Thống nhất hay phát triển đa tốc độ?

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 28.8 cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đã sẵn sàng cho việc mở rộng khối liên minh vào năm 2030. Trong bối cảnh đó, một số nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng, tiến trình mở rộng cần phải tiến hành song song với những cải cách, theo đó, EU cần phải phát triển theo hướng 'đa tốc độ'.

Mở rộng là tiến trình tất yếu

Phát biểu tại Diễn đàn Chiến lược Bled ở Slovenia, ông Michel cho rằng mở rộng EU "không còn là một giấc mơ", đồng thời khẳng định "khi chuẩn bị chương trình nghị sự chiến lược tiếp theo của EU, chúng ta phải đặt ra một mục tiêu rõ ràng”. Theo ông Michel, cả EU và các nước có nguyện vọng gia nhập cần phải sẵn sàng để có thể hoàn thành mục tiêu mở rộng vào năm 2030. Ông nhấn mạnh, "đây là một tham vọng cần thiết và điều đó cho thấy các bên đều rất nghiêm túc".

Ảnh: Getty Images

Ảnh: Getty Images

Vị quan chức EU cho biết các nhà lãnh đạo của khối sẽ thảo luận về kế hoạch mở rộng tại cuộc họp tiếp theo của Hội đồng châu Âu vào tháng 10 tới, trong đó sẽ đưa ra lập trường về đề xuất khởi động các cuộc đàm phán với Ukraine và Moldova. Điều này có thể mang lại thông tin hữu ích về việc hội nhập tiến bộ, giúp các nước ứng viên hiểu hơn về lợi ích của việc tham gia vào một số tổ chức và chính sách của EU, trước khi trở thành thành viên đầy đủ của khối.

Trong khi đó, một hội nghị thượng đỉnh EU - các nước Tây Balkan sẽ được triệu tập vào tháng 12 và được kỳ vọng là sự kiện đánh dấu việc trở lại bàn đàm phán về vấn đề kết nạp đối với Bosnia - Herzegovina và Gruzia.

Ông Michel cũng đề nghị các nước có nguyện vọng gia nhập khối cần phải áp dụng các giá trị cơ bản của EU về "quyền và phẩm giá, dân chủ và đoàn kết", cũng như triển khai luật pháp với sự tôn trọng đầy đủ tính chất đa dạng của khối. Và lưu ý rằng "giải quyết xung đột song phương từ quá khứ" là một yêu cầu cần thiết để gia nhập EU bởi vì "không có chỗ cho các xung đột trong quá khứ trong nội bộ EU".

Cả Ukraine và Moldova đều đã được cấp tư cách ứng cử viên EU vào năm 2022 và có nhiều lời kêu gọi EU mở các cuộc đàm phán gia nhập cho hai nước này vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo khối liên minh của 6 nước và vùng lãnh thổ ở Balkan phản đối điều này vì cho rằng tiến trình gia nhập của họ đã được đệ trình từ rất lâu.

Quá trình gia nhập khối liên minh của 6 nước và vùng lãnh thổ ở Balkan, gồm Serbia, Montenegro, Bosnia - Herzegovina, Bắc Macedonia, vùng lãnh thổ Kosovo và Albania, đang ở những giai đoạn khác nhau. Đến nay, EU vẫn chưa đạt được nhất trí chung với mục tiêu hoàn tất việc kết nạp, điều đã được đưa ra từ 18 năm trước.

Mở rộng phải đi cùng với cải cách

Nếu cách đây một thập kỷ, người ta mới chỉ nói đến một châu Âu hai tốc độ, giữa các nước Bắc Âu là các thành viên cũ và các nước Đông Âu mới kết nạp sau đợt mở rộng ồ ạt vào năm 2004. Giờ đây với khả năng mở rộng thành viên vượt qua con số 30, một số nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có Tổng thống Pháp, cho rằng Liên minh lá cờ xanh cần phát triển theo hướng “đa tốc độ”.

