Thức ăn chăn nuôi tăng giá, người chăn nuôi nguy cơ lỗ

Mỗi năm, nhu cầu của người chăn nuôi trong toàn tỉnh cần khoảng 5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp các loại. Tuy nhiên, trong hơn 1 năm trở lại đây thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá và đang có chiều hướng tăng cao hơn. Điều này, ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển chăn nuôi của nông dân.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt

Theo các chủ đại lý thức ăn nuôi trên địa bàn, hơn 1 năm qua giá thức ăn chăn nuôi tăng hơn 50%. Ông Vũ Xuân Tài, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi ANCO, trên đường Chu Văn Thịnh, thành phố Sơn La, cho biết: Năm 2021, thức ăn chăn nuôi đã 11 lần tăng giá, vừa rồi giữa tháng 2, Công ty lại thông báo tăng giá bán thức ăn nuôi lợn và gà thịt thêm 300 đồng/kg, thức ăn gia cầm và lợn con tăng 240 đồng/kg, các loại khác tăng 200 đồng/kg, tương ứng với tăng từ 5.000 - 7.500 đồng/bao 25kg so với cuối năm 2021. Hiện, giá thức ăn cho bò phổ biến từ 250.000 - 270.000 đồng/bao 25kg, thức ăn cho lợn và gia cầm giá từ 300.000 - 350.000 đồng/bao 25kg. Riêng túi cám đậm đặc 5kg trước đó có giá từ 90.000 - 100.000 đồng thì nay tăng lên từ 100.000 - 120.000 đồng.

Còn anh Phan Văn Lượng, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi hãng Twin, tại xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, cho biết: Ngày 23/2, Công ty TNHH Twin Hải Dương đã tăng giá bán các loại thức ăn chăn nuôi lên 300 đồng/kg. Các công ty cũng thông báo sẽ tăng 200-400 đồng/kg trong thời gian tới. Việc tăng giá không chỉ ảnh hưởng đến người dân, mà các đại lý kinh doanh cũng gặp khó khăn do người dân ít mua.

Người dân xã Chiềng Xôm (Thành phố) mua thức ăn chăn nuôi.

Người dân xã Chiềng Xôm (Thành phố) mua thức ăn chăn nuôi.

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 28 đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi lớn, và nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi nhỏ lẻ phân bố khắp trên địa bàn các huyện, thành phố. Lý do tăng giá các công ty đưa ra là do căng thẳng giữa Nga và Ukraine, ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho nguyên liệu đầu vào chế biến thức ăn chăn nuôi khan hiếm. Bên cạnh đó, giá xăng dầu và chi phí vận tải tăng, nên giá bị đẩy lên cao.

Nguy cơ lỗ hiện hữu

Hiện nay, tỷ lệ chăn nuôi theo quy mô trang trại, chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh còn thấp, chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, phân tán, nằm xen kẽ trong khu dân cư. Toàn tỉnh có 13 trang trại quy mô lớn, 304 trang trại quy mô vừa, 252 trang trại quy mô nhỏ. Theo tính toán của các chủ chăn nuôi, chi phí thức ăn chiếm từ 65-70% trong cơ cấu giá thành sản xuất. Vì vậy, khi giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân, nhất là người chăn nuôi lợn, gia cầm, chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp, trong khi đó, lợn hơi và gia cầm thịt đang có giá bán không cao.

HTX Toản Duyên, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, luôn duy trì nuôi hơn 40 con bò, hơn 100 con lợn và hàng nghìn con gia cầm, giá thức ăn tăng cao đang tác động trực tiếp đến thu nhập của HTX. Anh Lò Văn Toản, Giám đốc HTX, tính toán: Từ đầu năm đến nay, giá một bao cám thức ăn cho lợn là 450.000 đồng/bao 25kg; tăng thêm 7.500 nghìn/bao. Thời điểm hiện tại, nếu bán con lợn 1 tạ được 5,2 triệu đồng, nhưng tiền thức ăn đã tốn hơn 3 triệu đồng, tiền giống 2 triệu đồng/con, chưa kể các chi phí khác. Đối với nuôi gà, giá bình quân hiện nay là 75.000 đồng/kg gà thịt, nuôi 4 tháng mới được 2kg, nhưng chi phí thức ăn là 80 nghìn đồng/con cộng với chi phí giống, thuốc nữa, hết khoảng 110 nghìn/con. Nếu cám chưa tăng thì tổng chi phí 80 nghìn đồng/con. Đối với nuôi bò thì đỡ hơn, vì thức ăn cho bò có thể giảm cám, tăng thức ăn cỏ.

Mô hình nuôi lợn của HTXH Toản Duyên (Sốp Cộp).

Mô hình nuôi lợn của HTXH Toản Duyên (Sốp Cộp).

Công ty cổ phần chăn nuôi Lộc Phát BLLT, phường Chiềng Sinh (Thành phố) có 4 trại nuôi lợn, quy mô 7.000 con, mỗi ngày tiêu thụ hết 20 tấn cám. Khi giá thức ăn tăng, đồng nghĩa với đội chi phí tăng rất cao. Ông Nguyễn Công Bắc, Giám đốc Công ty, cho biết: Hiện, giá thức ăn chăn nuôi tăng lên 300 đồng/kg, đối với chăn nuôi nhỏ lẻ thì chắc chắn là sẽ lỗ, chỉ có trang trại nuôi nhiều thì mới bù và trụ được, năm qua đã có nhiều người bỏ chăn nuôi. Chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm có giải pháp bình ổn thị trường thức ăn chăn nuôi và có chính sách tăng giá thịt lợn hơi.

Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục ở gia súc cũng đã gây thiệt hại nhiều cho ngành chăn nuôi, nhiều hộ dân muốn tái đàn, nhưng chi phí thức ăn dành cho chăn nuôi quá cao, trong khi giá thịt hơi thì không tăng, nên e ngại. Đây là bài toán đặt ra cho ngành chăn nuôi.

Giải pháp thức ăn chăn nuôi bền vững

Với diễn biến thị trường hiện nay, ngành nông nghiệp dự báo giá các loại thức ăn chăn nuôi tiếp tục giữ ở mức cao trong những tháng tới. Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cụ Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La, khuyến cáo: Bà con nên chuyển đổi, tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương. Cùng với đó, có thể tự phối trộn thức ăn, bằng cách mua các loại thức ăn đậm đặc để phối trộn với nguyên liệu sẵn có của địa phương nhằm giảm nguồn thức ăn công nghiệp, từ đó, giảm giá thành thức ăn trong chăn nuôi. Đối với các HTX, công ty chăn nuôi nên đầu tư máy nghiền trộn, chế biến thức ăn nhỏ để tự chế biến từ nguyên liệu, phụ phẩm nông nghiệp...

Máy nghiền trộn thức ăn chăn nuôi của HTX Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tâm.

Máy nghiền trộn thức ăn chăn nuôi của HTX Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tâm.

Hiện, toàn tỉnh có 10.242 ha trồng cỏ voi, sản lượng 337.270 tấn, chủ yếu là giống cỏ voi VA06, Guatemala; 16ha mỳ mạch làm thức ăn chăn nuôi, sản lượng 400 tấn. Ngoài ra, còn sử dụng nguồn thức ăn từ sắn, bí và rau xanh các loại, các phụ phẩm ngọn cây mía, cây ngô... Đối với thức ăn chăn nuôi công nghiệp, tỉnh ta chỉ có 1 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi hỗn hợp TMR của Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu phục vụ chăn nuôi bò sữa của công ty, không bán ra ngoài thị trường, nên thức ăn phải nhập từ các tỉnh khác.

Mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng của người dân xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu.

Mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng của người dân xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu.

Các ngành chức năng của tỉnh cũng đã nghiên cứu các đề tài về chế biến thức ăn chăn nuôi với nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, giảm sự phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp. Như Dự án “Thử nghiệm sản xuất thức ăn chăn nuôi tại huyện Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La” đã hoàn thiện quy trình công nghệ và sản xuất thử nghiệm 35 tấn thức ăn chăn nuôi đậm đặc cho lợn từ tập ăn đến xuất chuồng. Đề tài Nghiên cứu ứng dụng chế biến lõi ngô, bã mía và vỏ chanh leo làm thức ăn cho bò sữa, vẫn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho bò vắt sữa, giúp giảm chi phí thức ăn, tăng doanh thu lợi nhuận cho các hộ chăn nuôi bò sữa. Đề tài nghiên cứu triển khai trồng cỏ, xử lý chế biến và dự trữ thức ăn cho trâu bò theo quy mô trang trại ở huyện Mai Sơn, với 7 ha trồng cỏ VA06, đã thực hiện ủ 30 tấn trong hố ủ. Cần nhân rộng những đề tài nghiên cứu đã thành công, giúp người dân giảm chi phí thức ăn, có điều kiện tái đàn.

Ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La, cho biết: Để tạo nguồn thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc và dữ trữ nguồn thức ăn cho đàn gia súc vào mùa đông giá rét, thì ngô sinh khối có nhiều ưu thế. Hiện nay, toàn tỉnh trồng hơn 3.300 ha ngô sinh khối, sản lượng hơn 119.000 tấn. Năm 2022, Trung tâm phối hợp với Viện Ngô Trung ương khảo sát, triển khai mô hình trồng 10 ha ngô sinh khối tại huyện Yên Châu để tạo vùng nguyên liệu thức ăn, đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1335/QĐ-UBND ngày 18/06/2021 về việc ban hành Đề án phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, có nhiệm vụ phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi trên cơ sở mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Đẩy mạnh liên kết sản xuất trong tạo vùng nguyên liệu phục vụ cho chăn nuôi. Đối với thức ăn tự nhiên, bố trí đồng cỏ, diện tích đất trồng cây thức ăn; hướng dẫn người chăn nuôi sử dụng các giống cỏ mới năng suất chất lượng cao; tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho hộ chăn nuôi cách chế biến, bảo quản dự trữ thức ăn cho gia súc. Đối với thức ăn chăn nuôi công nghiệp, sử dụng chế biến phụ phẩm công nông nghiệp qua phơi khô, ủ chua... Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp, chăn nuôi hữu cơ, liên kết cung ứng thức chăn nuôi với người chăn nuôi...

Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/thuc-an-chan-nuoi-tang-gia-nguoi-chan-nuoi-nguy-co-lo-48594