Thủ tướng: Ninh Thuận cần tận dụng tốt tiềm năng, biến bất lợi thành lợi thế cạnh tranh

Có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khí hậu khô hạn, tuy nhiên với quyết tâm cao, tận dụng tốt các tiềm năng và lợi thế, Ninh Thuận có thể biến bất lợi thành lợi thế cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội phát triển, lấy năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch, dịch vụ là đột phá thay thế cho phát triển điện hạt nhân và các hoạt động kinh tế khác,..

Sáng ngày 28/4, tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh; Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh.

Đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh lân cận; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế dự Hội nghị.

Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023.

Với tầm nhìn chiến lược phát triển “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển trọng tâm tại khu vực phía Nam tỉnh tạo tiền đề cơ sở hình thành Khu kinh tế ven biển; có kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Đến năm 2050 Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng.

Quyết định số 1319/QĐ-TTg chỉ ra phương hướng phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng chủ yếu của tỉnh Ninh Thuận, trong đó phấn đấu đến năm 2030 năng lượng, năng lượng tái tạo chiếm tỉ trọng khoảng 12% GRDP của tỉnh, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong toàn tỉnh. Tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên nắng, gió để phát triển điện mặt trời, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, thủy điện tích năng, nguồn năng lượng mới (hydro, thủy triều, sinh khối,...).

Mặt khác, phát triển nguồn năng lượng Hydrogen xanh từ việc sử dụng năng lượng tự tiêu, năng lượng tái tạo tại chỗ hướng đến ngành công nghiệp xanh;

Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức sáng ngày 28/4.

Phấn đấu đến năm 2030, du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững, đóng góp 15% GRDP toàn tỉnh. Du lịch Ninh Thuận trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao so với khu vực và cả nước. Phát triển theo hướng “Bền vững - Chất lượng cao - Độc đáo”; vừa phát triển du lịch truyền thống, vừa tạo dựng các loại hình mới, độc đáo về khí hậu, khám phá sáng tạo là điểm đến hấp dẫn, khác biệt, có sức cạnh tranh cao đối với các khu vực trong nước và quốc tế.

Tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận theo 4 vùng lãnh thổ, 3 vùng động lực, 3 hành lang phát triển, trong đó 3 vùng động lực phát triển, được xác định: Vùng đô thị động lực Phan Rang - Tháp Chàm: bao gồm không gian thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước;

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh: bao gồm không gian huyện Thuận Nam và huyện Ninh Phước; là vùng phát triển công nghiệp- cảng biển- năng lượng, thương mại dịch vụ và du lịch

Vùng phát triển phía Tây: bao gồm không gian huyện Ninh Sơn và huyện Bác Ái; là vùng phát triển thương mại dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng và du lịch.

Phương án quy hoạch phát triển hệ thống đô thị, phấn đấu đến năm 2030 tỉnh có 12 đô thị, trong đó phát triển 6 đô thị ven biển (Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang - Tháp Chàm, Sơn Hải, Cà Ná) thuộc dải ven biển, phát triển theo cấu trúc không gian đan xen, hỗn hợp đô thị - du lịch.

Phương án phát triển một số khu chức năng chủ yếu, trọng tâm là Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh, quy mô dự kiến khoảng 43.900 ha, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh, nằm trên địa bàn các huyện Thuận Nam và Ninh Phước. Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh là động lực tăng trưởng mới của tỉnh với các dự án động lực, có quy mô lớn như: Cảng và dịch vụ Cảng, logistics, năng lượng, năng lượng tái tạo, các ngành công nghiệp nặng, quy mô lớn, các khu đô thị hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Ninh Thuận là tỉnh ven biển Duyên hải Nam Trung Bộ, với bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời, người dân Ninh Thuận có truyền thống anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, thân thiện, và đặc biệt là luôn có quyết tâm, khát vọng vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đồng thời, Ninh Thuận cũng là địa phương còn nhiều khó khăn so với các địa phương khác trong vùng và cả nước, có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khí hậu khô hạn; xuất phát điểm về kinh tế và cơ sở hạ tầng tương đối thấp; nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Tuy nhiên, với sự nỗ lực và phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế-xã hội của địa phương có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những thành tựu quan trọng, nhất là trong 10 năm trở lại đây.

Với bản lĩnh và ý chí, tinh thần đoàn kết, kế thừa, cầu thị, khiêm tốn, quyết tâm thay đổi tư duy, tầm nhìn, đột phá vươn lên, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Ninh Thuận đã vượt qua khó khăn, chuyển mình mạnh mẽ, tận dụng tốt các tiềm năng và lợi thế, biến bất lợi thành lợi thế cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội phát triển, lấy năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch, dịch vụ là đột phá thay thế cho phát triển điện hạt nhân và các hoạt động kinh tế khác, Ninh Thuận đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và đạt một số kết quả quan trọng.

