Thu nhập cao từ trồng cau

Với khoảng 6.500 m2, gần 7 năm trước ông Nguyễn Ngọc Tần (ấp An Thị, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng thanh long sang trồng cây cau vú bò Bà Điểm. Đến nay, vườn cau ông Tần có khoảng 1.200 cây cau mang lại cho gia đình ông thu nhập ổn định.

HƯỚNG ĐI “CHẲNG GIỐNG AI”

Theo con đường đá xanh đi vào nhà ông Nguyễn Ngọc Tần, hình ảnh ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là những hàng cau thẳng tắp. Theo lời ông Tần, những cây cau mới hơn 2 năm tuổi nhưng đã cao lớn, chuẩn bị cho trái. Nếu như trước đây khi mới bắt đầu trồng, ít nhất cũng mất khoảng 4 năm cây cau mới bắt đầu cho trái thì nay nhờ học được kỹ thuật mới cùng với kinh nghiệm canh tác, thời gian cho trái rút ngắn lại còn khoảng 2 năm rưỡi đến 3 năm.

Vườn cau của ông Tần vừa thu hoạch bán được 50 triệu đồng.

Vườn cau của ông Tần vừa thu hoạch bán được 50 triệu đồng.

Do là người tiên phong thực hiện mô hình này nên mọi thứ ông Tần phải tự mày mò học hỏi. “Tôi là người gắn bó với cây thanh long 31 năm và cũng là người đầu tiên ở đây dùng đèn xông thanh long để ra hoa trái vụ.

Nhưng khi nhà nhà trồng thanh long và sâu bệnh phát triển mạnh thì công sức lao động, thuốc bảo vệ thực vật phải sử dụng nhiều hơn. Do sức khỏe không còn phù hợp và tôi muốn thử một cây trồng mới nên quyết định trồng thử những cây cau vào cuối năm 2015” - ông Tần chia sẻ.

Từ những cây cau trồng xen giữa các trụ thanh long, đến năm 2019 ông Tần quyết định chuyển hết diện tích trồng thanh long sang trồng 1.200 cây cau. Thời điểm này, những cây cau trồng đầu tiên cũng bắt đầu cho trái ổn định.

THU NHẬP CAO

Ông Tần cho biết, tháng trước ông mới bán được khoảng 1,5 tấn cau thương phẩm, với giá từ 30.000 -
40.000 đồng/kg, thu hơn 50 triệu đồng. Đây là mức thu nhập “trong mơ” với cùng diện tích ở thời điểm hiện tại, khi mà những loại cây khác như thanh long, mít Thái, dừa… đang bị rớt giá.

Vườn cau của ông Tần hiện trở thành tâm điểm chú ý của nhiều người. Nhiều người từ các tỉnh, thành đến tham quan, học hỏi mô hình của ông. Ông Tần từng là một trong những người đầu tiên sử dụng đèn xử lý thanh long ra hoa trái vụ, nay lại tiếp tục thành công với mô hình trồng cau.

Với thành tích trong lao động, nhiều năm liền, ông Tần được công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp; được nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Giấy khen của các ngành, các cấp trong thực hiện phong trào thi đua nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi.

Bà Nguyễn Thị Lài, thương lái chuyên thu mua cau ở tỉnh Bến Tre, cho biết, dù đã gắn bó với nghề trên 10 năm nhưng đây là lần đầu tiên bà thấy một nông dân miền Tây dám mạnh dạn trồng cau có quy mô lớn thế này và được đầu tư bài bản.

“Những năm qua, giá cau rất cao vì thị trường Ấn Độ, Trung Quốc rất chuộng cau Việt Nam. Hiện nay, trung bình giá cau dao động từ 20.000 - 40.000 đồng, có thời điểm giá cau lên đến 110.000 đồng/kg nhưng chúng tôi mua được rất ít vì mỗi nhà chỉ trồng vài cây đến vài chục cây” - bà Lài cho biết.

Theo ông Tần, cái được nhất khi trồng cau là không cần phải phun thuốc bảo vệ thực vật. Hằng tháng ông chỉ tưới phân một lần. Ngoài 1.200 cây cau được trồng khoảng cách 2,7 m, ông Tần còn trồng xen bưởi da xanh và bưởi rubi Thái Lan vào khoảng giữa để tận dụng lượng phân bón cho cau còn tồn trong đất. Bên cạnh đó, nhờ bóng mát của cau, cây bưởi sẽ phát triển tốt hơn.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Tịnh An Lê Hoàng Lâm cho biết, mô hình trồng cau của ông Tần là mô hình mới và không nằm trong định hướng phát triển của huyện Chợ Gạo. Tuy nhiên, đây là mô hình đáng để học hỏi và mang lại thu nhập rất cao cho hộ ông Nguyễn Ngọc Tần. Xã cũng đã tạo điều kiện cho nhiều nông dân tham quan mô hình này.

TƯỜNG LAM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202208/thu-nhap-cao-tu-trong-cau-957649/