Thủ tướng Campuchia nêu 4 yếu tố giúp mở cửa trở lại hoàn toàn

Nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho một em nhỏ tại Phnom Penh, Campuchia ngày 17/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen ngày 1/11 cho biết quyết định mở cửa trở lại tất cả các lĩnh vực của nước này bắt đầu từ tháng 11 dựa vào 4 yếu tố.

Thủ tướng Hun Sen cho biết yếu tố phải kể đến trước tiên là tỉ lệ tiêm phòng COVID-19 cao, giúp làm giảm tỉ lệ tử vong vì đại dịch. Ba yếu tố còn lại gồm khả năng chống dịch được tăng cường với thuốc điều trị COVID-19 sẵn sàng; kinh nghiệm của chính phủ trong kiểm soát dịch bệnh lây lan và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch quy mô lớn; và cuối cùng là người dân đủ nhận thức về dịch bệnh để có thể tự bảo vệ bản thân cũng như học cách sống chung với COVID-19.

Theo nghị sĩ Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Hun Many, quyết định mở cửa hoàn toàn phản ánh thành công của chính phủ Campuchia trong cuộc chiến chống COVID-10 bằng những giải pháp mang lại hiệu quả cao. Một ngày sau quyết định mở cửa trở lại hoàn toàn, Campuchia ghi nhận số ca mắc COVID-19 thấp nhất kể từ đầu tháng 10 - thời điểm bắt đầu cuộc sống “bình thường mới” ở nước này.

Bộ Y tế Campuchia xác nhận có 89 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua (bao gồm 4 ca nhập cảnh và 85 ca lây nhiễm cộng đồng) và có thêm 6 người tử vong, trong đó có 4 người chưa tiêm phòng COVID-19. Ngày đầu mở cửa trở lại tất cả các lĩnh vực tại Campuchia, học sinh tất cả các cấp học tại các trường công, tư trên cả nước đã được đến trường sau gần một năm học trực tuyến; những người yêu thích phim ảnh có thể ra rạp xem phim theo hướng dẫn về tình trạng “bình thường mới”.

Ngày thứ hai sau mở cửa, chính quyền Phnom Penh đã cho phép nối lại xe bus công công và dịch vụ đường sắt sau hơn một năm dừng hoạt động, từ ngày 26/3/2020 do “làn sóng” COVID-19 thứ ba bùng phát và lan rộng.

Bên cạnh đó, việc mở cửa trở lại được cho là đang thổi luồng sinh khí mới vào ngành hàng không Campuchia, khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19. Hai hãng hàng không Malaysia Airlines và Bangkok Airlines đã thông báo nối lại các chuyến bay trực tiếp tới Campuchia, tiến tới bình thường hóa lữ hành quốc tế.

Bộ Du lịch Campuchia cũng đã công bố hai hướng dẫn chính có hiệu lực từ ngày 28/10 về kế hoạch tái mở cửa đất nước cho các du khách trong và ngoài nước đã tiêm chủng và đảm bảo thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch.

Campuchia sẽ tái mở cửa cho du khách quốc tế đã tiêm đủ liều vắc xin ngừa COVID-19 kể từ ngày 30/11 tới, bắt đầu từ tỉnh Preah Sihanouk, trong đó có đảo du lịch Koh Rong, và khu nghỉ dưỡng Dara Sakor thuộc tỉnh Koh Kong.

Theo người phát ngôn công ty Cambodia Airports đang quản lý và vận hành 3 sân bay quốc tế của Campuchia gồm Phnom Penh, Siem Reap và Sihanoukville - khẳng định đơn vị này đang nỗ lực để tân dụng nhiều cơ hội thuận lợi từ quyết định mở cửa trở lại. Malaysia, Philippines và Indonesia là các thị trường rất đáng quan tâm bởi tiềm năng lượng khách đi lại cao sau 15 tháng bị gián đoạn.

Trong diễn biến khác, Nhà Trắng ngày 1/11 cho biết Mỹ sẽ triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong tuần này. Theo điều phối viên ứng phó đại dịch COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zients, hàng triệu liều vắc xin dành cho trẻ em ở nhóm tuổi trên sẽ được chuyển đến các trung tâm phân phối vắc xin trong vài ngày tới.

