Thông tin, phổ biến khoa học và công nghệ đến đồng bào Khmer

Năm 2022, Sở KHCN triển khai 08 đề tài cấp tỉnh ở các lĩnh vực: KHCN, khoa học y dược, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn; nghiệm thu 16 đề tài/dự án (đạt 133,33%); quản lý, theo dõi, đôn đốc 28 đề tài/dự án đã triển khai từ năm 2019.

Các thành viên tổ truyền thông của ấp Sóc Tro Dưới, xã An Quảng Hữu trao đổi kinh nghiệm về công tác truyền thông trong vùng đồng bào Khmer.

Các thành viên tổ truyền thông của ấp Sóc Tro Dưới, xã An Quảng Hữu trao đổi kinh nghiệm về công tác truyền thông trong vùng đồng bào Khmer.

Những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; đến cuối năm 2022, hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, toàn tỉnh còn 10.207 hộ, chiếm 3,56%/tổng số hộ dân cư. Trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số 6.485 hộ, chiếm 7,04%/tổng số hộ dân tộc thiểu số và 17.215 hộ cận nghèo, chiếm 06%/tổng số hộ dân cư. Năm 2022, GRDP bình quân đạt 71,07 triệu đồng/người/năm, đạt 106% Nghị quyết (tăng 8,24 triệu đồng so năm 2021); công tác giảm nghèo bền vững tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng; hộ khá, giàu ngày càng tăng...

Kết quả đạt được là nhờ vào lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của các đoàn thể và hưởng ứng tích cực của Nhân dân. Trong đó, phải đề cập đến vai trò, hiệu quả của thông tin, phổ biến khoa học và công nghệ (KHCN) đến đồng bào Khmer. Đây là một trong những chuỗi hoạt động KHCN; thời gian qua, công tác thông tin, phổ biến KHCN đến đồng bào Khmer đã có những đóng góp tích cực, góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là vùng đồng bào Khmer; đặc biệt, lĩnh vực “tam nông” ngày càng khởi sắc.

Năm 2022, Sở KHCN triển khai 08 đề tài cấp tỉnh ở các lĩnh vực: KHCN, khoa học y dược, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn; nghiệm thu 16 đề tài/dự án (đạt 133,33%); quản lý, theo dõi, đôn đốc 28 đề tài/dự án đã triển khai từ năm 2019. Bên cạnh, triển khai thực hiện các mô hình: trồng nho ăn tươi an toàn; nho đỏ NH01-152 và nho xanh NH01-48; nuôi heo rừng thích ứng với biến đổi khí hậu; nuôi cua cốm trong bể xi-măng ứng dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn; nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ao đất… nhiều nông dân Khmer đã thành công.

Thông tin KHCN đã góp phần quan trọng trong đời sống, sản xuất của đồng bào Khmer, nhất là các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất do Sở KHCN thực hiện. Bên cạnh, các đoàn thể, địa phương đã và đang thực hiện những hình thức thông tin KHCN đa dạng, linh hoạt; từ đó, ứng dụng KHCN trong vùng đồng bào Khmer ngày càng hiệu quả, phục vụ đắc lực nhu cầu sản xuất, sinh hoạt.

Đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Trưởng Ban Tuyên giáo - Chính sách - Luật pháp, Hội LHPN tỉnh cho biết: từ đầu năm 2023 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực vận hành và quản lý tổ truyền thông cho một số huyện có đông đồng bào Khmer. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm truyền tải đến đồng bào Khmer về KHCN hiệu quả.

Tại ấp Phố, xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú, chúng tôi được tiếp cận với mô hình trồng màu tưới phun sương tiết kiệm điện, nước của bà Quách Thị Út. Theo bà Út, gia đình có 1.500m2 đất chuyên canh màu, nhờ được hỗ trợ của Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Trà Vinh (Dự án AMD Trà Vinh), năm 2018 bà được hỗ trợ lắp đặt hệ thống ống tưới nước phun sương. Sau khi mô hình hoạt động hiệu quả, nhiều nông dân Khmer trong ấp áp dụng, ai cũng phấn khởi với mô hình này.

Trên địa bàn tỉnh hiện thực hiện nhiều hình thức truyền thông, chuyển giao KHCN đến đồng bào Khmer: bằng ấn phẩm, các cơ quan truyền thông; hệ thống truyền thanh; hội thảo, hội nghị, tuyên truyền trực tiếp của các ngành đoàn thể... Nội dung thông tin phong phú, cụ thể, nhiều hoạt động gắn với thực tiễn sản xuất, đời sống của đồng báo Khmer; thông tin KHCN đã chuyển tải những sáng tạo KHCN, mô hình kinh tế hộ, các điển hình sản xuất, kỹ thuật nuôi, trồng; nội dung và phương thức truyền thông dựa vào đặc thù sản xuất, đời sống của vùng đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh.

