Thuật ngữ 'thời hạn' và 'thời hiệu'

Thời hạn và thời hiệu là những yếu tố quan trọng nhằm xác định quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định của pháp luật về thời hạn và thời hiệu trong thực tế đã xảy ra không ít trường hợp nhầm lẫn nên ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên. Bài viết dưới đây không ngoài mục đích cùng bạn đọc tìm hiểu về hai thuật ngữ này.

Thời hạn và các loại thời hạn

Xét dưới góc độ ngôn ngữ học, theo từ điển tiếng Việt do các tác giả Vĩnh Lộc, Bảo Đoan, Quỳnh Tâm, Ngọc Hạnh biên soạn, Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành năm 2000, thời hạn là: Khoảng thời gian có giới hạn nhất định để làm việc gì. Ví dụ: Thời hạn làm nghĩa vụ quân sự.

Xét dưới góc độ pháp luật, theo Điều 144 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì: Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra. Như vậy, thời hạn là một khoảng thời gian được giới hạn bởi hai đầu. Một đầu gọi là thời điểm bắt đầu của thời hạn còn đầu kia được gọi là thời điểm kết thúc thời hạn. Khoảng thời gian này có thể do các bên thỏa thuận, có thể do pháp luật quy định, có thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ấn định. Thông thường, thời hạn luôn gắn với một quan hệ pháp luật dân sự cụ thể, là một khoảng thời gian mà trong đó luôn có ít nhất một chủ thể mang một hoặc những nghĩa vụ nhất định vì lợi ích của chủ thể khác.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thời hạn bao gồm 3 loại: Thứ nhất, thời hạn do pháp luật quy định. Ví dụ, thời hạn tối thiểu để một người biệt tích khỏi nơi cư trú có thể bị Tòa án tuyên bố mất tích là 2 năm, kể từ ngày biết được thông tin cuối cùng về người đó. Thứ hai là thời hạn do các bên thỏa thuận. Ví dụ, thời hạn của hợp đồng vay tiền là 3 tháng hay 6 tháng hoặc 1 năm do bên cho vay và bên nhận vay thỏa thuận. Thứ ba, thời hạn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ấn định. Ví dụ, Tòa án có thể ấn định một khoảng thời gian để các bên tranh chấp hoàn thành việc công chứng, chứng thực giao dịch đang tranh chấp.

Về đơn vị tính, thời hạn bao gồm 2 loại, gồm: Thời hạn được xác định cụ thể ngay tại thời điểm xác lập. Đây là loại thời hạn được tính bằng các đơn vị thời gian cụ thể như phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm. Thứ hai là thời hạn được xác định cụ thể tại thời điểm kết thúc. Đây là loại thời hạn không được tính bằng một đơn vị thời gian cụ thể tại thời điểm xác lập mà chỉ được tính tại một thời điểm xảy ra sự kiện nhất định.

Cũng theo quy định của pháp luật hiện hành, thời hạn có thể được xác định theo các đơn vị thời gian hoặc có thể được xác định bằng một sự kiện có thể xảy ra. Sự kiện được coi là căn cứ để xác định thời hạn phải là những sự kiện chắc chắn sẽ xảy ra dù việc xảy ra vào thời điểm nào có thể nằm ngoài ý chí của con người. Ngoài ra, tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên liên quan đến thời hạn mà khi sự kiện xảy ra có thể là căn cứ để xác định thời điểm bắt đầu của thời hạn, có thể là căn cứ để xác định thời điểm kết thúc của thời hạn.

Thời hiệu là gì?

Cũng theo từ điển trên, thời hiệu là: Thời gian trong đó một đạo luật, điều luật có hiệu lực. Xét dưới góc độ pháp luật, theo quy định tại Khoản 1, Điều 149 của Bộ luật Dân sự 2015, thì: Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.

Như vậy, thời hiệu là khoảng thời gian thời gian do luật quy định được xác định từ thời điểm bắt đầu đến thời điểm kết thúc mà khi kết thúc khoảng thời gian đó thì phát sinh một hậu quả pháp lý nhất định đối với chủ thể. Hậu quả pháp lý của thời hiệu có thể là chủ thể được hưởng một quyền dân sự; được miễn việc thực hiện nghĩa vụ dân sự; mất quyền khởi kiện vụ án dân sự; mất quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Do đó, thời hiệu có vai trò quan trọng trong việc ổn định các quan hệ dân sự. Nếu không quy định thời hiệu, mỗi chủ thể tham gia vào quan hệ dân sự luôn bị đe dọa bởi tranh chấp có thể xảy ra, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và đời sống của họ. Hơn nữa các căn cứ phát sinh quan hệ dân sự do thời gian làm cho quá trình chứng minh phức tạp. Khi giải quyết các tranh chấp dân sự, Tòa án cần phải tiến hành điều tra thu thập chứng cứ để xác định sự thật khách quan nên nếu thời gian đã qua đi quá lâu, quá trình thu thập chứng cứ khó bảo đảm chính xác.

Cũng theo quy định của pháp luật hiện hành, thời hiệu bao gồm 4 loại: Thời hiệu hưởng quyền dân sự; Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự; Thời hiệu khởi kiện; Thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự.

Luật gia: Như Viên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/132833/thuat-ngu-thoi-han-va-thoi-hieu