Quy mô GRDP năm 2023 của Ninh Thuận đạt 52.753 tỉ đồng, tăng 5,97 lần so năm 2010; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010-2023 đạt bình quân 8,6%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân của cả nước, riêng năm 2023 tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,4%, xếp thứ 9/63 tỉnh/thành phố và 2/14 tỉnh thành vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền trung; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống người dân được nâng lên.

Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng, giá trị khác biệt, độc đáo từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương. Đây là bước cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Chí Dũng (ngoài cùng bên phải) trao Quyết định số 1319/QĐ-TTg cho lãnh đạo địa phương.

Quy hoạch mở ra không gian phát triển mới trong 10 năm và định hướng 20 năm tới. Với mục tiêu đến năm 2030, Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; đến năm 2050, Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng.

Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng, tổ chức lại không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh vùng Nam Trung Bộ.

Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch tỉnh, Thủ tướng cho rằng, địa phương cần rút ra các bài học phát triển, tiếp tục đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng tốt thời cơ, tìm ra lối đi riêng để Ninh Thuận trở thành địa chỉ đáng đến, đáng để đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm, đáng sống.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Ninh Thuận khẩn trương hoàn thiện, triển khai hiệu quả Quy hoạch để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ KT-XH và bảo vệ môi trường;

Để triển khai thực hiện thành công quy hoạch, đòi hỏi tỉnh phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế, chính sách có tính đột phá, tháo gỡ các “điểm nghẽn”; tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng Chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số, xây dựng đô thị thông minh; đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng năng suất lao động làm nền tảng; giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm hiểu, lập dự án đầu tư và cả quá trình sản xuất, kinh doanh;

Thủ tướng lưu ý, để giải bài toán nguồn lực cho thực hiện quy hoạch, tỉnh cần triển khai huy động tối đa và sử dụng các nguồn lực của nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác. Tỉnh cần tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng với các tỉnh trong vùng Nam Trung bộ, khu vực Tây nguyên; ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển KT-XH, có tính lan tỏa lớn; trong đó, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối Ninh Thuận với các địa phương trong khu vực, cả nước;

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam phát biểu tại Hội nghị.

Tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới. Phát triển công nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ, du lịch và đô thị.

Xây dựng Phan Rang-Tháp Chàm thành đô thị hiện đại, thông minh, làm động lực tăng trưởng lan tỏa toàn tỉnh, đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực như các dự án năng lượng tái tạo, cảng biển tổng hợp, tổ hợp điện khí LNG, thủy điện tích năng và hình thành, phát triển khu công nghiệp Cà Ná. Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng về biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, lấy kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực phát triển;

Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, coi đây là động lực đột phá. Xây dựng các chế độ, chính sách đãi ngộ và thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tới làm việc tại Ninh Thuận. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả theo hướng hội nhập quốc tế, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững;

Khơi dậy, phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hóa lịch sử; quan tâm an sinh xã hội. Củng cố vững chắc, tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả;

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong triển khai các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ một cách quyết liệt, đồng bộ, xuyên suốt, liên tục, toàn diện; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trên toàn tỉnh, đưa Ninh Thuận vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững.

Với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị tuân thủ đúng luật pháp; xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững. Thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo vệ môi trường. Bằng năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm để chuyển hóa những tiềm năng, lợi thế của tỉnh Ninh Thuận thành những sản phẩm, công trình, giá trị cụ thể, thành động lực phát triển.

“Với những tiềm năng, lợi thế của mình, với tư duy, cách làm mới, sáng tạo của tỉnh Ninh Thuận thời gian qua; cùng với những cam kết đầu tư của các dự án lớn trọng điểm ngày hôm nay, tôi tin tưởng chắc chắn rằng tỉnh Ninh Thuận sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, đột phá trong thời gian tới. Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày hôm nay là tiền đề, là dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển tiếp theo của tỉnh. Cùng với truyền thống đoàn kết, bản lĩnh vượt khó của Đảng bộ, Chính quyền, ý chí cần cù, chăm chỉ, khát vọng không ngừng vươn lên của con người Ninh Thuận, tôi tin tưởng rằng Ninh Thuận sẽ biến những khó khăn, thách thức thành khát vọng phát triển, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.”, Thủ tướng bày tỏ.

NH

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/thu-tuong-ninh-thuan-can-tan-dung-tot-tiem-nang-bien-bat-loi-thanh-loi-the-canh-tranh-157074.html