Thu hẹp 'khoảng cách' giữa nhà trường và doanh nghiệp du lịch

Trước tình trạng thiếu hụt nhân lực sau đại dịch Covid-19, các cơ sở đào tạo phải phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch theo hướng tăng giờ thực hành, gắn lý thuyết với thực tiễn kinh doanh.

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, số lượng lao động trong cơ sở lưu trú du lịch hiện nay chỉ khoảng 350.000 người, đáp ứng 70% nhu cầu. Với số cơ sở hiện có, nếu đạt công suất trên 70% thì ngành du lịch cần có khoảng 507.000 lao động trong các cơ sở lưu trú, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 50.000 người. Mỗi năm, ngành cần 40.000 nhân viên mới và 25.000 nhân viên cần được đào tạo lại. Tuy vậy hàng năm các trường chỉ đào tạo khoảng 20.000 sinh viên, trong đó tỷ lệ lao động du lịch được đào tạo chuyên nghiệp còn thấp, chỉ chiếm 43% trong tổng số lao động du lịch.

Trước thực trạng này, nhiều nhà trường và doanh nghiệp đã "bắt tay" để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch. Theo PGS.TS Trần Hữu Tuấn - Hiệu trưởng Trường Du lịch (Đại học Huế), Chủ nhiệm CLB Khối đào tạo du lịch (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam), các cơ sở đào tạo có xu hướng liên kết ngày càng chặt chẽ, rộng rãi với các bên liên quan trong đào tạo và nghiên cứu nhằm đào tạo nhân lực có khả năng tham gia vào thị trường lao động du lịch đầy sôi động, đòi hỏi tính chuyên nghiệp và quốc tế hóa như hiện nay. Điều này giúp các cơ sở đào tạo tận dụng các nguồn lực bên ngoài, hỗ trợ cho quá trình đào tạo nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra của sinh viên, học viên.

Tọa đàm “Kinh nghiệm hợp tác với các bên liên quan trong đào tạo và nghiên cứu du lịch”do Câu lạc bộ Khối đào tạo du lịch phối hợp với Trường Đại học Yersin Đà Lạt tổ chức ngày 11/8 tại Lâm Đồng.

Tọa đàm “Kinh nghiệm hợp tác với các bên liên quan trong đào tạo và nghiên cứu du lịch”do Câu lạc bộ Khối đào tạo du lịch phối hợp với Trường Đại học Yersin Đà Lạt tổ chức ngày 11/8 tại Lâm Đồng.

Tại tọa đàm “Kinh nghiệm hợp tác với các bên liên quan trong đào tạo và nghiên cứu du lịch” do Câu lạc bộ Khối đào tạo du lịch phối hợp với Trường Đại học Yersin Đà Lạt tổ chức, đại diện khoa Du lịch – Trường Đại học Mở Hà Nội nêu một số cách thức nhằm thu hẹp "khoảng cách" giữa nhà trường với doanh nghiệp du lịch: "Doanh nghiệp tham gia vào phần lớn các hoạt động đào tạo của khoa như định hướng nghề; giảng dạy chuyên môn nghiệp vụ; hướng dẫn tham quan doanh nghiệp; hướng dẫn thực hành, thực tập; hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên. Qua đó, sinh viên được tiếp cận và trải nghiệm thực tế đa dạng, được rèn luyện các kỹ năng chuyên môn. Với doanh nghiệp, khoa linh hoạt về thời gian cho các đợt thực hành, thực tập của sinh viên, đảm bảo cung cấp nhân lực quanh năm cho doanh nghiệp, đặc biệt trong mùa cao điểm".

Không chỉ phối hợp với doanh nghiệp trong nước, một số cơ sở đào tạo du lịch còn đưa sinh viên học tập, rèn luyện tại nước ngoài. Trường Đại học Văn Lang là đơn vị tích cực hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu du lịch, với các chương trình đưa sinh viên thực tập tại Mỹ, Nhật; trải nghiệm dẫn tour du lịch nước ngoài như Thái Lan; trao đổi sinh viên quốc tế tại Pháp, Hàn Quốc, Phần Lan...

