Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè: Làm sao để quản lý tốt, không thất thoát?

Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trong thời điểm và bối cảnh hiện nay là cần thiết song phải được sự đồng thuận của người dân và việc thu phí, quản lý, sử dụng nguồn thu phải minh bạch, công bằng

KTS Phan Tấn Lộc (Việt kiều Pháp):

Có hồ sơ thiết kế, quản lý bằng số hóa

Vỉa hè có vai trò rất đặc biệt đối với người dân thành thị ở Việt Nam. Trong đó vỉa hè đô thị là không gian mưu sinh và là không gian công cộng. Tổ chức thu phí vỉa hè là một yếu tố không thể thiếu ở đô thị lớn như TP HCM.

Về bản chất, vỉa hè phải là không gian công cộng, phải bảo đảm chức năng thiết yếu là không gian bộ hành và tạo vùng đệm an toàn giữa đường sá - không gian ở. Vì vậy, từng địa phương cần có hồ sơ thiết kế, đưa ra các điều kiện sử dụng nhất định và quản lý bằng số hóa. Ví dụ, quy hoạch khu vực nào để cho thuê thì cần tính toán đầu tư hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, thoát nước, môi trường…; quy định người thuê (người sử dụng) phải tuân thủ các điều kiện được UBND TP HCM đưa ra. Thành phố cũng cần minh bạch trong thu chi, sử dụng nguồn tiền. Khi làm được những điều này, TP HCM sẽ là địa phương đi đầu trong việc tạo điều kiện cho người dân mưu sinh và giữ gìn an ninh trật tự đô thị.

Lưu ý thêm chỉ nên sử dụng những vỉa hè đủ rộng để thu phí, không nên đặt nặng nguồn thu và những vỉa hè từ 1 - 2 m thì chỉ nên tổ chức để đi bộ. Ở những vỉa hè hẹp mà người dân có nhu cầu, nên tổ chức bố trí giữ xe ở những địa điểm gần đó. Cần đưa ra quy định hàng quán chỉ được sử dụng không gian ở nơi được cho phép và chia cách không gian đi bộ bằng vạch sơn. Nếu không gian đi bộ nào bị xâm phạm, phạt thật nặng bằng tiền hoặc tước giấy phép kinh doanh vĩnh viễn.

Bạn đọc Vũ Quang Hưng (quận Phú Nhuận, TP HCM):

Nên tổ chức thí điểm trước

Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây nhiều bức xúc ở TP HCM suốt nhiều năm qua. Dù chính quyền đã thực hiện nhiều lần ra quân lập lại trật tự vỉa hè nhưng nhiều khu vực vỉa hè vẫn ngang nhiên bị chiếm để làm quán nhậu, kinh doanh, buôn bán, không còn chỗ cho người đi bộ.

Việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè được kỳ vọng vừa đưa hoạt động kinh doanh trên hè phố vào khuôn khổ quản lý, vừa tạo điều kiện để người dân dễ dàng thực hiện các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, giải trí…; vừa đem lại công bằng cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè; đồng thời giữ được nét văn hóa vỉa hè đặc trưng phục vụ du lịch.

Tuy nhiên, có nhiều vấn đề cần chú ý. Thứ nhất, cho thuê vỉa hè phải bảo đảm tính mỹ quan đô thị, quyền lợi cũng như sự an toàn của người đi bộ. Thứ hai, nên ưu tiên cho người dân trên địa bàn được thuê và sử dụng lòng đường, vỉa hè. Thứ ba, phải tính toán lại việc phân cấp quản lý, lực lượng quản lý thu phí vỉa hè. Thứ tư, áp dụng công nghệ để quản lý và giám sát thu phí, bảo đảm công khai, minh bạch. Đặc biệt thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè không phải chỉ quan tâm thu phí để tăng thu ngân sách, mà qua đó tăng tính quản trị, quản lý lòng đường, vỉa hè, trật tự giao thông và hướng đến phục vụ nhân dân tốt hơn.

Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trong thời điểm và bối cảnh hiện nay là cần thiết. Vấn đề còn lại là phải được sự đồng thuận của người dân; việc tổ chức thu phí, quản lý và sử dụng nguồn thu phải minh bạch, công khai, công bằng, văn minh, trật tự, hiệu quả. Nên chăng thí điểm ở một vài tuyến đường để rút kinh nghiệm trước khi triển khai toàn thành phố.

Vỉa hè đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) bị cửa hàng kinh doanh lấn chiếmẢnh: Anh VũBạn đọc Ngô Minh Đạt (ngụ quận 8, TP HCM):

Phạt nghiêm nếu vi phạm

Nhu cầu sử dụng lòng đường, vỉa hè để phục vụ các hoạt động kinh doanh, buôn bán là có thật. Lâu nay, vỉa hè, lòng đường tại TP HCM vẫn bị lấn chiếm vô tội vạ, trở thành nguồn thu của một số cá nhân trong khi nhà nước tốn không ít ngân sách để ra quân lập lại trật tự.

Thay vì tốn ngân sách để dọn dẹp vỉa hè mà vẫn không hiệu quả, TP HCM cần triển khai sớm thu phí các cá nhân, tổ chức sử dụng lòng đường, vỉa hè. Như vậy vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân, vừa có được nguồn thu cho ngân sách. Nguồn thu này sẽ dùng cho việc nâng cấp, sửa chữa hạ tầng giao thông để phục vụ lại cho người dân.

Tuy nhiên, vỉa hè, lòng đường vẫn có chức năng chính là phục vụ giao thông nên không thể cho thuê tràn lan mà phải có quy hoạch cụ thể. Chỉ những vỉa hè, lòng đường nào có diện tích đủ rộng mới cho thuê. Giá thuê, người được thuê, thủ tục thuê, cách thức vận hành… phải được thực hiện công khai, đồng bộ và khoa học. Có như vậy mới bảo đảm tính công bằng, hạn chế xảy ra tiêu cực.

Mặt khác, nếu đã triển khai việc thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè thì công tác quản lý trật tự đô thị phải thực hiện nghiêm. Cá nhân, tổ chức bỏ ra bao nhiêu tiền thì chỉ được sử dụng bấy nhiêu diện tích lòng đường, vỉa hè. Trường hợp vượt quá phạm vi cho phép thì sẽ bị xem là lấn chiếm và bị xử phạt nghiêm.

Kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè không làm xấu đi bộ mặt đô thị, ngược lại còn phản ánh đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa của một khu vực. TP HCM đang thiếu bãi ôtô thì việc thu phí đậu xe dưới lòng đường là điều có thể chấp nhận được, miễn sao việc này không làm ảnh hưởng nhiều đến quá trình lưu thông của các phương tiện khác.

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn

Dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP HCM do Sở Giao thông Vận tải TP HCM xây dựng nhận được sự quan tâm của người dân. Bên cạnh những ý kiến băn khoăn việc cho thuê sử dụng vỉa hè, lòng đường sẽ làm mất lối đi của người đi bộ thì nhiều ý kiến đồng thuận cho rằng cần làm ngay. Vấn đề quan trọng chính là phải hài hòa lợi ích các bên, đặc biệt phải làm sao để việc quản lý và thu phí diễn ra công khai, công bằng, không gây thất thoát…

Mời bạn đọc tham gia hiến kế để đề án sớm đi vào cuộc sống, đem lại trật tự, văn minh đô thị và nguồn thu cho TP HCM. Ý kiến gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.

Vũ Hiếu Vĩnh ghi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/thu-phi-su-dung-tam-thoi-long-duong-via-he-lam-sao-de-quan-ly-tot-khong-that-thoat-20230614200430397.htm