Áp dụng KHCN của nông dân ấp Lạc Hòa, xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang là một điển hình. Chùa Lạc Hòa (chùa Vel Lac), xã Thạnh Hòa Sơn có gần 400 hộ Khmer của 02 ấp Lạc Hòa và Cầu Vĩ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng. Nhờ đó, sư cả Thạch Dệt, Trụ trì chùa Lạc Hòa thông tin, hướng dẫn đến đồng bào Phật tử về ý nghĩa của tiết kiệm điện, phương pháp tiết kiệm điện… nên phong trào này được đồng bào Phật tử 02 ấp nhiệt tình hưởng ứng, hiệu quả.

Hay lĩnh vực tiết kiệm điện trong nuôi tôm, nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận cũng được nhiều nông dân Khmer trên địa bàn tỉnh áp dụng hiệu quả. Ông Thạch Út, ngụ ấp Nô Công, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang đã áp dụng thành công phương pháp cải tiến dàn quạt ô-xy tiết kiệm điện trong quá trình nuôi tôm. Ông Thạch Út có 04 ao, tổng diện tích 8.000m2, ông Út sử dụng 03 ao nuôi, 01 ao lắng; hơn 05 năm qua, với hình thức nuôi “gối đầu”, chưa vụ nuôi nào thất bại, lợi nhuận cao nhất gần 01 tỷ đồng/03 ao/năm.

Theo ông Thạch Út, nhờ tiếp cận với KHCN, từ năm 2020 đến nay, ông không sử dụng gối đỡ chữ U để đỡ trục quay dàn quạt ô-xy trong nuôi tôm. Vì phương pháp này làm tăng ma sát tại các vị trí đỡ, làm động cơ chạy nặng hơn, tốn điện nhiều hơn và mau hỏng trục quay (tuýp sắt). Từ đó, ông cải tiến chuyển đổi từ sử dụng ổ trục ma sát trượt (chữ U) sang ổ trục ma sát lăn (gối đỡ con lăn), nhằm giảm ma sát khi dàn quạt quay, góp phần tiết kiệm điện và tăng tuổi thọ trục quay. Mô hình đã giúp ông Thạch Út tiết kiệm từ 04 - 05 triệu đồng/tháng trong quá trình nuôi.

Tuy đạt nhiều kết quả trong thông tin, phổ biến KHCN đến đồng bào Khmer; tuy nhiên, theo đánh giá từ Sở KHCN, công tác này còn những hạn chế nhất định: đón nhận KHCN của một bộ phận người dân chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống; thói quen và nhu cầu khai thác thông tin về KHCN của đồng bào Khmer còn hạn chế, chủ yếu trực tiếp: nghe, áp dụng; chưa ứng dụng trên diện rộng.

Để công tác thông tin, phổ biến KHCN đến đồng bào Khmer ngày càng hiệu quả, phục vụ đắc lực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tăng cường sự chỉ đạo, trao đổi, phối hợp, giúp đỡ về cơ chế chính sách để thực hiện công tác này. Đồng thời, nâng cao năng lực và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, nắm bắt nhu cầu thông tin; kết hợp, lồng ghép hoạt động thông tin KHCN vào các chương trình, đề tài, dự án của ngành, địa phương.

Đặc biệt, xây dựng mô hình điểm có áp dụng KHCN hiệu quả ở các xã có đông đồng bào Khmer, nhất là lĩnh vực sản xuất để nhân rộng; trên cơ sở bám sát vào các chương trình trọng điểm của tỉnh, tăng cường nội dung cũng như hình thức thông tin KHCN phục vụ các chương trình lớn của tỉnh, nhất là XDNTM, khuyến nông - khuyến ngư, làng nghề truyền thống. Trong đó, chú trọng các đề tài, dự án có tính chất mô hình, tổng kết thực tiễn, nhân rộng. Phổ biến, phát huy các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào Khmer.

Năm 2023, Sở KHCN đang triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh; hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ thiết bị và phát triển KHCN trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 82/2019/NQ-HĐND; triển khai thực hiện đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022 - 2025 kèm theo Quyết định số 2774/QĐ-UBND, ngày 29/11/2021 của UBND tỉnh; tăng cường các hoạt động có yếu tố KHCN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ… Tin rằng, trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất KHCN trong vùng đồng bào Khmer.

Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/doi-song-xa-hoi/thong-tin-pho-bien-khoa-hoc-va-cong-nghe-den-dong-bao-khmer-31101.html