Thông điệp tích cực từ 'Những vết thương lành'

Sau thời gian phát hành độc quyền trên nền tảng Netflix khu vực Đông Nam Á, phim tài liệu âm nhạc 'Những vết thương lành' của đạo diễn Lan Nguyên nhận được phản hồi tích cực từ khán giả, nhất là người trẻ

Trước đó, "Màu cỏ úa" nói về nhạc sĩ Trần Tiến của đạo diễn Lan Nguyên cũng cho thấy thể loại phim tài liệu âm nhạc đang nhận được những tín hiệu tích cực, sự đón nhận nhiệt tình của khán giả trẻ.

Nhóm lên ngọn lửa lạc quan

Phim tài liệu "Những vết thương lành" lấy cảm hứng từ câu chuyện âm nhạc được kể trong đêm nhạc "Storii concert 01 - Những vết thương lành" của ca sĩ Hà Anh Tuấn, diễn ra vào tháng 8-2022. Phim khắc họa câu chuyện về bối cảnh sống, ngành nghề, độ tuổi của 4 nhân vật, gồm: nhà hoạt động xã hội Nguyễn Thị Vân, nhạc sĩ Ngọc Lễ, nhà bảo tồn Nguyễn Văn Thái, đạo diễn - bác sĩ - cựu phóng viên chiến trường Nguyễn Thị Xuân Phượng.

Âm nhạc và chủ đề "Những vết thương lành" trở thành sợi dây kết nối 4 người với nhau, kết nối cả với người xem, từ đó nhóm lên ngọn lửa ấm áp của niềm tin, của sự lạc quan, nghị lực sống. Ca sĩ Hà Anh Tuấn trở thành người kể chuyện, kết nối khán giả và 4 nhân vật thông qua các ca khúc.

Đạo diễn Lan Nguyên cho biết "Những vết thương lành" đến với cô khi bắt đầu đồng hành với Storii concert và nghe ca sĩ Hà Anh Tuấn chia sẻ việc ấp ủ thực hiện 3 đêm nhạc để nhìn lại, để biết ơn "những vết thương" mà mỗi người đã trải qua, nhất là trong bối cảnh hậu COVID-19 với nhiều mất mát, thương tổn.

Từ trái qua, trên xuống: Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Thị Vân, nhà bảo tồn Nguyễn Văn Thái, đạo diễn - bác sĩ - cựu phóng viên chiến trường Nguyễn Thị Xuân Phượng và nhạc sĩ Ngọc Lễ trong phim “Những vết thương lành”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

"Tôi đã vô cùng thấm thía và muốn làm điều gì đó khi nghe Hà Anh Tuấn trải lòng, rằng: "Khi ngắm nhìn những vết thương cũng chính là lúc đã qua đỉnh của cơn đau". Và, "điều gì đó" hiển hiện rõ hơn khi tôi nghe câu hát của nhạc sĩ Việt Anh: Đôi khi nghe rạn vỡ trong biển khơi/ Một mình một sớm ban mai" - Lan Nguyên nhớ lại.

Khi chiếu trên Netflix, "Những vết thương lành" nhận được nhiều bình luận tích cực của khán giả từ những ý kiến mang đầy sự lạc quan, yêu đời chứ không phải là những lời than vãn, tâm sự về các mất mát, thương tổn đã trải qua. Họ viết: "Phim thật sự đẹp về hình ảnh, màu sắc, nội dung… Những vết thương, những nỗi đau, giấc mơ cũng thật đẹp. Tôi đã thổn thức từ những cảnh đầu tiên và rưng rưng mãi"; "Một bộ phim rất ý nghĩa"; "Trong phim gồm 3 chương này, tôi đã được gặp gỡ nhân vật mình ngưỡng mộ là cô Xuân Phượng. Tôi cảm ơn nhà làm phim vì đã biến giấc mơ của mình thành hiện thực. Phim đã giữ lại bằng hình ảnh, lời kể, câu chuyện về một người tài hoa, một nhân vật của lịch sử đáng trân trọng và ngưỡng mộ"…

Tĩnh lặng và cuốn hút

Đạo diễn Lan Nguyên cho biết cô rất hạnh phúc khi nhận được phản hồi tích cực từ khán giả dành cho đứa con tinh thần của mình. Đó là thành quả sau những nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của cô.

Trong số những khán giả đã xem "Những vết thương lành" có không ít người trẻ - đối tượng mà Lan Nguyên muốn hướng đến bởi dễ bị tổn thương. Những cảm hứng lạc quan, tích cực từ "Những vết thương lành" được cô kỳ vọng lan tỏa, góp phần giúp nhiều khán giả thoát được cảm xúc tiêu cực, hướng đến cuộc sống an yên hơn.

Cây bút phê bình phim Lucas Luân Nguyễn nhận định "Những vết thương lành" rất tĩnh, tĩnh lặng một cách kỳ lạ mà cuốn hút. Trong câu chuyện âm nhạc ấy, Hà Anh Tuấn trở thành người quan sát, tôn câu chuyện của các nhân vật lên. Phim mang đậm dấu ấn của tác giả, có màu sắc của một người tinh tế và quan sát giỏi.

Ban đầu, khi thực hiện "Những vết thương lành", Lan Nguyên cùng với ê-kíp không nghĩ đến việc sẽ chiếu trên Netflix. Về sau, cô được biết tác phẩm sẽ phát hành độc quyền trên nền tảng thu phí này để đưa thông điệp tích cực lan truyền nhiều nhất có thể.

Theo Lan Nguyên, phim tài liệu là một thể loại đặc biệt mà nếu không có sự đồng cảm, yêu mến nhân vật hay câu chuyện thì rất khó để theo đuổi đến cùng vì đôi khi, trong vô vàn thước phim quay được, đạo diễn chẳng tìm thấy lối ra. Cô cho rằng phim tài liệu âm nhạc là lĩnh vực cần được quan tâm và tăng cường đầu tư bởi rất tiềm năng.

Trước đó, Việt Nam từng có các phim tài liệu âm nhạc như: "Sơn Tùng M-TP: Sky Tour Movie", "Let's talk about love - Rồi một ngày Hà nói về tình yêu", "Những Bức Tường", "Tri âm The Movie: Người giữ thời gian", "Show của Đen"… Theo những người trong cuộc, các tác phẩm này giúp nối dài đêm nhạc với người xem, tăng sự kết nối giữa nghệ sĩ và khán giả của mình.

Phim tài liệu âm nhạc còn giúp ca sĩ có thêm nguồn thu, tăng độ quảng bá - thậm chí vượt biên giới. Khán giả nào không có cơ hội tham dự trực tiếp hoặc muốn tận hưởng lại không khí đêm diễn cùng bạn bè thì vẫn có thể tìm thấy cảm giác đó ở rạp hoặc trên nền tảng thu phí, kênh truyền hình thu phí khi xem phim tài liệu âm nhạc.

Giới chuyên môn nhìn nhận phim tài liệu âm nhạc góp phần tăng thêm sự đa dạng cho phim tài liệu nói riêng và cho phim Việt nói chung. Những tác phẩm được thực hiện theo hướng sáng tạo, đậm màu sắc riêng như "Những vết thương lành" còn giúp tăng độ thu hút khán giả theo hướng tích cực. Có thể nói phim tài liệu âm nhạc Việt vẫn đang là mảnh đất màu mỡ, cần được các nhà làm phim quan tâm, khai thác.

MINH KHUÊ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thong-diep-tich-cuc-tu-nhung-vet-thuong-lanh-196240125211628019.htm