Ông Zients cho biết chính phủ liên bang đã mua đủ vắc xin để tiêm chủng cho toàn bộ 28 trẻ em đủ điều kiện, đồng thời kêu gọi các bậc phụ huynh đưa con em đi tiêm chủng. Tuy nhiên, ông Zients cho rằng chương trình tiêm chủng cho trẻ em ở nhóm tuổi này sẽ chỉ hoạt động hết công suất từ ngày 8/11 tới.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) trước đó đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Đây sẽ là mũi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên cho trẻ em tại Mỹ.

Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vẫn cần tư vấn về việc tiêm chủng như thế nào, vấn đề sẽ được quyết định sau cuộc thảo luận của một nhóm các nhà cố vấn vào ngày 2/11. Theo ông Zients, sau khi CDC Mỹ ra quyết định, các bậc phụ huynh có thể đưa con em đi tiêm chủng.

Trong khi đó, hãng dược phẩm Novavax của Mỹ hy vọng rằng các nước Ấn Độ, Philippines và một số quốc gia khác sẽ ra quyết định về việc cấp phép cho vắc xin ngừa COVID-19 của hãng này sau khi Indonesia trở thành nước đầu tiên trên thế giới cho phép sử dụng khẩn cấp vắc xin do Novavax phát triển.

Theo Novavax, vắc xin của hãng này được sản xuất tại Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) và có tên thương mại là Covovax. Hồi tháng 9, Novavax và đối tác SII đã nộp hồ sơ đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin Covovax.

Novavax hy vọng WHO sẽ ra quyết định trong vài tuần tới. Việc WHO cấp phép sẽ là một dấu hiệu cho các cơ quan quốc gia quản lý độ an toàn và hiệu quả của vắc xin này. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu vắc xin sang một số nước tham gia cơ chế tiếp cận vắc xin toàn cầu (COVAX).

Novavax và SII đã cam kết cung cấp hơn 1,1 tỉ liều vắc xin cho COVAX nhằm tạo điều kiện cho các nước có thu nhập thấp và trung bình tiếp cận công bằng với vắc xin. Vắc xin của Novavax được sản xuất dựa trên protein, có hiệu quả tới 90,4% trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ và Mexico.

Trong diễn biến khác. theo khảo sát của Quỹ Gia đình Kaiser, khoảng 66% phụ huynh có con trong độ tuổi từ 5-11 quan ngại về khả năng vắc xin ngừa COVID-19 có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản của con cái họ về sau.

Tuy nhiên, hãng tin CNN (Mỹ) ngày 2/11 đã dẫn kết luận của các bác sĩ và giới chức y tế, thống nhất rằng đây không phải là vấn đề đáng lo ngại. Báo cáo của Viện Nhi khoa Mỹ nêu rõ những tuyên bố cho rằng vắc xin ngừa COVID-19 có thể gây vô sinh là vô căn cứ và đã bị bác bỏ về mặt khoa học. Viện này khẳng định không có bằng chứng cho thấy vắc xin ngừa COVID-19 có thể dẫn đến mất khả năng sinh sản.

Theo viện trên, tuy khả năng sinh sản không được nghiên cứu cụ thể trong các thử nghiệm lâm sàng của vắc xin ngừa COVID-19, nhưng cho đến nay chưa hề ghi nhận bất cứ trường hợp nào ảnh hưởng khả năng sinh sản trong những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm hoặc hàng triệu người đã tiêm vắc xin.

Cũng không có dấu hiệu vô sinh nào xuất hiện trong các nghiên cứu trên động vật. Tương tự, không có bằng chứng cho thấy vắc xin ngừa COVID-19 ảnh hưởng đến quá trình dậy thì của trẻ em.

Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ (ACOG) cũng có quan điểm tương tự và khuyến khích phụ nữ tiêm vắc xin ngừa COVID-19. ACOG khẳng định vắc xin ngừa COVID-19 không tác động đến khả năng sinh sản. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng đưa ra nhận định tương tự với nam giới.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/266964/thu-tuong-campuchia-neu-4-yeu-to-giup-mo-cua-tro-lai-hoan-toan.html