Thủ tướng Nhật Bản thăm Iran - 'Sứ mệnh thuyết khách' có thành công?

Chuyến thăm Iran của Thủ tướng Nhật Bản liệu có giúp căng thẳng Mỹ-Iran 'hạ nhiệt', đồng thời nâng cao vị thế của ông Abe trước thềm tổng tuyển cử?

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay (12/6) sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức Iran trong 3 ngày. Đây là chuyến thăm Iran đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm trong hơn 4 thập niên qua. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang leo thang, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ góp phần hòa giải và thúc đẩy đối thoại giữa Mỹ và Iran, đồng thời nâng cao vị thế của Thủ tướng Nhật Bản trước thềm tổng tuyển cử ở nước này vào tháng 7 tới.

“Sứ mệnh thuyết khách” của Thủ tướng Nhật Bản trong chuyến thăm Iran liệu có thành công? Ảnh: Reuters

“Sứ mệnh thuyết khách” của Thủ tướng Nhật Bản trong chuyến thăm Iran liệu có thành công? Ảnh: Reuters

Theo kế hoạch, Thủ tướng Abe sẽ thăm Iran từ ngày 12-14/6 tới và sẽ có các cuộc hội đàm riêng rẽ với Tổng thống nước chủ nhà Hassan Rouhani và lãnh tụ tinh thần tối cao, Đại giáo chủ Ali Khamenei.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang. Do đó, trong các cuộc hội đàm sắp tới, Nhật Bản có kế hoạch đề nghị Iran hướng tới việc giảm căng thẳng. Một ngày trước chuyến công du Iran, hôm qua (11/6), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga trong cuộc điện đàm kéo dài 20 phút, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực, trong đó có tình hình tại Iran. Tuy nhiên, quan chức Nhật Bản không nêu chi tiết nội dung cuộc điện đàm.

Trước đó, trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Tokyo cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Abe đã bày tỏ mong muốn tạo điều kiện để Mỹ và Iran tiến hành đàm phán, giúp mọi chuyện không bị chệch hướng, cũng như không kéo theo một . Tổng thống Trump cũng đã ủng hộ nỗ lực này của Thủ tướng Abe:

“Thủ tướng Abe và Nhật Bản có mối quan hệ tốt với Iran và chúng ta có thể chờ xem điều gì sẽ xảy ra.”

Tuy nhiên theo đánh giá của giới chuyên gia, chỉ thông qua chuyến thăm này của ông Abe sẽ chưa đủ sức để làm đòn bẩy tạo ra sự khác biệt trong mối . Theo giáo sư Robert Dujarric – người đứng đầu Viện Nghiên cứu châu Á đương đại tại Tokyo, cơ hội tạo ra một thỏa thuận giữa Mỹ và Iran là gần như bằng không bởi với Iran, Nhật Bản vốn là đồng minh thân cận của Mỹ. Trong khi để trở thành một nhà trung gian hòa giải tốt, bên “cầu nối” phải được cả hai bên nhìn nhận là nhà trung gian hòa giải vô tư. Điều ông Abe có thể đạt được trong chuyến thăm nàychính là thuyết phục Mỹ - Iran nối lại đàm phán trực tiếp. Nhân chuyến thăm này, ông Abe có thể mời Tổng thống Iran tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Osaka Nhật Bản vào cuối tháng này nhằm tạo điều kiện cho cuộc đối thoại giữa Mỹ và Iran.

Hầu hết giới chuyên gia cho rằng, mục đích thực sự của chuyến thăm là nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự của ông Abe ở trong nước. Chuyến thăm được xem là sẽ nâng cao vị thế của Thủ tướng Nhật Bản với vai trò một chính khách thế giới trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản sẽ diễn ra vào tháng 7 tới. Nếu chuyến thăm diễn ra thuận lợi, ông Abe nhiều khả năng kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm một khi ông tự tin vào chiến thắng của bản thân. Đánh giá về mục tiêu này, chuyên gia bình luận của hãng tin Reuters Linda Sieg nói:

“Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm thuận lợi đối với ông Abe khi mà cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản sắp đến gần. Ông Abe nhiều khả năng sẽ kêu gọi tổng tuyển cử sớm tại Hạ viện - cơ quan quyền lực của Quốc hội. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy vị thế của ông nhằm giành được sự ủng hộ cao của người dân.”

Kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản luôn theo đuổi chính sách ngoại giao đa phương. Điều này có nghĩa là Nhật Bản luôn cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với các nước, nhất là khu vực Trung Đông nhằm có được nguồn cung dầu mỏ ổn định. Iran là nhà cung cấp dầu mỏ chính cho Nhật Bản. Trước khi lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực, Iran cung cấp từ 10-15% lượng dầu mỏ cho Nhật Bản./.

Hồng Nhung/VOV1
Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/thu-tuong-nhat-ban-tham-iran-su-menh-thuyet-khach-co-thanh-cong-920169.vov