Thu hút đầu tư: 'Giao thông đi trước'

Để sớm đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, tỉnh xác định ưu tiên 'giao thông đi trước'.

Dọc tuyến đường vành đai V đi trùng Đại lộ Đông - Tây, chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ 2 CCN Bảo Lý - Xuân Phương và Hạnh Phúc - Xuân Phương (ảnh Mạnh Hùng).

Từ khi Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được phê duyệt, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị lập và tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung cục bộ Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn sau năm 2020. Hiện nay, Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở GTVT, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông quan trọng nhằm cụ thể hóa Phương án phát triển mạng lưới GTVT trong Quy hoạch tỉnh. Việc đầu tư hạ tầng giao thông của tỉnh theo hướng đồng bộ, tăng tính liên kết vùng theo các trục. Giai đoạn 2021-2025, Sở GTVT đã đề xuất, tham mưu với cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương thực hiện là 11 dự án đầu tư công với tổng mức đầu tư là 6.779 tỷ đồng.

Điểm nhấn trong các công trình giao thông trọng điểm đang triển khai là đường vành đai V Thái Nguyên nằm trong quy hoạch đường vành đai V - vùng Thủ đô Hà Nội được UBND tỉnh phê duyệt tháng 7-2017 (thực hiện trong giai đoạn 2017-2020), tổng vốn đầu tư 966,4 tỷ đồng. Dự án có chiều dài toàn tuyến 9,16km với điểm đầu thuộc địa phận xã Nga My (Phú Bình), điểm cuối nối với nút giao Yên Bình (TP. Phổ Yên). Tuyến đường hoàn thành tạo trục xương sống cho Khu tổ hợp Yên Bình rộng 8.000ha, nối Quốc lộ 37 với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Dự án đã rút ngắn quãng đường từ huyện Phú Bình xuống đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên từ gần 30km còn 10km.

Các đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành thi công đào nền, đắp đất K95 và đang triển khai đắp đất K98, rải cấp phối đá dăm tại các đoạn tuyến đủ điều kiện của Dự án đường liên kết vùng Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc (ảnh Nguyên Ngọc).

Cùng với đó, Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc được khởi công ngày 12/5/2022, tiến độ thực hiện trong 30 tháng. Tổng chiều dài tuyến 42,55km, trong đó tuyến chính 36,51km, tuyến nhánh 6,04 km. Tuyến đường đi qua TP. Phổ Yên và huyện Đại Từ (kết nối với tỉnh Bắc Giang tại xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa; tỉnh Vĩnh Phúc tại xã Ngọc Thanh, TP. Phúc Yên), điểm cuối tuyến tại xã Ký Phú, huyện Đại Từ. Dự án hoàn thành sẽ hình thành trục kết nối tỉnh Thái Nguyên với tỉnh Bắc Giang và tỉnh Vĩnh Phúc; mở ra không gian phát triển mới đối với TP. Phổ Yên và huyện Đại Từ, khu vực đông Tam Đảo.

Đường vành đai V đi trùng Đại lộ Đông - Tây hoàn thành ngoài rút ngắn quãng đường từ huyện Phú Bình xuống đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, lợi thế vượt trội chính là đã thu hút được các dự án triển khai dọc tuyến đường này.

Ông Dương Đại Đồng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Bình, cho biết: Từ chủ trương của tỉnh đầu tư tuyến đường vành đai V đã thúc đẩy thu hút đầu tư, hình thành các khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn. Dọc tuyến đường vành đai V đi trùng Đại lộ Đông - Tây, chủ đầu tư 2 CCN Bảo Lý - Xuân Phương và Hạnh Phúc - Xuân Phương đang được đẩy nhanh tiến độ. Hiện nay, Khu công nghiệp đô thị dịch vụ Phú Bình diện tích trên 900ha đang triển khai xây dựng gần tuyến đường này. Trên tuyến đường Vành đai V đoạn Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang đang thi công, UBND tỉnh đã quyết định thành lập 4 CCN là: Hà Châu 1, Hà Châu 2, Tân Đức và Lương Phú - Tân Đức, với tổng mức đầu tư trên 2.700 tỷ đồng. Đây là cơ sở để Phú Bình tập trung thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, sớm hoàn thiện các tiêu chí cơ bản trở thành thị xã trước năm 2025.

Đối với Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc, dọc tuyến hiện đang quy hoạch khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên, CCN Minh Đức TP. Phổ Yên. Dự án giúp kết nối sân gôn Glory tại xã Thành Công (TP. Phổ Yên), CCN Quân Chu, CCN Cát Nê - Ký Phú, 2 sân gôn tại thị trấn Quân Chu (Khu tổ hợp văn hóa thể dục thể thao sân gôn Quân Chu và Khu thể thao sân gôn tại thị trấn Quân Chu và xã Cát Nê) của huyện Đại Từ và Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc.

Hiện nay, Thái Nguyên đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm. Có thể kể đến như: Dự án nâng cấp, mở rộng đường Gom đoạn từ nút giao Yên Bình đến Khu công nghiệp Yên Bình; tuyến nối Quốc lộ 37 đi ĐT.269B; tuyến nối ĐT.261 với ĐT.266 và Nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km31 (Quốc lộ 3) đến Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Trong quý II-2024, tỉnh sẽ tiếp tục khởi công mới 2 dự án là Đường Vành đai I, Bờ Đậu - Hóa Thượng và Dự án Đường kết nối ĐT.265 (xã Bình Long, Võ Nhai) đi Bắc Giang.

Kiểm tra sơ đồ thiết kế, thi công tại Dự án Khu đô thị số 12 - Danko River (ảnh Mạnh Hùng).

Thực tế đã chứng minh, điều kiện hạ tầng giao thông thuận lợi, cùng các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, minh bạch đã đưa Thái Nguyên thành điểm sáng của khu vực trung du, miền núi phía Bắc với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài có tiềm lực. Phát triển các tuyến đường giao thông trọng điểm thể hiện tầm nhìn xa của Thái Nguyên trong chính sách thu hút đầu tư giai đoạn tới, giúp tỉnh nhanh chóng đạt được các mục tiêu của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đặt ra.

Tỉnh Thái Nguyên có trục giao thông phía bắc phía Bắc chạy theo hướng Bắc Nam: Quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn; Quốc lộ 37 Bắc Giang - Thái Nguyên - Tuyên Quang… (đã được đầu tư trong giai đoạn trước). Trục ngang đường Hồ Chí Minh đã đang được đầu tư và trục dọc phía Tây kết nối liên vùng Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc đang đầu tư. Đây là các tuyến đường huyết mạch, giúp kết nối trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và văn hóa Thái Nguyên đi các vùng, miền trong khu vực phía Bắc .

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-thong/202403/thu-hut-dau-tu-giao-thong-di-truoc-d320dde/