Thông qua Luật Đất đai sửa đổi - đòn bẩy cho sự phát triển | Hà Nội tin mỗi chiều

Thông qua Luật Đất đai sửa đổi - đòn bẩy cho sự phát triển; Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sản phẩm từ tre trị giá trên 300 triệu USD... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Thông qua Luật Đất đai sửa đổi – đòn bẩy cho sự phát triển

Hôm qua, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).

Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người sử dụng đất; các quy định tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp; các quy định nâng cao hiệu quả sử dụng đất; các quy định về tài chính đất đai và các quy định nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về sử dụng đất đai.

Luật Đất đai lần này được đánh giá tương đối toàn diện, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn hiện nay. Điều đáng chú ý nhất là quan điểm về tiếp cận quản lý đất đai đã thay đổi. Không còn các biện pháp hành chính, mà sử dụng quan hệ thị trường để điều tiết, bảo vệ lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Trong đó, tập trung vào năm nhóm vấn đề. Một là các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất như mở rộng quyền sử dụng đất với đối tượng là công dân Việt Nam, kể cả định cư sinh sống ở nước ngoài; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhóm vấn đề thứ hai là việc tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp như quy định thu hồi đất phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này được thiết kế mới, thể chế hóa đầy đủ Điều 54 Hiến pháp, tức là chỉ thu hồi đất trong trường hợp thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, mở rộng các quy định liên quan đến cơ chế thỏa thuận về đất, chuyển mục đích sử dụng đất của những người đang có đất; mở rộng quỹ đất; quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhóm vấn đề thứ ba là nâng cao hiệu quả sử dụng đất như đất sử dụng kết hợp đa mục đích; thu hẹp lại trường hợp phải xin phép khi chuyển mục đích sử dụng đất.

Nhóm vấn đề thứ tư về tài chính đất đai như: tách bạch vấn đề về định giá đất với chính sách hỗ trợ miễn giảm về đất; một số chính sách để ổn định tiền thuê đất như hoạt động đầu vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhóm vấn đề cuối cùng là nâng cao hiệu quả, hiệu lực về quản lý Nhà nước trong đó có nhiều quy định cải cách, cắt giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.

Một điểm đáng chú ý được nhiều người dân quan tâm đó là tại điều 138, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đến trước ngày 1/7/2014. Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18/12/1980, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp cũng sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Ngoài ra, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2014, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là không có tranh chấp thì diện tích được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Với quy định này thì nhiều người dân có hy vọng có được sự chính danh trong quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Trước khi được thông qua, Dự án Luật đất đai sửa đổi đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; được trình Quốc hội tại 4 kỳ họp, 2 Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp chính thức của UBTVQH (trong đó có 1 phiên cho ý kiến về kế hoạch lấy ý kiến nhân dân) và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và trên 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân. Quốc hội xem xét dự thảo Luật tại Kỳ họp bất thường thứ 5 theo quy trình đặc biệt và tất cả ý kiến ĐBQH đã được tiếp thu, giải trình, không còn ĐBQH nào phát biểu thêm. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều. Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, trừ một số điều khoản quy định cụ thể.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu, quan hệ đất đai có tính chất rất đặc biệt, luôn tồn tại lợi ích 3 bên: Nhà nước, người sử dụng đất và người muốn tiếp cận đất đai. Đôi khi lợi ích giữa các bên không đồng nhất, doanh nghiệp thì mong muốn giá thấp, còn người có đất mong giá cao. Do đó, việc giải quyết cân bằng lợi ích các bên là vấn đề khó và cũng rất khó làm cho tất cả các bên hài lòng ở mức cao nhất. Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua giúp việc tiếp cận đất đai rõ ràng hơn khi được điều chỉnh theo hướng công khai, minh bạch. Cơ hội là công bằng và bình đẳng cho tất cả đối tượng. Với nhiều điểm mới và ưu việt hơn, Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2025, được kỳ vọng sẽ là công cụ pháp lý hữu hiệu trong việc khắc phục những tồn tại trong quản lý và sử dụng đất đai hiện nay, góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất.

Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sản phẩm từ tre trị giá trên 300 triệu USD

Cây tre là hình ảnh luôn gắn với quê hương đất nước. Cây tre gắn bó với đời sống của người dân Việt Nam qua nhiều thế hệ. Cây tre không chỉ có giá trị tinh thần mà còn mang lại nhiều giá trị kinh tế. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sản phẩm từ tre khoảng 300 – 400 triệu USD, tuy nhiên phát triển ngành tre vẫn thiếu tiêu chuẩn riêng và hành lang pháp lý. Hiện tổng diện tích tre Việt Nam khoảng 1 triệu 500 ngàn ha, phân bố khắp cả nước, 37/63 tỉnh có diện tích trên 10.000 ha; hàng năm khai thác 500 – 600 triệu cây. Sản phẩm chính gồm nguyên liệu thô/vật liệu xây dựng; chiếu/mành; tre đan; dụng cụ gia đình… Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sản phẩm từ tre khoảng 300 – 400 triệu USD, thị trường xuất khẩu chính là EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc…

Nhân dịp tham dự Hội nghị WEF Davos năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo Công ty staBOO Holdings AG – một công ty chuyên nghiên cứu phát triển và sản xuất các sản phẩm nội thất cao cấp. Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, staBOO Holdings AG và Công ty Cổ phần đầu tư Sao Thái Dương đã trao biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tấm ép ván dăm và ván ép OSB từ tre tại tỉnh Thanh Hóa với tổng đầu tư 3.000 tỷ đồng, có công suất 225.000 m3 sản phẩm/năm; dự kiến sẽ tiêu thụ từ 1.000 - 2.000 tấn tre/ngày và tạo ra hơn 3.000 việc làm. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai bên hợp tác chặt chẽ để triển khai dự án có hiệu quả và thành công tại Việt Nam, góp phần nâng cao giá trị, xuất khẩu sản phẩm tre Việt Nam, nhất là sang các nước Trung Đông.

Với việc ký kết này, chúng ta có quyền kỳ vọng về bước tiến mới nâng cao giá trị thương mại của cây tre Việt Nam. Mặc dù cây tre có nhiều ý nghĩa trong sinh kế gia đình và kinh tế quốc dân như hấp thụ các bon và chống biến đổi khí hậu, sử dụng nguyên liệu “xanh” thay cho gỗ tự nhiên và hợp chất hóa học, phát triển du lịch sinh thái và cảnh quan kiến trúc, lưu giữ và bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, nhưng ngành tre Việt Nam đang đối diện với những khó khăn trong phát triển bền vững. Hiện nay có rất ít nguồn giống tốt và đang có dấu hiệu suy thoái giống. Diện tích tre bị thu hẹp, trình độ canh tác thấp, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; hạ tầng phục vụ sản xuất chưa được đầu tư; công nghệ chế biến lạc hậu so với thế giới; thiếu chính sách hỗ trợ phát triển và sản xuất kinh doanh; vốn đầu tư ban đầu cao, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; sản phẩm lưu thông, tiêu thụ trên thị trường nội địa chủ yếu là sản phẩm thô, tươi; sản phẩm còn chưa đa dạng, chưa quan tâm đến quản lý chất lượng; thiếu sự gắn kết giữa các tác nhân trong chuỗi cả về chiều dọc và chiều ngang; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu tre còn yếu và thiếu thông tin thị trường.

Hiện sản phẩm từ tre Việt Nam xuất khẩu đến gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó năm thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Hà Lan. Tuy nhiên, ứng dụng khoa học công nghệ của các doanh nghiệp chưa được chú trọng. Hiện có khoảng 10 nghìn lao động làm việc tại các doanh nghiệp chế biến tre, khoảng trên 300 nghìn lao động nông thôn tham gia vào hoạt động trồng, khai thác, chế biến tre. Hầu hết lao động chưa qua đào tạo tại các trường. Tiềm năng cho ngành tre Việt Nam là rất lớn nhưng vùng nguyên liệu chưa thực sự tập trung. Bên cạnh đó, hoạt động chế biến ngành hàng tre đang khá manh mún. Số doanh nghiệp lớn chuyên chế biến các sản phẩm từ cây tre chưa nhiều.

Cả nước có 600 làng nghề mây tre đan nhưng đa phần là các hộ cá thể, nhỏ lẻ. Chưa có một tiêu chuẩn và hành hàng pháp lý riêng cho việc trồng, chế biến và sử dụng nguyên liệu tre trong hoạt động kinh tế tại Việt Nam thời điểm hiện tại là một rào cản lớn nhất khiến chuỗi ngành hàng tre chưa thể kết nối và phát huy hết tiềm năng của mình. Quy mô thị trường toàn cầu sẽ đạt xấp xỉ 83 tỷ USD vào năm 2028, tốc độ tăng trưởng thị trường sản phẩm tre hàng năm là 5,7%. Do đó, chúng ta cần đánh giá đúng vai trò, giá trị của cây tre; các doanh nghiệp cần gắn kết với người trồng để đưa các sản phẩm từ cây tre trở thành một ngành mũi nhọn của nông nghiệp Việt Nam./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/thong-qua-luat-dat-dai-sua-doi-don-bay-cho-su-phat-trien-ha-noi-tin-moi-chieu-215060.htm