Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mở chiến dịch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn

Chiều 24-4, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò rất quan trọng, là nền tảng của 3 sự chuyển đổi mang tính cách mạng: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi thông minh.

Hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới phân bố và phát triển không đều, tập trung tại một số nền kinh tế như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc).

Trong bối cảnh hiện nay, do nhiều lý do khác nhau, ngành công nghiệp bán dẫn đang có xu hướng đa dạng hóa, chuyển dịch chuỗi liên kết, cung ứng, sản xuất, nghiên cứu sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Theo Thủ tướng, nhân lực cũng một trong những yếu tố được các đối tác trông chờ ở Việt Nam. Nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực thì Việt Nam sẽ nhận được tin tưởng của các đối tác, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn.

Từ cuối năm 2023, Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, với mục tiêu đào tạo 50.000-100.000 kỹ sư bán dẫn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng cho rằng, trên nền tảng phát triển công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin đã có, Việt Nam có thể dịch chuyển chương trình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, điện tử sang lĩnh vực bán dẫn. Cùng với đó, hình thành thêm một số khoa tại các cơ sở đào tạo, một số phòng tại các đơn vị nghiên cứu; tận dụng tối đa cơ sở vật chất đã có và bổ sung thêm.

Thủ tướng đề nghị làm rõ những công việc cần triển khai của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ và các địa phương, để mở chiến dịch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất, nguồn lực hiện có, điều chỉnh phù hợp để đạt mục tiêu đề ra nhưng không xáo trộn quá nhiều.

Về đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề xuất 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Trong đó, hàng đầu là đào tạo giảng viên, sinh viên hệ chính quy, đào tạo nhân lực trình độ sau đại học, đào tạo hệ ngắn hạn, chuyển tiếp, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đào tạo; đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ phục vụ đào tạo; thu hút chuyên gia, nhân tài.

Cùng với đó, tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam một cách hoàn chỉnh nhưng phải có lộ trình, chia làm 3 giai đoạn, từ nay đến 2050. Trong lộ trình gần 30 năm này, công nghiệp bán dẫn Việt Nam không chỉ làm một số công đoạn mà chúng ta sẽ tự chủ đầy đủ các công đoạn bán dẫn, và Việt Nam là thị trường chủ lực.

Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn cho rằng, có 2 hướng đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Thứ nhất là đào tạo ngắn hạn chuyển đổi sang lĩnh vực này. Thứ hai là phải có sự dài hơi dựa trên lĩnh vực chúng ta đang đầu tư trong nhiều năm nay.

“Chúng ta đã có hơn 20 năm kinh nghiệm để đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực liên quan đến công nghiệp bán dẫn mà Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã tham gia (hiện trường đang cung cấp khoảng hơn 3.000 sinh viên mỗi năm trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực này). Việt Nam cũng đã triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo ông Phạm Bảo Sơn, trong đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn, đội ngũ giảng viên là vấn đề quan trọng; bên cạnh đó cần có cơ chế không chỉ là bồi dưỡng mà phải thu hút được các chuyên gia; hoàn thiện hệ thống trang thiết bị, phòng thí nghiệm; thu hút các sinh viên giỏi tham gia trong lĩnh vực này.

Tương tự, ông Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo chính thức khoảng 3.500 sinh viên các ngành gần, khoảng 150 sinh viên các ngành đúng liên quan thiết kế vi mạch, vi điện tử công nghệ nano. Số lượng này sẽ tăng lên trong thời gian tới. Dự kiến, đến năm 2030, trường có thể đào tạo được 1.000-1.200 kỹ sư các ngành đúng và chuyển đổi khoảng 6.500 các ngành gần. Do đó, các trường đại học có khả năng đào tạo đáp ứng nhu cầu như trong đề án Chính phủ đề ra.

Cũng theo Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, đây là lĩnh vực cần đầu tư lớn. Vì vậy, tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí; nên ưu tiên dùng chung; nếu chỉ đào tạo nhân lực mà không nghiên cứu thì sẽ không có sân chơi cho sinh viên và chúng ta mãi mãi là đi theo. Cần tập hợp tư duy của các chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài và trên thế giới để hình thành các trung tâm nghiên cứu lớn, từ đó mới có thể kỳ vọng mức độ khoa học, nghiên cứu của Việt Nam đạt chuẩn.

Mặt khác, thị trường là vấn đề rất quan trọng. “Chúng ta có tạo được thị trường của các doanh nghiệp lớn để phục vụ nhu cầu của các kỹ sư bán dẫn hay không? Muốn có thị trường đó thì cần phải có sự chung sức của các doanh nghiệp, các bộ, ngành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách và sự sẵn sàng của trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực cao”, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-mo-chien-dich-dao-tao-nhan-luc-nganh-ban-dan-post736912.html