Thủ tướng: Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm chuyển đổi số ngành ngân hàng

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành Ngân hàng bám sát quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, lấy trải nghiệm khách hàng là thước đo; đồng thời đảm bảo thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của ngành gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Sáng nay (8/5), tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 với chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: chuyển đổi số ngân hàng đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác quản lý tài chính, minh bạch dòng tiền và qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Những sản phẩm dịch vụ này gắn chặt chẽ với đời sống hàng ngày của người dân, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: xác thực, định danh khách hàng bằng thông tin sinh trắc học thông qua căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh và xác thực điện tử VneID, thanh toán trực tuyến các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…

Thủ tướng đánh giá lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã nhận thức cao và chỉ đạo quyết liệt công tác chuyển đổi số - Ảnh: VGP

Thủ tướng cho biết: những giải pháp, sản phẩm dịch vụ ngân hàng đều được ứng dụng, phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ mới và không thua kém so với các nước trên thế giới…

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng chuyển đổi số là một hành trình dài và trước mắt chúng ta vẫn còn nhiều thách thức về công tác đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật thông tin, cập nhật, thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ…

“Công tác đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật thông tin còn nhiều thách thức, còn chưa ngăn chặn được các mã độc tống tiền đang ngày càng phổ biến (Quý I/2024 đã ghi nhận gần 2,4 nghìn cuộc tấn công mạng). Các doanh nghiệp tham gia phát triển các công nghệ mới (Fintech) còn hạn chế. Còn thiếu hụt nhân lực trình độ cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị ngành Ngân hàng bám sát quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, lấy trải nghiệm khách hàng là thước đo; đồng thời tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được Chính phủ giao, đảm bảo thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của ngành gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về chuyển đổi số ngành Ngân hàng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là xây dựng khung thử nghiệm pháp lý như một giải pháp quan trọng để cho phép thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới.

Tiếp tục đột phá phát triển hậ tầng số, xã hội số, công dân số theo hướng chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.

Thủ tướng trao đổi về các kết quả áp dụng chuyển đổi số trong giao dịch tại ngân hàng SHB.

Để tiếp tục phát huy được những kết quả đã đạt được trong thời gian tới, vượt qua thách thức, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Luật các Tổ chức tín dụng 2024 vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 18/01/2024; trình Chính phủ ban hành Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt.

Tiếp tục nâng cấp, phát triển các hạ tầng thanh toán đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán đa dạng, ngày càng tăng nhanh của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế;

Tổ chức tốt công tác quản trị, bảo mật dữ liệu khách hàng; ứng dụng và khai thác hiệu quả dữ liệu dựa trên các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo/Học máy, Dữ liệu lớn,…

Đẩy mạnh phát triển các hệ thống thông tin của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng để tăng tính cạnh tranh, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Về nguồn nhân lực phải có chính sách thu hút, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu về công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

Thu hút, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu về công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

Trước đó, phát biểu tại sự kiện, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết Đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017-2023 đạt trên 100%/năm. Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.

Việt Nam đã hoàn thành kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai với Lào, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng ra các nước trong và ngoài khu vực ASEAN.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/thu-tuong-lay-nguoi-dan-doanh-nghiep-la-trung-tam-chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-1099646.html