Thức ăn ôi thiu, thi thể phân hủy vì cắt điện tại Nam Phi

'Đại dịch' cắt điện tại Nam Phi đã khiến cuộc sống của người dân nước này chao đảo và phải tuyệt vọng tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế.

Mất điện tại Nam Phi đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn ôtô, tình trạng thiếu nước và khiến nhiều doanh nghiệp phá sản. Nó cũng khiến thức ăn ôi thiu, nhiều thi thể phân hủy nhanh hơn và tạo cơ hội cho tội phạm lộng hành.

Tuần trước, mức độ nghiêm trọng của tình trạng cắt điện đã được phơi bày, khi người dân Nam Phi được khuyên nên chôn cất những người thân yêu đã qua đời trong vòng bốn ngày.

Tình hình này tồi tệ đến mức Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đang xem xét tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia, tương tự giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 vào năm 2020 tại đất nước.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hôm 16/1, Bộ trưởng Tài chính Enoch Godongwana cho biết Nam Phi có kế hoạch cải thiện việc cung cấp năng lượng nhằm chấm dứt tình trạng cắt điện, Reuters đưa tin.

"Cuối cùng thì trong 12-18 tháng tới, chúng ta sẽ có thể nói rằng việc cắt điện đã là dĩ vãng. Đó là mục tiêu", ông Godongwana nói.

Khác biệt giữa sự sống và cái chết

Eskom, công ty năng lượng thuộc sở hữu của nhà nước, tuyên bố rằng việc cắt điện có kiểm soát là cần thiết để đảm bảo duy trì mức dự trữ.

Mặc dù Nam Phi đã trải qua tình trạng mất điện trong nhiều năm, điều này đã trở thành thông lệ kể từ tháng 9/2022, ảnh hưởng đến mọi bộ phận trong xã hội.

Đối với một số người, việc không tiếp cận được nguồn điện ổn định có thể là khác biệt giữa sự sống và cái chết.

Trước khi qua đời vào tháng 10/2022, bà Lis Van Os cần thở oxy 17 giờ mỗi ngày. Gia đình cho biết máy oxy của bà cần cắm điện trực tiếp, khiến thời gian cắt điện trở nên căng thẳng tột độ, đặc biệt là khi điện không có lại như dự kiến.

“Việc mất điện vào cuối đời (của bà ấy) đã khiến mọi người lo lắng tột độ”, Karin McDonald, con gái của bà, chia sẻ.

Số lần cắt điện của Nam Phi trong năm 2022 nhiều gấp đôi những năm khác. Tính riêng trong năm 2022, số giờ cắt điện trên cả nước tương đương với khoảng thời gian tròn 4 tháng, Sky News đưa tin. Và mọi thứ có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2023.

Ngay cả những công việc đơn giản hàng ngày cũng cần được sắp xếp dựa trên lịch trình giảm tải điện, trong đó có cả việc di chuyển, kế hoạch nấu ăn.

Từ việc chuẩn bị sữa bột cho trẻ sơ sinh đến bật quạt trong cái nóng mùa hè, việc mất điện khiến cuộc sống hàng ngày của người dân Nam Phi trở nên khó khăn.

 Nhiều người dân Nam Phi đối diện với tình cảnh tuyệt vọng vì mất điện. Ảnh: Reuters.

Nhiều người dân Nam Phi đối diện với tình cảnh tuyệt vọng vì mất điện. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, các trạm bơm không thể cung cấp nước. Nhiều doanh nghiệp nhỏ không có điện dự phòng đã phải đóng cửa và sa thải nhân viên, theo nhiều nguồn tin.

Tình trạng mất điện leo thang cũng gây lo ngại sâu sắc đối với an ninh lương thực của Nam Phi, đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Nó thậm chí còn khiến ngân sách hộ gia đình tại nước này chịu thêm nhiều căng thẳng.

Khi các phương thức canh tác hiện đại ngày càng phụ thuộc vào điện để tưới tiêu, chế biến và bảo quản, việc cắt điện đang ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng nông nghiệp.

Gys Olivier, một nông dân từ Hertzogville ở tỉnh Free State, cho biết ông và những nông dân khác trong khu vực đã buộc phải vứt bỏ số khoai tây giống trị giá hàng trăm nghìn USD do sự gián đoạn trong chuỗi bảo quản lạnh.

Nhu cầu của người trồng cũng ít hơn do thiếu nước, khi các trạm bơm hoạt động dựa vào điện. Bên cạnh đó, nhiều gia súc, gia cầm lại chết trước khi đến lò mổ.

Cắt điện là một đại dịch

Nam Phi được biết đến là quốc gia có tỷ lệ tội phạm cao, và việc cắt điện liên tục đang khiến tình hình này trở nên tồi tệ hơn. Hệ thống camera an ninh gia đình không thể hoạt động khi mất điện. Điều đó đã tạo điều kiện cho tội phạm có cơ hội đột nhập vào nhiều khu nhà.

Việc đảm bảo an ninh cũng trở nên khó khăn hơn, khi nhiều sĩ quan không thể tiếp cận hiện trường đủ nhanh do tắc nghẽn vì đèn giao thông tắt.

Tumelo Mogodiseng, Tổng thư ký Liên minh Cảnh sát Nam Phi (SAPU), mô tả việc cắt điện là “một đại dịch”.

“Cảnh sát đang chết mỗi ngày ở đất nước này. Nếu điều này đã xảy ra vào ban ngày, thì điều gì sẽ xảy ra khi không có ánh sáng cho họ nhìn vào ban đêm”, ông đặt câu hỏi

Ông Mogodiseng cũng lo ngại rằng nhiều vụ phạm pháp sẽ không được báo cáo, do người dân sợ rời khỏi nhà khi mất điện và đi lại trong bóng tối.

 Người dân Nam Phi biểu tình vì mất điện. Ảnh: Reuters.

Người dân Nam Phi biểu tình vì mất điện. Ảnh: Reuters.

Gareth Newham, người điều hành Chương trình Công lý và Phòng chống Bạo lực tại Viện Nghiên cứu An ninh (ISS) ở Pretoria, khẳng định thật khó để có được dữ liệu chắc chắn về tác động của việc mất điện đối với tình hình tội phạm.

Mối quan tâm lớn nhất của ông là việc tiếp tục cắt điện hoặc sự cố lưới điện tạm thời có thể khiến tình trạng bất ổn dân sự, bạo loạn và cướp bóc lặp lại ở nhiều khu vực thuộc tỉnh KwaZulu-Natal hay Gauteng.

Trước cảnh mất điện không hồi kết, người dân Nam Phi đang tuyệt vọng tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế. Chúng thậm chí còn nằm ngoài tầm với của nhiều người dân do giá quá cao.

Đối với thực tế mới này, nhiều người Nam Phi cảm thấy khó giữ được sự lạc quan.

“Ánh sáng cuối đường hầm là một đoàn tàu đang hướng về phía chúng tôi”, Angus Williamson, một nông dân chăn nuôi gia súc từ tỉnh KwaZulu-Natal, nói.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thuc-an-oi-thiu-thi-the-phan-huy-vi-cat-dien-tai-nam-phi-post1397933.html