Thông tin tín dụng giúp khách hàng thoát cảnh 'vay nóng'

Theo Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng, thông tin tín dụng có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp khách hàng vay tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Thực tế, khách hàng không có lịch sử tín dụng luôn khiến các ngân hàng e ngại.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng.

Ngày 25/8/2023, tại Hà Nội, Tạp chí Ngân hàng phối hợp với Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro".

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng khẳng định, trong quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng, thông tin tín dụng có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp tạo lập cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia để Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh; hỗ trợ khách hàng vay tiếp cận nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu đời sống, kinh tế, xã hội theo quy định của pháp luật.

Thông tin tín dụng giúp các tổ chức tín dụng nhận định được những khách hàng có độ rủi ro cao theo lịch sử dư nợ của khách hàng vay, lịch sử chậm thanh toán của chủ thẻ tín dụng, tránh việc trùng lặp tài sản được đảm bảo cho nhiều hợp đồng tín dụng tại nhiều ngân hàng.

Thông tin tín dụng càng hoàn thiện, các tổ chức tín dụng càng nhận định được những nguy cơ tiềm ẩn về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mà khách hàng sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư, thông qua việc so sánh các số liệu thống kê về lĩnh vực đầu tư, mức đầu tư theo hợp đồng tín dụng đối với nhu cầu thực tế của các ngành kinh tế và lĩnh vực tương ứng trên phạm vi cả nước và quốc tế.

Thời gian qua, hoạt động thông tin tín dụng của CIC đã từng bước phát triển mạnh mẽ và vững chắc, là một trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia. Bên cạnh đó, CIC thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng cho các tổ chức tín dụng để phục vụ mục đích quản trị rủi ro, quản lý danh mục, đánh giá, tìm kiếm khách hàng...

Trong năm 2022, số lượng báo cáo do CIC cung cấp cho các tổ chức tín dụng tăng trưởng vượt bậc với hơn 77,7 triệu báo cáo, tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn thông tin tín dụng nhanh chóng, tin cậy đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là trong thời đại ngân hàng số hiện nay.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế đất nước hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, nhu cầu trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới và chuẩn hóa dữ liệu đòi hỏi ngày càng phải nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng.

Ông Cao Văn Bình, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam khẳng định, còn nhiều dư địa để nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, như: Mở rộng nguồn thông tin ngoài ngành, mở rộng trao đổi thông tin xuyên biên giới, áp dụng công nghệ mới, đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bà Đinh Thị Thái, Phó tổng giám đốc Vietcombank đề xuất, để khai thác và sử dụng hiệu quả hơn nguồn thông tin tín dụng, CIC cần tăng cường liên kết với dữ liệu các ngành khác (ví dụ như thuế) để thông tin chính xác hơn, đồng thời giảm phí để các ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất cho vay với khách hàng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Quân, Phó tổng giám đốc TPBank khẳng định, thông tin tín dụng là cơ sở để thúc đẩy tài chính toàn diện. Thực tế, nhiều khách hàng phải đi “vay nóng” vì thiếu lịch sử tín dụng, không được tiếp cận nguồn vốn rẻ của ngân hàng.

T.L

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thong-tin-tin-dung-giup-khach-hang-thoat-canh-vay-nong-d197174.html