Trong bài phát biểu cùng trong ngày 28.8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gợi ý EU cần phải cải cách nếu muốn hội nhập các quốc gia mới và phải xây dựng được sự đồng thuận với hơn 30 nước thành viên. “Sẽ rất rủi ro khi nghĩ rằng chúng ta có thể mở rộng mà không cần cải cách. Với 32 hoặc 35 thành viên, mọi chuyện sẽ không dễ dàng hơn chút nào”, ông nói tại cuộc họp mặt thường niên của các đại sứ Pháp tại Paris. Ông nói: “Chúng ta cần sự táo bạo để chấp nhận sự hội nhập nhiều hơn ở một số khu vực và thậm chí có thể là một châu Âu đa tốc độ”.

Tổng thống Pháp không nói rõ hơn về cách thức hoạt động của “một EU đa tốc độ”, nhưng nói thêm rằng việc cải tổ các thủ tục của EU là cần thiết để khối này phát triển sâu hơn và duy trì “sức hấp dẫn của mình”. Theo một số quan chức Pháp, Chính phủ của Macron đang nghiên cứu một số đề xuất về một châu Âu đa tốc độ, trong đó bao gồm việc thành lập các nhóm quốc gia thành viên không chính thức để hoạt động trong các lĩnh vực chính sách cụ thể. Ông Macron cũng gợi ý rằng ông sẽ trình bày chi tiết suy nghĩ của mình về việc mở rộng và cải cách EU trong những tháng tới và trước cuộc bầu cử EU vào năm tới.

Thống nhất không có nghĩa là giống nhau

Còn nhớ vào năm 2017, trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức khi đó là bà Angela Merkel và những người đồng cấp Tây Ban Nha và Italy tại cung điện Versailles, Tổng thống Pháp khi đó là Francois Hollande từng nói rằng "thống nhất không có nghĩa là giống nhau", còn Thủ tướng Đức Merkel cho rằng "một châu Âu với các tốc độ phát triển khác nhau là điều cần thiết, nếu không chúng ta sẽ chết". Phát biểu trên của hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức ngay từ thời điểm đó đã cho rằng, tương lai của EU sẽ là một "châu Âu đa tốc độ".

Khái niệm về một "châu Âu đa tốc độ" thực ra đã được Willy Brandt, một trong những người tiền nhiệm của bà Merkel, lần đầu tiên nói đến vào năm 1974 - một năm sau khi Anh gia nhập EU. Khi đó, khái niệm "châu Âu đa tốc độ" đã phản ánh thực trạng của EU. Về sau, EU đã từ bỏ khái niệm này và chuyển sang quan điểm cho rằng tất cả các nước trong EU là một khối thống nhất. Đồng euro, khu vực đường biên tự do đi lại, các vấn đề nội vụ, bản quyền và những nguyên tắc tài khóa... với các chính sách này, EU đã hình thành liên minh mềm dẻo giữa các quốc gia theo đuổi hội nhập ở các tốc độ khác nhau.

Giờ đây, đối với một số nước là thành viên sáng lập EU, ý tưởng về "đa tốc độ" được coi là phản ánh một thực tế, đưa ra cơ sở pháp lý cho những nước muốn hội nhập nhanh hơn. Tuy nhiên, với những thành viên phía Đông và Nam gia nhập EU sau này, đây là một mối đe dọa, những nước lo ngại họ sẽ bị đẩy lại phía cuối con tàu châu Âu. Những nước này cho rằng "đây là một điều rất nguy hiểm" vì việc đề cao một EU "đa tốc độ" sẽ làm chấm dứt bản sắc của một liên minh, mở đường cho việc ra đời những đẳng cấp khác nhau của các nước thành viên, nới rộng khoảng cách giữa Đông và Tây đối với các vấn đề như nhập cư, tiền tệ và quy định luật pháp.

Cho đến nay, ý tưởng về một châu Âu "đa tốc độ” từ lâu đã gây nhiều tranh cãi bởi nó ám chỉ đẳng cấp khác nhau của các thành viên trong EU - một khối thống nhất và luôn cho rằng các thành viên bình đẳng với nhau. Do vậy, giới phân tích cảnh báo việc thúc đẩy ý tưởng châu Âu "đa tốc độ” cần phải được tiến hành cẩn trọng, nếu không sẽ làm mất đi bản sắc thống nhất và bình đẳng mà EU vẫn đề cao.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/thong-nhat-hay-phat-trien-da-toc-do-i341528/