Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất

Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng không để ách tắc trong việc lưu thông tiền tệ và người dân doanh nghiệp phải thiếu vốn.

Sáng nay 8-1, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2024, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định, năm 2024 NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu). Đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Năm 2023, về cơ bản, ngành ngân hàng đã đạt được các mục tiêu đặt ra

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2023 là một năm nhiều khó khăn, thách thức trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ.

Lạm phát thế giới có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao khiến nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng USD, giá dầu, giá vàng diễn biến phức tạp, sự đổ vỡ của một số ngân hàng ở Mỹ và châu Âu là những yếu tố tác động tới kinh tế, tiền tệ của các nước, trong đó có Việt Nam.

Trong nước, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp mặc dù có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên vẫn tạo áp lực đối với nhu cầu vốn từ hệ thống ngân hàng.

Dư âm của sự cố rút tiền hàng loạt tại SCB vào cuối năm 2022 tác động lớn tới thanh khoản, tâm lý thị trường, khiến các tổ chức tín dụng thận trọng hơn trong việc quản trị và cân đối nguồn vốn tín dụng.

Ngân hàng cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Ảnh:T.L

Tất cả những yếu tố nêu trên tạo ra một thách thức lớn đối với việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là khi nền kinh tế của Việt Nam có độ mở cửa cao.

Kết thúc năm 2023, về cơ bản, ngành ngân hàng đã đạt được các mục tiêu đặt ra đó là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm, đưa mặt bằng lãi suất trở về mức lãi suất trước dịch covid-19. Năm 2023, tiền VND mất giá khoảng 2,9%, an toàn hoạt động ngân hàng được đảm bảo, các nội dung chuyển đổi số đạt các chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng...

Một số phương hướng, nhiệm vụ hoạt động ngân hàng năm 2024

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Vietinbank cho biết: “Tăng trưởng tín dụng tính đến cuối năm 2023 của ngân hàng này đạt 15,6%.

Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng như vậy, Vietinbank đã thực hiện điều chỉnh lại các điều kiện phê duyệt cho phù hợp với bối cảnh thị trường khó khăn, theo hướng hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp tục tồn tại, phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn.

Vietinbank đã cung cấp nguồn tín dụng khoảng 200.000 tỉ đồng trong năm 2023. Ví dụ với chương trình hỗ trợ lãi suất theo Thông tư 03 của NHNN, Vietinbank đã hỗ trợ dư nợ trên 12.000 tỉ đồng với mức hỗ trợ lãi suất cao nhất so với khách hàng thương mại khác.

Đồng thời, Vietinbank đã triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ theo Thông tư 02. Đến nay cơ cấu dư nợ của lĩnh vực ưu tiên chiếm 40 % trong tổng dư nợ của Vietinbank.

Liên quan đến định hướng năm 2024, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% (cao hơn so với năm 2023), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của ngành ngân hàng trong năm 2023 trong việc quyết liệt giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và phục hồi kinh tế.

Xác định nhiệm vụ năm 2024 còn nhiều khó khăn thách thức, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành ngân hàng chuẩn bị nguồn lực để kịp thời hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và người dân khi cần thiết.

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng không để Chính phủ bị động về chính sách tiền tệ; không để ách tắc trong việc lưu thông tiền tệ, không để người dân, doanh nghiệp phải thiếu vốn. Không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng và sơ hở trong quản lý của hệ thống ngân hàng.

Đồng thời NHNN phải kiểm soát sự cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và lạm phát, phù hợp với tình hình của nền kinh tế Việt Nam cũng như những yếu tố tác động từ bên ngoài.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-yeu-cau-nganh-ngan-hang-tiep-tuc-giam-lai-suat-post770763.html