Thông điệp của kho Tomahawk giữa chiến sự Gaza

Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ cho biết, một tàu ngầm năng lượng hạt nhân mang tên lửa dẫn đường lớp Ohio đã đến Trung Đông hôm 5/11.

Tàu ngầm Ohio mang tên lửa dẫn đường Tomahawk của Mỹ.

Tàu ngầm Ohio mang tên lửa dẫn đường Tomahawk của Mỹ.

Sứ giả chiến tranh xuất hiện

Tàu ngầm tên lửa dẫn đường (SSGN) lớp Ohio được Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ mô tả đang tiến vào Kênh đào Suez ở phía đông bắc Cairo – là một trong bốn tàu ngầm cùng lớp của Mỹ được chuyển đổi để bắn tên lửa hành trình Tomahawk thay vì tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân.

Theo báo chí Mỹ, mỗi tàu ngầm SSGN có thể mang theo 154 tên lửa hành trình Tomahawk thường được gọi là 'sứ giả chiến tranh'. Con số này nhiều hơn 50% so với một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ và gần gấp 4 lần số lượng mà các tàu ngầm tấn công mới nhất của Hải quân Mỹ được trang bị.

Tên lửa hành trình Tomahawk có thể tấn công mục tiêu chính xác từ khoảng cách gần 2.000km và đã được Mỹ và các đồng minh sử dụng trong chiến đấu hơn 2.300 lần. Gần đây nhất, tàu chiến và tàu ngầm của Hải quân Mỹ đã bắn 66 tên lửa Tomahawk vào các cơ sở của chính phủ Syria hồi năm 2018.

Theo báo chí Mỹ, chiếc tàu ngầm được trang bị vũ khí hạng nặng này gửi "thông điệp răn đe" tới "các đối thủ trong khu vực" của Israel, khi chính quyền Mỹ "cố gắng tránh một cuộc xung đột rộng hơn trong bối cảnh cuộc xung đột Israel-Hamas đang diễn ra".

Theo Viện nghiên cứu chính sách Quincy có trụ sở tại Washington, việc triển khai tàu ngầm đang gây ra nhiều lo ngại. Mấu chốt của vấn đề là Mỹ đã tích lũy được một lực lượng quân sự khổng lồ ở Trung Đông trong bối cảnh cuộc chiến tranh Gaza đang diễn ra.

Một số tướng lĩnh hàng đầu của Mỹ từng nhiều lần đề cập đến: Hai nhóm tác chiến tàu sân bay, mỗi nhóm có khoảng 7.500 nhân viên. Hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường. Chín phi đội không quân (được triển khai ở khu vực Đông Địa Trung Hải và Biển Đỏ).

Cùng với đó còn có 4.000 quân mới được điều động đến khu vực, với 2.000 quân khác ở chế độ chờ. Ngoài ra còn có khoảng 30.000 quân đã đóng quân ở các căn cứ của Mỹ trong khu vực.

Theo Christopher P. Maier, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ, những con số này không bao gồm "vài chục" biệt kích được triển khai tới Israel nhằm "tích cực giúp đỡ người Israel thực hiện một số việc".

Trên hết, có các cố vấn quân sự hàng đầu của Mỹ có mặt tại Israel để vạch ra các chiến lược nhằm đánh bại Hamas cùng với Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).

Jon Hoffman, nhà phân tích chính sách về chính sách quốc phòng và đối ngoại tại Viện Cato, viết cho RT hôm 6/11: "Mỹ đang tiến tới một cuộc chiến khác ở Trung Đông. Xung đột giữa Israel và Hamas đang leo thang nhanh chóng trên toàn khu vực và có nguy cơ kéo Mỹ trực tiếp vào cuộc xung đột".

Nguy cơ Mỹ bị kéo trở lại chảo lửa Trung Đông

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vừa tuyên bố Mỹ sẵn sàng có hành động nếu chiến sự Israel - Hamas leo thang thành xung đột lớn hơn và các thế lực trong khu vực "vượt lằn ranh đỏ" bằng cách nhắm mục tiêu vào công dân hay binh sĩ Mỹ.

"Nếu bất cứ tổ chức hay quốc gia nào tìm cách mở rộng cuộc xung đột và lợi dụng tình hình này, thì lời khuyên của chúng tôi là đừng làm như vậy", Bộ trưởng Quốc phòng Austin nói. "Chúng tôi duy trì quyền tự vệ và sẽ không ngần ngại có những hành động thích hợp".

