Thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè ở TPHCM: Cần hài hòa lợi ích

Góp ý cho dự thảo đề án 'Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè', nhiều thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TPHCM cho rằng, chính quyền cần tính toán kỹ lưỡng, bám sát thực tế, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên và cần thí điểm trên một vài tuyến đường, vỉa hè với điều kiện đảm bảo để đánh giá hiệu quả trước khi cho nhân rộng.

Kinh doanh trên vỉa hè đường Võ Văn Kiệt, quận 8, TPHCM. Ảnh: H.H

Kinh doanh trên vỉa hè đường Võ Văn Kiệt, quận 8, TPHCM. Ảnh: H.H

Ngày 13/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị phản biện dự thảo Đề án “Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè”.

Theo dự thảo Đề án do Sở GTVT TPHCM xây dựng, TPHCM dự kiến thu phí sử dụng vỉa hè cho các hoạt động (trừ trông giữ xe) từ 20.000 đến 100.000 đồng/m2/tháng và sử dụng vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe từ 50.000 - 350.000 đồng/m2/tháng, tùy vào khu vực và vị trí tuyến đường.

Việc thu phí có thể mang lại nguồn thu cho ngân sách thành phố khoảng 1.522 tỷ đồng/năm, trong đó, số tiền thu đối với việc cho thuê lòng đường là 550 tỷ đồng/năm và với vỉa hè là 972 tỷ đồng/năm.

Theo Sở GTVT TPHCM, mức thu phí của TPHCM có tỷ lệ bình quân tương đương Hà Nội và Đà Nẵng. Điều kiện sử dụng tạm thời một phần hè phố để cho thuê là phải bảo đảm chiều rộng hè phố cho người đi bộ tối thiểu 1,5 mét. Hè phố hiện hữu không bảo đảm chiều rộng thì phải có lộ trình thay thế, bảo đảm an toàn cho người đi bộ. Điều kiện sử dụng tạm thời một phần lòng đường phải bảo đảm phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu đủ 2 làn ô tô cho một chiều lưu thông.

Sở GTVT TPHCM cho biết, mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ xe dự kiến cao hơn mức thu các hoạt động khác từ 2,7 đến 3,5 lần (tùy khu vực) và mức thu tại các tuyến đường trung tâm cao hơn các tuyến đường còn lại nhằm hạn chế người dân gửi xe ở khu vực trung tâm, góp phần giảm nạn ùn tắc giao thông, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư bãi đỗ xe.

Góp ý cho dự thảo đề án, bà Nguyễn Thị Minh Sáu, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 3, phường 17, quận Bình Thạnh, cho rằng, hiện nay TPHCM có khoảng 12 triệu m2 vỉa hè, nếu được tổ chức quản lý bài bản sẽ đem về nguồn lợi không nhỏ cho ngân sách. Cụ thể, nếu chỉ cho thuê 1/4 diện tích lề đường với giá 100.000 đồng/m2/tháng thì mỗi tháng ngân sách có thể thu hàng trăm tỷ đồng.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, trong quá trình xây dựng đề án, sở đã tham khảo ý kiến các chuyên gia cũng như mô hình quản lý của các thành phố ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Đề án không đơn giản là bài toán quản lý giao thông, mục tiêu không chỉ là tạo nguồn thu ngân sách, mà còn tăng cường thiết lập quản lý đô thị.

Theo bà Sáu, trước khi tham dự hội nghị, bà đã khảo sát nhanh 40 trường hợp, trong đó có 10 đại diện doanh nghiệp, 10 người đi bộ và 20 người kinh doanh vỉa hè. Có 80% ý kiến bày tỏ trăn trở và lo ngại về đề án này. “Đa số người được hỏi cho rằng, hiện nay TPHCM chưa triển khai cho thuê lòng đường, vỉa hè mà tình trạng lấn chiếm đã tràn lan và không được xử lý dứt điểm được.

Làm sao dám đảm bảo, khi cho thuê sẽ đảm bảo được trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị? Hạ tầng giao thông ở TPHCM đang quá tải. Nhiều người dân không đồng tình với việc thu phí này. Vì thế, nếu quyết định triển khai thì chính quyền thành phố cần tính toán kỹ, bám sát thực tế và bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa các bên”, bà Sáu nêu ý kiến.

Theo bà Hoàng Thị Lợi, Phó ban Tư vấn dân chủ, pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM quận 1, các lực lượng chức năng rất vất vả trong việc quản lý nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra phổ biến. Việc thu phí vỉa hè được kỳ vọng đưa hoạt động kinh doanh trên hè phố vào khuôn khổ quản lý, song cần chú ý đến mỹ quan đô thị.

“Cần phải tính toán lại việc phân cấp quản lý, lực lượng quản lý thu phí vỉa hè, bởi cán bộ, công chức, viên chức ở các phường đang tinh giản biên chế, lương lại không cao. Cơ quan chức năng nên ưu tiên cho người dân trên địa bàn được thuê và quản lý sử dụng lòng đường bởi người dân ở khu vực khác lên buôn bán sẽ khó quản hơn”, bà Lợi nói.

HỮU HUY

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thu-phi-su-dung-long-duong-via-he-o-tphcm-can-hai-hoa-loi-ich-post1542667.tpo