Thú y cơ sở - Điểm tựa của ngành chăn nuôi

Với những đóng góp tích cực trong công tác phòng ngừa và khống chế các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, lực lượng nhân viên thú y cơ sở được xem là “cánh tay nối dài” giúp công tác quản lý Nhà nước về chăn nuôi, thú y hiệu quả, người bạn đồng hành, giúp bà con nông dân yên tâm mở rộng quy mô chăn nuôi, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Cán bộ thú y xã Phương Khoan (huyện Sông Lô) tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gà của người dân trên địa bàn. Ảnh Nguyễn Lượng

Phát huy thế mạnh diện tích vườn đồi lớn, từ lâu, xã Hoàng Hoa vốn được coi là “thủ phủ” chăn nuôi của huyện Tam Dương với tổng đàn gia súc, gia cầm (GSGC) lớn gồm 1.190 con trâu bò, hơn 7.700 con lợn, hơn 391.000 con gà, hơn 31.000 con vịt và 8.000 con ngan...

Chính vì vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được chính quyền các cấp ở địa phương đặc biệt quan tâm; trong đó, lực lượng thú y giữ vai trò vô cùng quan trọng.

Anh Bạch Văn Đức, nhân viên thú y xã Hoàng Hoa chia sẻ: "Do đặc điểm địa bàn rộng, hơn 2.000 hộ chăn nuôi GSGC các loại phân bố ở nhiều thôn dân cư, công tác giám sát dịch bệnh, tiêm phòng ở địa phương có những vất vả riêng nhưng tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hằng năm, trên địa bàn xã đều triển khai hai đợt tiêm phòng cho GSGC và phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi; ngoài ra, có thể tiêm phòng bổ sung tùy vào diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Với vai trò nhân viên thú y ở cơ sở, công việc của tôi nhiều khi diễn ra 24/24h bởi lẽ việc phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ thường xuyên; đặc biệt, khi xuất hiện các ổ dịch, công tác khoanh vùng, dập dịch là việc làm cấp thiết".

Điển hình, trong năm 2021, khi bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn trâu, bò bắt đầu xuất hiện ở một số địa phương lân cận, anh Đức đã báo cáo kịp thời lên UBND xã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi trên địa bàn, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, tiêm phòng vắc xin; nhờ đó, dịch bệnh không lan rộng.

Bà Hà Thị Sinh, một hộ chăn nuôi gà tại thôn 7 cho biết: "Từ nhiều năm nay, gia đình duy trì nuôi thường xuyên 5.000 con gà ta lai. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ thú y xã, áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tiêm phòng vắc xin đầy đủ và phun thuốc khử trùng chuồng trại định kỳ; nhờ vậy, đàn gà của gia đình luôn an toàn trước các loại dịch bệnh".

Đánh giá về vai trò của đội ngũ nhân viên thú y cơ sở tại địa phương, ông Trần Tân Dân, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tam Dương cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 13 nhân viên thú y làm việc tại 13 xã, thị trấn.

Những năm qua, hệ thống nhân viên thú y xã đã có những đóng góp rất lớn cho công tác kiểm soát dịch bệnh, góp phần thúc đẩy chăn nuôi của địa phương phát triển.

Đặc biệt, là địa phương có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn với hơn 3 triệu con, trong đó phần lớn là gia cầm và thủy cầm; để bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cùng hệ thống nhân viên thú y xã tổ chức giám sát định kỳ để kịp thời phát hiện sớm các loại dịch bệnh trên đàn gia cầm.

Quản lý chặt chẽ các hộ kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm; rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới nuôi, mới lớn chưa được tiêm phòng các loại vắc xin trong các đợt tiêm phòng; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ, cơ sở chăn nuôi gia cầm không thuộc đối tượng được hỗ trợ của nhà nước tự tổ chức tiêm phòng vắc xin CGC đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn...

Nhờ đó, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm được khống chế kịp thời, giúp người chăn nuôi hạn chế thiệt hại kinh tế ở mức thấp nhất.

Trong những năm qua, ngành chăn nuôi của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung phải đối mặt với nhiều khó khăn khi xuất hiện nhiều loại dịch bệnh và giá bán xuống thấp, đầu ra không ổn định.

Từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi, bệnh Viêm da nổi cục đã xâm nhiễm và gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi của tỉnh.

Song, với sự vào cuộc tích cực và kịp thời của hệ thống thú y các cấp, đặc biệt là nhân viên thú y cơ sở tham mưu về công tác phát triển sản xuất chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương, công tác tiêm phòng vắc xin cho GSGC của tỉnh hằng năm đều đạt trên 80% tổng đàn, kết quả phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi đạt 100% kế hoạch đã tạo được miễn dịch quần thể để phòng bệnh và góp phần tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường, hạn chế dịch bệnh phát sinh.

Đồng thời, công tác giám sát dịch bệnh được thực hiện đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi, các ổ dịch nhỏ phát sinh được phát hiện sớm và xử lý kịp thời không để lây lan diện rộng đã tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi yên tâm đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy chăn nuôi của tỉnh phát triển, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Phùng Hải

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/77109/thu-y-co-so---diem-tua-cua-nganh-chan-nuoi.html