Thủ tướng: Cần đề xuất chính sách vượt trội cho ngành khoa học và công nghệ

Tại Lễ chào mừng ngày khoa học và công nghệ Việt Nam và lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ sáng 15/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương kiên trì, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chính sách vượt trội cho ngành KHCN, trong đó có chính sách ưu đãi, trọng dụng, tôn vinh, khen thưởng nhà khoa học.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương ngành KHCN nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, các nhà khoa học và đội ngũ cán bộ kỹ thuật đã vượt lên hoàn cảnh, mang tinh thần và nhiệt huyết của mình đóng góp quan trọng vào các chiến thắng của quân và dân ta như Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 và đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Thời bình, đội ngũ nhà khoa học đã phát huy tinh thần sáng tạo, đóng góp vào nhiều công trình có ý nghĩa quan trọng, thay đổi diện mạo của đất nước như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Nhà máy thủy điện Sơn La, đường dây 500kV Bắc – Nam, khai hoang, cải tạo vùng Đồng Tháp Mười.

Thủ tướng tham quan các sản phẩm triển lãm Ngày Khoa học và Công nghệ.

Thủ tướng tham quan các sản phẩm triển lãm Ngày Khoa học và Công nghệ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập, khó khăn của nền KHCN đất nước như nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện.

Chính sách quản lý KHCN còn nhiều điểm chưa phù hợp, chưa dựa trên đặc thù của hoạt động KHCN, chưa có đột phá trong chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhà khoa học tài năng, trong khi đó cạnh tranh thu hút nhân tài KHCN đang là cuộc chạy đua khốc liệt ở nhiều nơi trên thế giới.

Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cho KHCN còn hạn hẹp, thị trường KHCN phát triển còn chậm, đội ngũ các nhà khoa học, người làm KHCN còn chưa nhiều, chưa đồng đều, việc đào tạo nhà khoa học và công tác tổ chức các hoạt động nghiên cứu và phát triển KHCN chưa được chú trọng ở cơ sở giáo dục đào tạo, nghiên cứu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với sự phát triển của đất nước, Thủ tướng nêu 6 nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy khoa học và công nghệ Việt Nam trong thời gian tới.

Thủ tướng chỉ đạo 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy ngành khoa học và công nghệ trong thời gian tới.

Thủ tướng chỉ đạo 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy ngành khoa học và công nghệ trong thời gian tới.

Thứ nhất, tập trung vào 3 nhiệm vụ lớn gồm xây dựng cơ chế, chính sách phát triển bao trùm, toàn diện; đầu tư thích đáng về hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực khoa học xã hội và nhân văn.

Thứ hai, tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực cho KHCN và đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh nhân lực KHCN, khuyến khích khu vực tư nhân, các doanh nghiệp, tăng cường các hình thức hợp tác công tư tham gia đào tạo nhân lực KHCN. Tập trung phát triển mạnh thị trường KHCN để góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương cần kiên trì, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chính sách vượt trội cho KHCN về thể chế, cơ sở vật chất, nhân lực, trong đó có chính sách ưu đãi, trọng dụng, tôn vinh, khen thưởng cho người làm công tác KHCN và đổi mới sáng tạo nhằm khơi dậy niềm đam mê, khuyến khích sự dấn thân trong thực hiện các nhiệm vụ KHCN, nhất là nhà khoa học trẻ, các nhà khoa học đang hoạt động trong điều kiện khó khăn như ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thứ tư, đối với các doanh nghiệp, cần coi hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

Thứ năm, có chính sách phù hợp tăng cường thu hút các nhà khoa học Việt Nam, quốc tế có uy tín đang làm việc ở các nước, có thể đóng góp phù hợp vào sự phát triển khoa học trong nước thông qua các cơ chế hợp tác đa dạng như tham gia giảng dạy, nghiên cứu, nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh Việt Nam để đào tạo đội ngũ nghiên cứu trong nước tiếp cận với KHCN tiên tiến, hội nhập thế giới.

Thứ sáu, đối với các nhà khoa học, Thủ tướng đề nghị cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Các nhà khoa học cần nhận thức trọng trách lớn lao đối với đất nước, dám dấn thân, dám hy sinh, dám chấp nhận rủi ro.

“Đất nước ta, xã hội chúng ta đang rất cần sự dấn thân, vượt qua khó khăn, trở ngại của các nhà khoa học để thực hiện thành công các nhiệm vụ KHCN, đổi mới sáng tạo, góp phần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, mang lại niềm vinh dự, tự hào cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, dân tộc và đất nước”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn và tin tưởng, với truyền thống tốt đẹp 65 năm qua của ngành KHCN, đội ngũ các nhà khoa học sẽ đồng hành cùng cả nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tinh thần vượt khó, sự say mê trong nghiên cứu KHCN để có những đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thu-tuong-can-de-xuat-chinh-sach-vuot-troi-cho-nganh-khoa-hoc-va-cong-nghe-post1637414.tpo