Đào tạo sinh viên du lịch tại Trường Đại học Mở Hà Nội. Nguồn: Vũ An Dân

Đào tạo sinh viên du lịch tại Trường Đại học Mở Hà Nội. Nguồn: Vũ An Dân

Từ phía doanh nghiệp, các đơn vị ghi nhận đã có nhiều kết nối và tương tác giữa nhà trường với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch ở nhiều khía cạnh.

ThS. Trương Mỹ Linh - Trưởng phòng đào tạo và phát triển nhân sự Amanoi cho biết: "Nếu như trước đây, các cơ sở đào tạo chỉ kết nối với doanh nghiệp khi có nhu cầu gửi sinh viên đi thực tập, thì hiện nay các trường đã có chiến lược tiếp cận đa dạng hơn như tổ chức cho sinh viên tham quan, giao lưu với doanh nghiệp, mời doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động khác của trường như thỉnh giảng, hội thảo, các cuộc thi nghề và hội chợ việc làm".

Tuy nhiên, thực tế là nhiều sinh viên dù đã qua trường lớp đào tạo nhưng vẫn không đáp ứng được các nhu cầu của nhà tuyển dụng. Điều này dẫn đến "nghịch lý" là thị trường khan hiếm nhân lực diện rộng, nhưng nhiều sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành du lịch vẫn thất nghiệp hoặc làm việc trái ngành.

ThS. Trương Mỹ Linh nêu thực trạng tuyển dụng tại đơn vị: "Bước vào vòng phỏng vấn bằng tiếng Anh, phần lớn ứng viên bối rối và mong được trả lời bằng tiếng Việt sau khoảng 2 câu hỏi đầu tiên vì kém tự tin. Như vậy, dù kỹ năng và thái độ rất tốt nhưng ngoại ngữ hạn chế thì khách sạn rất khó bố trí các bạn vào những bộ phận phải tương tác với khách hàng".

Cần nhằm thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn trong ngành du lịch. Nguồn: Trường Đại học Yersin Đà Lạt

Cần nhằm thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn trong ngành du lịch. Nguồn: Trường Đại học Yersin Đà Lạt

Theo ThS. Trương Mỹ Linh, đào tạo nhân lực cho ngành lưu trú còn nhiều hạn chế, như chương trình đào tạo chưa đáp ứng toàn diện theo tiêu chuẩn quốc tế, giáo trình tại một số trường chưa sát với thực tiễn, các hoạt động đào tạo về các kỹ năng mềm vẫn chưa được chú trọng, khả năng ngoại ngữ của sinh viên vẫn còn hạn chế, thời gian thực tập của sinh viên trong nước khá ngắn so với sinh viên nước ngoài. "Với sinh viên du lịch, rất cần chú trọng ngoại ngữ và quy định ngoại ngữ như một tiêu chuẩn bắt buộc cho đầu ra".

Về giải pháp, ThS. Trương Mỹ Linh đề nghị cơ sở đào tạo tạo thêm các sân chơi và các cuộc thi về kỹ năng nghiệp vụ giữa các trường trong khu vực nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng và cũng như tạo sự tự tin cho sinh viên. Đó cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có thể tìm kiếm những gương mặt trẻ tiềm năng. Cần có các cuộc đối thoại định kỳ với các doanh nghiệp để điều chỉnh chương trình học sát với môi trường làm việc thực tế nhất có thể.

Các chuyên gia cho rằng, sự thành công của một quốc gia hay doanh nghiệp du lịch trong phát triển du lịch phụ thuộc nhiều vào nhân tố con người. Bởi con người là cầu nối giữa doanh nghiệp và du khách đồng thời là nhân tố quan trọng để du khách quay trở lại. Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực đủ tiêu chuẩn, trình độ phục vụ luôn đòi hỏi sự quan tâm và phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Hải Nam/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/thu-hep-khoang-cach-giua-nha-truong-va-doanh-nghiep-du-lich-post1038555.vov