Giới quan sát cho rằng những tuyên bố cùng động thái điều động vũ khí của Mỹ cho thấy kịch bản Washington có thể bị kéo trở lại "lò lửa" xung đột ở Trung Đông khi chiến sự giữa Israel và Hamas tăng nhiệt, buộc Mỹ phải tăng ủng hộ với đồng minh thân cận, trong khi các quốc gia hậu thuẫn Hamas cũng sẽ hành động quyết liệt hơn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/10 tới thăm Israel và cam kết viện trợ thêm hàng tỷ USD cho Tel Aviv. Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Austin trước đó cũng đã đến quốc gia này nhằm thảo luận biện pháp hỗ trợ Israel trong xung đột.

Việc Mỹ ủng hộ Israel được cho là yếu tố rất cần thiết để củng cố quan hệ giữa hai đồng minh thân cận. Nhưng điều đó cũng khiến Washington trở thành mục tiêu nhắm đến của các lực lượng thân Hamas ở Trung Đông, khu vực mà Mỹ đã tìm cách rút ra từ vài năm trước, sau thời gian dài sa lầy trong những cuộc xung đột "vô tận".

Các căn cứ Mỹ tại Iraq và Syria tuần trước liên tiếp hứng chịu nhiều vụ tấn công bằng rocket và máy bay không người lái (UAV) tự sát, gây hư hại khí tài và làm một số lính Mỹ bị thương.

Phong trào Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq, một nhóm vũ trang được cho là do Iran hậu thuẫn, ngày 23/10 đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công bằng UAV vào căn cứ al-Tanf của Mỹ ở biên giới Iraq. Căn cứ này nằm ở khu vực rất nhạy cảm, nơi các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn thường chuyển vũ khí cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon.

Iran từng nhiều lần lên tiếng ủng hộ Hamas và đã công khai đe dọa sẽ mở "mặt trận mới" nhằm vào Israel nếu nước này phát động chiến dịch tấn công trên bộ vào Dải Gaza.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng là bên huấn luyện và cung cấp vũ khí cho nhiều phe phái đối địch với Mỹ trong khu vực, trong đó có nhóm Houthi ở Yemen, Hezbollah ở Lebanon, Hamas và nhóm Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ) ở Dải Gaza.

Việc Tehran là một cường quốc ở Trung Đông cũng mang lại yếu tố "địa lợi" cho nước này trong trường hợp xảy ra xung đột quy mô lớn ở khu vực.

Ben Wedeman, nhà phân tích kỳ cựu của CNN cho biết: "Mỹ có thể phải tốn hàng nghìn USD để đưa một binh sĩ từ quê nhà đến Trung Đông, trong khi lính IRGC chỉ cần bắt xe buýt là có thể tới được Baghdad, Damascus hay Beirut".

Theo ông, việc sở hữu sức mạnh quân sự vượt trội không đồng nghĩa Mỹ có thể chiến thắng dễ dàng đối thủ, điều đã được chứng minh trong cuộc chiến ở Afghanistan. Mỹ đã không thể đánh bại được Taliban trong 20 năm tham chiến, cuối cùng phải rút quân khi lực lượng này tiến vào Kabul và lên nắm quyền.

Mat Burrows, chuyên gia tại viện nghiên cứu Trung tâm Stimson, trụ sở ở Washington cũng cho biết: "Mỹ có thể can thiệp quân sự nếu Israel gặp nguy hiểm rõ ràng, như bị Hezbollah tấn công từ phía bắc trong lúc tiến hành chiến dịch ở Dải Gaza".

Việc lực lượng và công dân Mỹ ở Trung Đông bị tấn công cũng là một "lằn ranh đỏ" nữa mà nước này không cho phép các đối thủ vượt ta. Trong trường hợp đó, Mỹ không có nhiều lựa chọn ngoài triển khai bộ binh và oanh tạc cơ tập kích các cứ điểm của Hezbollah ở Lebanon hoặc cắt đứt nguồn cung vũ khí từ Iran để thể hiện cam kết bảo vệ đồng minh Israel cũng như công dân của mình.

"Mọi thứ đã sẵn sàng để cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Israel và Palestine bùng nổ thành một thảm họa khu vực, và Mỹ có thể bị cuốn vào vòng xoáy của thảm họa đó", vị chuyên gia này cho biết thêm.

Kiên Bùi

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thong-diep-cua-kho-tomahawk-giua-chien-su-gaza-post660143.html