Thu ngân sách từ dầu khí của Nga giảm quá nửa

Thu ngân sách từ dầu khí của Nga 4 tháng đầu năm 2023 giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh giá năng lượng trên thế giới có xu hướng giảm.

Bộ Tài chính Nga ngày 10/4 công bố báo cáo mới nhất cho thấy, nguồn thu ngân sách từ dầu khí của nước này đạt 2.200 tỷ ruble (tương đương gần 29 tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng 1/2023 đến tháng 4/2023, tức giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu từ xuất khẩu năng lượng của Nga giảm mạnh. Ảnh minh họa: ITN

Báo cáo của Bộ Tài chính Nga cho rằng, nguyên nhân của sự sụt giảm đó là bởi giá dầu thô Urals đi xuống cũng như việc xuất khẩu khí đốt bị hạn chế.

Trong khi đó, thu ngân sách từ nguồn ngoài dầu khí của Nga đạt 5.500 tỷ ruble (72,3 tỷ USD), tăng 5% so với cùng kỳ. Như vậy, tổng thu ngân sách 4 tháng đầu năm giảm khoảng 22%. Nga khẳng định họ sẽ cân đối Quỹ phúc lợi quốc gia (NWF) để đảm bảo ổn định hệ thống ngân sách.

Urals là loại dầu thô xuất khẩu chính của Nga, thường được mua bán với mức giá tương đương, hoặc thấp hơn dầu Brent tiêu chuẩn chỉ một vài USD/thùng trước khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bắt đầu hồi tháng 2/2022.

Tuy nhiên, Moscow đã bán dầu Urals với giá chiết khấu cao từ nhiều tháng qua, trong bối cảnh khách hàng mua dầu của họ đối mặt khó khăn về hậu cần, thuê tàu và giao dịch bảo hiểm do các lệnh trừng phạt khắt khe cũng như mức giá trần mà phương Tây áp đặt.

Bộ Kinh tế Nga giữa năm ngoái tính toán giá trung bình của dầu Urals trong năm 2022 là 80,1 USD/thùng, dự kiến giảm xuống 61,2 USD vào năm 2025. Tuy nhiên, dầu Urals hiện đang giao dịch ở mức 56,5 USD (dữ liệu ngày 11/5 của Investing.com), còn dầu Brent khoảng 77 USD.

Với khí đốt, hãng tin Izvestia cuối tháng trước trích dẫn dữ liệu biên bản cuộc họp của Ủy ban Năng lượng của Hội đồng Nhà nước Nga, cơ quan cố vấn hàng đầu của Tổng thống Nga, ước tính việc xuất khẩu khí đốt của Mocsow trong năm 2023 sẽ sụt giảm khoảng 50% so với năm 2022.

Theo Izvestia, năm 2022, Nga xuất khẩu hơn 100 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên. Số liệu của Statista chỉ rõ, Moscow bán khoảng 203 tỷ mét khối khí tự nhiên qua các tuyến đường ống trong năm 2021. Như vậy, con số của năm 2023 có thể chỉ còn bằng 1/4 so với giai đoạn trước khi xung đột nổ ra ở Ukraine.

Sau khi các tuyến đường ống Nord Stream chạy dưới đáy biển Baltic bị tấn công phá hoại tháng 9/2022, dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu – khách hàng khí đốt lớn nhất của Moscow – sụt giảm nghiêm trọng và không thể khôi phục về mặt kĩ thuật trong ngắn hoặc trung hạn.

Theo New York Times, châu Âu đã bù đắp phần thiếu hụt của Nga bằng cách tăng nguồn cung nội địa, nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), chủ yếu từ Mỹ, Qatar và cắt giảm nhu cầu. Thời tiết ấm áp trong mùa Đông phần nào giúp EU không phải đối mặt khủng hoảng nguồn cung.

Báo cáo của EU chỉ ra rằng, mức tiêu thụ khí đốt từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023 thấp hơn gần 18% so với mức trung bình giai đoạn này từ 2017 đến 2022. Những thực tế đó cũng khiến giá khí đốt ở châu Âu giảm, hiện chỉ còn khoảng 10% so với mức đỉnh kỉ lục hồi tháng 8/2022.

Trong bối cảnh khối lượng xuất khẩu và giá khí đốt giảm, Nga lựa chọn thúc đẩy các dự án đường ống khí đốt khác để bù đắp nguồn thu. Moscow chuẩn bị xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới sang Trung Quốc, bên cạnh tuyến ống Power of Siberia đang vận hành hiệu quả.

Một nỗ lực khác cũng đang được tiến hành để biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một trung tâm trung chuyển khí đốt mới của Nga. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan năm ngoái tuyên bố nước này sẽ tạo ra trung tâm quốc tế để chuyển khí đốt của Nga sang một số quốc gia châu Âu.

Thái Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/thu-ngan-sach-tu-dau-khi-cua-nga-giam-qua-nua-i693105/