Thu ngân sách nhà nước năm 2023 vượt khoảng 8,12% dự toán

Theo báo cáo mới nhất, đến thời điểm này, thu ngân sách nhà nước vượt khoảng 8,12% dự toán. Đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính trong bối cảnh vừa phải hỗ trợ cho doanh nghiệp, vừa tìm các giải pháp tăng thu về cho ngân sách.

Điều hành chính sách tài khóa mở rộng, hiệu quả

Bộ Tài chính phấn đấu thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt dự toán, nhằm đáp ứng các nhiệm vụ chi trong dự toán, chi cho an sinh xã hội và các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Năm 2023, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, hàng loạt chính sách đã kịp thời được ban hành và đi vào cuộc sống hiệu quả.

Chính sách tài khóa đã hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.

Chính sách tài khóa đã hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.

Tiêu biểu là chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đây là năm thứ 4 liên tiếp, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Tổng quy mô gói hỗ trợ trong 4 năm qua ước tính lên tới khoảng 700 nghìn tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194 nghìn tỷ đồng.

Có thể kể đến một số chính sách hỗ trợ tài chính tiêu biểu như: Trình Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế suất thuế GTGT từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 đối với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%. Với chính sách này, số tiền thuế được giảm lên đến khoảng 24 nghìn tỷ đồng;

Ngoài ra, trong năm Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023, với số tiền giảm khoảng 38 nghìn tỷ đồng.

Với việc thực hiện Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn là hơn 110 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, trong năm qua, Bộ Tài chính đã bố trí kinh phí dự toán chi đầu tư phát triển với số tiền lên tới 726,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đã bố trí đủ kinh phí thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong dự toán NSNN năm 2023 là 157 nghìn tỷ đồng, chiếm 35% tổng chi NSNN.

Đồng thời, đã bố trí nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập được khoảng 560 nghìn tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 - 2026 theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 BCH TW Đảng Khóa XII, tăng chi đầu tư phát triển và các nhiệm vụ khác theo quy định.

Quản chặt các nguồn thu, thu đúng thu đủ về ngân sách

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh nguồn thu NSNN bị ảnh hưởng lớn, trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là nhu cầu chi cho an sinh xã hội, càng thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân của Bộ Tài chính.

Thu ngân sách vượt dự toán đảm bảo nguồn cho các khoản chi quan trọng, cấp thiết.

Thu ngân sách vượt dự toán đảm bảo nguồn cho các khoản chi quan trọng, cấp thiết.

Những nỗ lực của Bộ Tài chính càng có ý nghĩa khi bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN thấp hơn nhiều giới hạn và ngưỡng cảnh báo.

Có được kết quả đó là nhờ Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan, tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các ban, ngành, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu ngân sách.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong quản lý thuế, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát hải quan, tăng cường chống thất thu gắn với cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Năm qua, Bộ Tài chính tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, đối thoại, giải đáp, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc cho người nộp thuế; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra trị giá hải quan; đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trong đó tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, xuất xứ hàng hóa…

Các cơ quan thuế, hải quan cũng đã thực hiện kiểm soát chặt chẽ công tác miễn, giảm và hoàn thuế đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách; tăng cường quản lý, hạn chế nợ đọng thuế.

Song song với đó, Bộ Tài chính tích cực triển khai các gói hỗ trợ tài khóa đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất. Gói hỗ trợ với quy mô lớn, đã miễn, giảm, gia hạn cho hàng trăm nghìn đối tượng; 8 loại thuế, phí với quy mô lên đến gần 200 nghìn tỷ đồng, tiếp sức cho doanh nghiệp khơi thông nội lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Trong năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ lạm phát, siết chặt kỷ cương kỷ luật trong quản lý tài chính, ngân sách nhà nước. Quyết liệt thực hiện công tác thu NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất.

Trong đó, đáng lưu ý, Bộ Tài chính sẽ theo dõi sát tình hình thực tế, để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước trong thời gian tới; đồng thời tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp này nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.

Đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194 nghìn tỷ đồng

Năm 2023 là năm thứ 4 liên tiếp, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194 nghìn tỷ đồng.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thu-ngan-sach-nha-nuoc-nam-2023-vuot-khoang-812-du-toan-143079.html