Thông 'điểm nghẽn' để tín dụng chảy vào khu vực kinh tế HTX

Trong khoảng gần 14 triệu tỷ đồng cho vay nền kinh tế chỉ có khoảng hơn 6.000 tỷ đồng cho vay HTX, là một con số rất thấp. Thậm chí, đến nay chưa có HTX nào có dư nợ trong lĩnh vực liên kết. Trong khi đó, tín dụng đối với các lĩnh vực khác tăng rất nhanh.

Tại Diễn đàn HTX Quốc gia năm 2024 do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức ngày 11/4, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: “NHNN rất quan tâm đến tín dụng cho HTX. Ngành ngân hàng cũng đã trực tiếp nghiên cứu tại một số HTX, thậm chí tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị bàn và tìm nguyên nhân vì sao tín dụng cho khu vực HTX không tăng trong khi các lĩnh vực khác tăng rất nhanh”.

Tín dụng cho HTX chỉ chiếm 0,04% tổng dư nợ

Theo đánh giá của NHNN, thời gian qua, mặc dù Chính phủ cũng như ngành ngân hàng có nhiều chính sách, cơ chế cho vay ưu đãi đối với khu vực kinh tế tập thể (KTTT), nhưng tăng trưởng tín dụng tại khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhìn nhận, HTX mà không có vốn thì rất khó để sản xuất kinh doanh, kể cả doanh nghiệp cũng rất cần vốn. “Vai trò bà đỡ của ngân hàng trong việc cung cấp vốn là rất quan trọng. Tuy nhiên, tại sao thời gian gần đây, vốn tín dụng cho HTX vẫn thấp?”, ông Tú nêu vấn đề.

Đến cuối tháng 2/2024, tín dụng cho vay HTX chỉ đạt 6.024 tỷ đồng, giảm 1,69% so với cuối năm 2023.

Thực tế thời gian qua, nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi cho khu vực KTTT đã được ban hành như: Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn quy định: Mức cho vay không có tài sản bảo đảm (TSBĐ) đối với HTX, liên hiệp HTX từ 1- 3 tỷ đồng; cá nhân, hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là thành viên HTX được vay không TSBĐ từ 100 - 500 triệu đồng tùy mục đích sản xuất kinh doanh.

Việc vay vốn có thế chấp hay không cũng phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại có thể cho vay nhiều hơn không cần TSBĐ.

“Chính sách riêng của Nhà nước đã quy định rất cụ thể cho các đối tượng. Tuy nhiên, chúng ta đã thực hiện đúng chưa là vấn đề”, ông Tú nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Thống đốc khẳng định, HTX vẫn là đối tượng ưu tiên. Nếu HTX sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ưu tiên sẽ được vay vốn rất thấp, lãi suất cho vay hiện nay không quá 4%/năm.

Chia sẻ thực trạng vay vốn tại ngân hàng, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc HTX Đầu tư Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì cho biết: “Thiếu vốn đầu tư vào công nghệ, đây là vấn đề nan giải cho HTX trong nhiều năm nay. Việc huy động vốn của HTX hiện nay chủ yếu là vốn góp từ các cá nhân và tổ chức, nhưng lại chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất”.

Theo Giám đốc HTX Đầu tư Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì, hiện nay, các HTX chủ yếu tiếp cận vốn từ quỹ của Liên minh HTX địa phương và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.

Như tại HTX Đầu tư Nông trại xanh và Phát triển bò Ba Vì, nguồn vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh chủ yếu do các thành viên góp vốn và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX TP Hà Nội, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam hỗ trợ cho vay.

Số liệu từ NHNN cho thấy, hiện nay, cả nước có hơn 30.000 HTX, nhưng chỉ có 1.200 HTX có quan hệ tín dụng, chiếm 0,04% tổng dư nợ cả nước, giảm 1,69% so với cuối năm 2023. Như vậy, trong khoảng gần 14 triệu tỷ đồng cho vay nền kinh tế chỉ có khoảng hơn 6.000 tỷ đồng cho vay HTX.

