chủ về chính sách đối ngoại, an ninh của châu Âu ngày càng bị đánh mất, dẫn tới các ý tưởng định hướng không còn nhiều thực chất. Những yếu tố này đã cho thấy, giá trị của Hội nghị An ninh Munich thực tế đang giảm sút, không còn là nơi đối thoại đáng tin cậy.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thuc-chat-hieu-luc-cua-hoi-nghi-munich-post459008.html