Thừa Thiên Huế sẽ có 3 trung tâm đô thị

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 1745/QĐ-TTg, phê duyệt Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương. Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao…

Quyết định đặt ra mục tiêu về kinh tế, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 9 - 10%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 6.000 USD. Thừa Thiên Huế sẽ thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); Chỉ số chuyển đổi số (DTI).

Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững;

Sẽ có 3 trung tâm đô thị

Về phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội, Thừa Thiên Huế sẽ có 3 trung tâm đô thị. Đô thị trung tâm gồm TP Huế (được chia thành 2 quận quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương), quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà.

TP Huế nhìn từ trên cao.

TP Huế nhìn từ trên cao.

Đô thị vùng Tây Bắc: Thị xã Phong Điền - Quảng Điền - A Lưới.

Đô thị Vùng Đông Nam: huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông. Trong đó, phát triển khu vực Chân Mây trở thành đô thị loại III - một thành phố thông minh, hiện đại gắn với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô tạo động lực phát triển đột phá của vùng, cửa ngõ phía Nam kết nối vơíp Đà Nẵng, cửa ngõ ra biển các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây.

Thừa Thiên Huế với 3 hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với quốc lộ 1 là trục chính, cao tốc Bắc Nam (Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan), quốc lộ 49 B và đường ven biển gắn với hành lang kinh tế ven biển. Hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối liên thông 3 Cụm Cảng biển phía Đông (gồm: Chân Mây, Thuận An, Phong Điền) với 2 cặp cửa khẩu biên giới Việt Lào ở phía Tây (gồm: A Đớt/Tà Vàng và Hồng Vân/Cô Tài) thông qua các quốc lộ (49, 49D, 49E, 49F); gắn đường Hồ Chí Minh (kết nối các tỉnh vùng động lực miền Trung và Tây Nguyên) kết nối các nước Lào, Myanma, Thái Lan. Trong đó, ưu tiên đầu tư đường 71 từ cảng Phong Điền đến Cửa khẩu Hồng Vân thông qua quốc lộ 49F.

Thừa Thiên Huế có 3 trung tâm động lực tăng trưởng gồm: Quần thể di tích, di sản Cố đô Huế với khu công nghệ thông tin tậptrung, khu công viên khoa học tại khu vực đô thị trung tâm; Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; Khu công nghiệp Phong Điền.

Xây dựng mô hình đô thị trung tâm gồm 4 quận

Quy hoạch nêu rõ, đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc trung ương với 9 đơn vị hành chính, gồm: 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện.

Đến năm 2030, TP Thừa Thiên Huế trực thuộc trung ương với 9 đơn vị hành chính gồm: 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện; đầu tư xây dựng đô thị Chân Mây (gồm Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và phần mở rộng) đạt tiêu chí đô thị loại III để phát triển kinh tế, bảo tồn, hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được UNESCO công nhận.

Tầm nhìn đến năm 2050: Thừa Thiên Huế - TP trực thuộc Trung ương với mô hình đô thị trung tâm gồm 4 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy, quận Hương Trà); 1 thành phố (Chân Mây); các thị xã và các huyện. Tập trung xây dựng TP Chân Mây trở thành đô thị thông minh, hiện đại theo mô hình TP trong TP gắn với khu kinh tế biển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội sau năm 2030.

Anh Tuấn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thua-thien-hue-se-co-3-trung-tam-do-thi.html