Thu hồi tài sản tham nhũng vẫn gặp khó!

Mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, song việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn là một trong những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của nước ta hiện nay. Nhận định này được Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ trong Báo cáo Kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV gửi đến Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành mới đây.

Số vụ việc tham nhũng có điều kiện thi hành về tiền còn tồn đọng lớn

Xử lý tham nhũng là một trong những vấn đề được nhân dân và dư luận đặc biệt quan tâm. Việc xử lý tham nhũng đạt hiệu quả hay không không phải là việc xử lý được bao nhiêu đối tượng, kỷ luật được bao nhiêu người vi phạm mà mục đích cuối cùng là thu hồi được bao nhiêu tài sản thất thoát, tham nhũng về cho nhà nước.

Nhìn lại kết quả xử lý tham nhũng thời gian gần đây cho thấy những kết quả rất tích cực. Đơn cử chỉ tính trong năm 2022, tổng số vụ việc tham nhũng phải thi hành là 3.973 việc, tương ứng với gần 89.610 tỷ đồng. Trong đó, số có điều kiện thi hành là 2.739 việc, tương ứng với hơn 43.593 tỷ đồng. Số đã thi hành xong là 1.895 việc, tương ứng với hơn 15.989 tỷ đồng. Số tài sản tham nhũng đã thu hồi trong năm 2022 tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021.

Để việc thu hồi tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án đạt hiệu quả, tránh tình trạng tẩu tán tài sản, các cấp, các ngành cần phối hợp và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, nâng cao tính trung thực, trách nhiệm trong việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; có hình thức xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập. Cùng với đó, có cơ chế đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, hạn chế sử dụng tiền mặt trong việc giao dịch mua, bán các tài sản có giá trị lớn để thuận tiện trong việc kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản đã bị tẩu tán.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

“Điểm sáng” rất đáng ghi nhận trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng những năm gần đây là cơ quan tố tụng đã thu hồi được một tỷ lệ không nhỏ tài sản tham nhũng ngay trong giai đoạn điều tra. Trong năm 2022 số tiền thiệt hại trong 687 vụ án với 1.439 bị can phạm tội tham nhũng được thụ lý điều tra lên tới 2.984 tỷ đồng, 233.317,5m2 đất, 21 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó, số tài sản đã thu hồi được trong quá trình tố tụng là 2.356 tỷ đồng, 179.251,5m2 đất, 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phong tỏa số tiền trên 1,4 tỷ đồng, hơn 20.000 cổ phiếu và kê biên 10 nhà đất (trị giá khoảng trên 100 tỷ đồng). Trong năm 2022, đã thi hành xong 15.989/hơn 43.593 tỷ đồng trong số có điều kiện thi hành.

Không thể phủ nhận nỗ lực của các cơ quan trong thu hồi tài sản tham nhũng, tuy nhiên, nhìn vào kết quả này cho thấy, so với số tiền đã bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng thì tỷ lệ thu hồi vẫn là con số “khiêm tốn”. Theo nhận định của Ủy ban Tư pháp “số vụ có điều kiện thi hành về tiền vẫn còn tồn đọng lớn”.

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) quan tâm đến con số hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng trong các vụ đại án chưa thu hồi được. Đại biểu nêu rõ, hiện còn đến 40 - 50% số tài sản chưa được thu hồi lại trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo. Đây là con số không nhỏ, vì một vụ án tham nhũng, giá trị có thể lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Lấp “khoảng trống” kiểm soát tài sản, thu nhập

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thu hồi tàn sản tham nhũng chưa như mong muốn. Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do số tiền thu hồi rất lớn, những người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp. Thời gian giải quyết các vụ việc các vụ án tham nhũng kéo dài đã dẫn đến tài sản bị tẩu tán, che giấu hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng. Ngoài ra, vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản, làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án. “Trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp bỏ trốn, việc tương trợ tư pháp hình sự còn gặp nhiều khó khăn” - Tổng Thanh tra Chính phủ nhận định.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Phạm Nam Tiến cũng phản ánh thực tế, chúng ta mới chỉ kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn tài sản do người thân của đối tượng phạm tội, tham nhũng đang đứng tên chiếm hoặc sở hữu vẫn là khoảng trống rất lớn, khó kiểm soát. Chính “khoảng trống” trong việc kiểm soát tài sản thu nhập trong những trường hợp như ông Tiến chỉ ra đã trở thành một trong những nơi ẩn nấp của tài sản tham nhũng.

Mục đích cuối cùng trong xử lý tham nhũng là thu hồi cao nhất số tài sản tham nhũng. Để tránh tẩu tán tài sản khi phát hiện hành vi tham nhũng, việc thiết lập cơ chế để kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập là điều rất quan trọng. Do đó, cần sớm hoàn thiện Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đây là cơ sở dữ liệu có vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng nói chung và việc thu hồi tài sản nói riêng.

Ngoài ra, để nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm liên quan đến công tác thu hồi tài sản, nhất là việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản trong thi hành án. Cùng với đó, tăng cường phối hợp, tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác thu hồi tài sản, trong đó có kê biên, phong tỏa, tạm giữ phục vụ cho việc tổ chức thi hành thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự. Cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc chậm thi hành một số bản án có điều kiện thi hành.

Hà An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/thu-hoi-tai-san-tham-nhung-van-gap-kho-i316909/