Theo nhìn nhận của Phó Thống đốc, đây là con số rất thấp. Ví dụ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt 2.240 nghìn tỷ; cho vay riêng hộ nông dân, kinh tế tư nhân của cả nước lên đến 6 triệu tỷ đồng, chiếm đến 48% tổng dư nợ.

Đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với HTX, Liên hiệp HTX đạt 6.024 tỷ đồng cho 1.200 HTX, Liên hiệp HTX có dư nợ, giảm 1,69% so với cuối năm 2023.

Đối với cho vay không TSBĐ ở lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, hoặc lĩnh vực kinh tế tư nhân chiếm đến 647 nghìn tỷ đồng, riêng cho vay HTX chỉ có 147 tỷ đồng. Thậm chí, đại diện NHNN còn cho biết, cho vay liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm 10.012 tỷ đồng, nhưng chưa có HTX nào có dư nợ.

“Vì sao HTX lại không vay được vốn ngân hàng, cần phải có lý giải cho việc này”, ông Tú nói.

Hướng dòng tín dụng tập trung vốn cho HTX

Nhìn nhận thực trạng trong quá trình hoạt động của HTX, Giám đốc HTX Đầu tư Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì Tạ Việt Hùng cũng thừa nhận, hiện nay, HTX đang gặp một số khó khăn đó là quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, sức cạnh tranh thị trường yếu, việc tham gia chuỗi giá trị khó khăn.

Đặc biệt, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng gặp nhiều khó khăn do nhiều HTX không đáp ứng được điều kiện của ngân hàng.

Ngoài nguyên nhân trên, trong quá trình tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX cũng chỉ ra những tồn tại của HTX như: Quy mô sản xuất kinh doanh, phạm vi hoạt động hẹp; năng lực cạnh tranh còn yếu; minh bạch tài chính, kế toán, dòng tiền; Vấn đề thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong hoạt động của HTX.

Trong khi theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, ngân hàng phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh khả năng tài chính, phương án sử dụng vốn khả thi, mục đích sử dụng vốn vay trước khi quyết định cấp tín dụng cho khách hàng. Theo đó, việc các HTX phải đáp ứng các yêu cầu về hồ sơ, thủ tục vay vốn là cần thiết để đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hoạt động, hạn chế nợ xấu phát sinh cho các ngân hàng.

Để khắc phục khó khăn cho ngân hàng trong hỗ trợ, cho vay đối với HTX trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng cần phải khắc phục từ hai phía là cơ quan nhà nước và HTX.

Theo đó, cơ quan nhà nước cần sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật HTX 2023, trên cơ sở đó triển khai đồng bộ 8 chính sách, tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển HTX.

Thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành giảm lãi suất, triển khai cơ chế tháo gỡ khó khăn giãn, hoãn nợ cho khách hàng vay. Điều hành tín dụng tập trung vốn cho HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; Chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu phát triển các sản phẩm tín dụng cho các mô hình HTX kiểu mới làm ăn có hiệu quả, đặc biệt những HTX phát triển các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, có giá trị; Đơn giản, cởi mở quy trình thủ tục cho vay.

“Thời gian tới, NHNN sẽ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó sẽ xem xét, cân nhắc mức cho vay không có TSBĐ phù hợp với thực tế”, ông Tú nói.

Về phía HTX, ông Tú đề nghị, các HTX cần đảm bảo đủ các điều kiện, yêu cầu của một tổ chức HTX (về nguồn vốn, tài sản, nguồn nhân lực, phương án sản xuất kinh doanh, chuyển đổi, ứng dụng công nghệ...).

Ngoài ra, cần có tổ chức bảo lãnh vay vốn cho các HTX để tăng tiếp cận vốn cho HTX. “NHNN đã ban hành khá đầy đủ các quy định, cơ chế nghiệp vụ bảo lãnh của các tổ chức tín dụng. Theo đó, các TCTD sẵn sàng cho vay HTX khi có bảo lãnh của bên thứ ba khi đáp ứng được các nguyên tắc về tín dụng”, ông Tú khẳng định.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/thong-diem-nghen-de-tin-dung-chay-vao-khu-vuc-kinh-te-htx-1099243.html