Thu hồi đất để tôn tạo di tích Gò Đống Thây thành công viên văn hóa lịch sử

Di tích lich sử Gò Đống Thây được UBND thành phố Hà Nội giao quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư lập và thực hiện dự án tu bổ tôn tạo di tích này. Đến nay các hộ dân trong diện thu hồi giải phóng mặt bằng chưa bàn giao đất để thực hiện dự án.

Khu Gò Đống Thây là dấu tích lịch sử chống quân Minh thế kỷ XV được Bộ Văn hóa- Thông tin thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia thuộc xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội (nay thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân). Hiện nay diện tích Di tích lịch sử Gò Đống Thây được thống nhất điều chỉnh khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích là 15.336m2.

Theo ông Nguyễn Mạnh Đạt, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) năm 1990, Dự án tu bổ tôn tạo Di tích lịch sử Gò Đống Thây được TP Hà Nội giao UBND quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư (đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân). Mục tiêu xây dựng khu di tích lịch sử Gò Đống Thây thành công viên văn hóa lịch sử, đưa di tích trở thành một không gian văn hóa với các thành phần tiêu biểu có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật bổ sung điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, khu vui chơi giải trí, tạo cảnh quan môi trường phát huy giá trị lịch sử vốn có.

Dự án có diện tích sử dụng đất 15.336m2, phân kỳ 2 giai đoạn thuộc cấp công trình văn hóa cấp 3. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện tu bổ, tôn tạo công trình trong phạm vi diện tích khoảng 8.785 m2, bao gồm tu bổ gò số 1, số 3; xây dựng mới miếu thờ bổ sung bia và biển tại gò số 2. Giai đoạn 2 thực hiện thành phần còn lại của dự án diện tích 6.521 m2. Tổng mức đầu tư dự án 233,912 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách quận. Thời gian thực hiện dự án sau điều chỉnh từ 2017 đến 2025.

Về tiến độ thu hồi đất giải phóng mặt bằng, lãnh đạo phường Thanh Xuân Trung cho biết, tổng số hộ thuộc diện giải phóng mặt bằng có 63 trường hợp, trong đó 58 hộ gia đình, cá nhân và 2 tổ chức. Tổng diện tích thu hồi 4.397,6m2 đất do các hộ gia đình cá nhân sử dụng và 4.457,5m2 đất do tổ chức quản lý sử dụng. Số trường hợp cắt xén ngoài chỉ giới là 9 trường hợp, số trường hợp ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng 8 trường hợp. 5 trường hợp được xét tái định cư.

Quá trình thực hiện dự án gặp khó khăn ngay từ ngày đầu triển khai công tác GPMB do các hộ dân có nhiều đơn thư kiến nghị, khiếu nại, chưa đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng, không tham gia họp công bố chủ trương, họp tuyên truyền vận động, không phối hợp trong công tác đo đạc, kiểm đếm…

Lãnh đạo quận ủy, UBND quận đã nhiều lần đối thoại trực tiếp tại các buổi tiếp công dân định kỳ, tiếp nhận trả lời bằng văn bản với các nội dung đơn kiến nghị của công dân. UBND quận Thanh Xuân đã ban hành các văn bản giải quyết khiếu nại tuy nhiên các hộ dân vẫn không đồng ý với nhiều quyết định của UBND quận. Ngoài ra, UBND quận phối hợp với Tòa án nhân dân TP Hà Nội để giải quyết đối với các nội dung khởi kiện của công dân.

“Do các hộ dân mua bán chuyển nhượng không hợp pháp nên việc xác định nguồn gốc đất, xác định chủ sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Đất có nguồn gốc là đất di tích lịch sử các hộ gia đình tự sử dụng làm nhà ở nên khi áp dụng chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư không được bồi thường hỗ trợ về đất và không đủ điều kiện xét mua nhà tái định cư nên các hộ dân không đồng thuận và có ý kiến, kiến nghị”- ông Đạt thông tin.

Theo ông Đặng Hoàng Linh, Phó Giám đốc Ban quản lý quận Thanh Xuân, đến nay UBND quận Thanh Xuân đã thực hiện đầy đủ các quy trình thủ tục theo quy định của pháp luật. Đến nay đã ban hành 63 quyết định thu hồi đất, trong đó 58 trường hợp không được xét mua nhà tái định cư, UBND quận cũng ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với 58 trường hợp này trong 3 ngày (25-27/3/2024).

Xác nhận của UBND phường Thanh Xuân đối với 63 trường hợp thu hồi đất đang sử dụng là đất di tích lịch sử tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang công trình nhà ở tại các thời điểm sau ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004. "Sau ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/7/2014 và sau ngày 1/7/2014 chính sách bồi thường hỗ trợ về đất theo quy định không được bồi thường hỗ trợ, đất này hiện nay theo chính sách là 0 đồng", ông Linh nhấn mạnh.

Kết luận thanh tra việc thực hiện quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại khu Di tích lịch sử Gò Đống Thây khẳng định: Do quản lý chồng chéo, thiếu chặt chẽ của chính quyền địa phương dẫn đến vi phạm sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng diễn ra trong thời gian dài chưa được xử lý kịp thời.

Kết luận chỉ rõ, việc UBND phường Thanh Xuân Trung chưa thực hiện cương quyết, xử lý dứt điểm, không kịp thời ngăn chặn, thiếp lập hồ sở xử lý các trường hợp lấn chiếm đất đai dẫn đến tình trạng các cá nhân tự sử dụng, tự chia tách, mua đi bán lại bất hợp pháp, lấn chiếm đất phát sinh sau khi có Bản đồ hiện trạng. Việc xây dựng trái phép tại khu vực Gò Đống Thây diễn ra qua một thời gian dài. Tại khu vực điều chỉnh vùng thực hiện dự án tu bổ di tích có 132 công trình vi phạm.

Đ.Hưng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thu-hoi-dat-de-ton-tao-di-tich-go-dong-thay-thanh-cong-vien-van-hoa-lich-su-post1079350.vov