Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an xử lý tình trạng sở hữu chéo ngân hàng

Bộ Công an được giao phối hợp với Ngân hàng Nhà nước khẩn trương có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ khắc phục tình trạng sở hữu chéo, thao túng tổ chức tín dụng. Ảnh: Nam Khánh.

Đây là một trong những nội dung quan trọng được Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trong Chỉ thị 14 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024.

Theo đó, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước khẩn trương có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng. Việc này nhằm bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an ninh tài chính, tiền tệ.

Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7, một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.

Những thay đổi liên quan đến sở hữu chéo, chi phối tổ chức tín dụng; can thiệp sớm các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý tài sản đảm bảo... sẽ có tác động nhiều nhất đến hoạt động của các ngân hàng niêm yết.

Với quy định giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông lớn và các bên liên quan, trong quy định mới cổ đông cá nhân sẽ không được sở hữu quá 5%; tổ chức không được sở hữu quá 10% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng (bao gồm cả sở hữu gián tiếp). Cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng và quá 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng khác.

Tình trạng sở hữu chéo, chi phối tổ chức tín dụng là một trong những vấn đề tồn tại trong thời gian vừa qua. Để giảm thiểu tình trạng này, Luật đã đưa ra các quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn và người có liên quan so với quy định cũ.

Sự thay đổi này được cho sẽ làm hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giảm thiểu rủi ro có thể gây tác động đến hoạt động của tổ chức tín dụng.

Đáng chú ý, Luật mới sẽ quy định về việc công bố thông tin của các cổ đông ngân hàng. Trong đó, cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ sẽ phải công bố thông tin về bản thân, tỷ lệ sở hữu, thông tin về người có liên quan và tỷ lệ sở hữu của người có liên quan.

Theo quy định mới, khái niệm "người có liên quan" cũng được mở rộng đến cả ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, các cháu, tức là 5 thế hệ. Đây được coi là biện pháp quyết liệt và cần thiết để có thể kiểm soát được tình trạng sở hữu chéo; giúp tăng cường tính minh bạch trong việc sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng.

Thanh Thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/thu-tuong-yeu-cau-bo-cong-an-xu-ly-tinh-trang-so-huu-cheo-ngan-hang-post1473581.html