Thời tiết rét đậm, rét hại, tuyệt đối không sưởi ấm bằng bếp than, củi

Thời tiết ở các tỉnh miền Bắc đang chìm trong giá lạnh, rét đậm, rét hại, nhu cầu sưởi ấm của người dân tăng cao, nhất là người già, trẻ em và phụ nữ mới sinh. Thực tế, nhiều gia đình vẫn có thói quen sưởi ấm bằng bếp than, củi trong nhà.

Đây cũng là nguyên nhân gây ra các vụ cháy, nổ, ngạt khí thời gian qua, dù đã được các chuyên gia cảnh báo nhưng năm nào cũng xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Đáng nói, thực tế đã có nhiều ca nguy kịch, tử vong do ngộ độc khí CO.

Tử vong vì đốt than sưởi ấm trong nhà

Mới đây, tại xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra vụ việc đốt than sưởi ấm trong nhà khiến 2 vợ chồng tử vong. Trước đó, khoảng 6 giờ 30 phút ngày 1/1/2024, người thân đến nhà vợ chồng ông H.V.Q. (sinh năm 1967) và bà L.T.N. (sinh năm 1971), cùng trú tại thôn Hữu Khánh, xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hòa, tỉnh Thanh Hóa gọi cửa nhưng không thấy ai trả lời.

Trong khi đó, các cửa ngôi nhà vẫn đóng kín bên trong, nghi ngờ có sự việc bất thường, người dân xung quanh đã tìm cách mở cửa thì phát hiện ông Q. và bà N. đã tử vong trên giường ngủ, bên cạnh giường có một chậu than củi đã tàn. Nguyên nhân được xác định do hai vợ chồng đốt than sưởi ấm trong phòng kín, gây ngạt khí dẫn đến tử vong.

Một trường hợp bị ngộ độc khí CO do đốt than sưởi ấm trong phòng kín.

Một trường hợp bị ngộ độc khí CO do đốt than sưởi ấm trong phòng kín.

Tương tự, hồi cuối tháng 12/2023, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nam bệnh nhân (31 tuổi) người dân tộc H mông, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La chuyển đến trong tình trạng hôn mê, suy thận, tổn thương cơ, được chẩn đoán ngộ độc khí CO, tổn thương não.

Thông tin từ người nhà bệnh nhân cho biết, do thời tiết giá lạnh, bệnh nhân có đốt than hoa trong phòng kín để sưởi ấm rồi đi ngủ. Đến khoảng 4 giờ sáng, người nhà nghe thấy có tiếng động trong phòng nên vào kiểm tra thì phát hiện bệnh nhân đã bất tỉnh, nên vội đưa đến bệnh viện.

Theo TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, khi đốt các nhiên liệu chứa các bon như củi, than củi, than tổ ong, xăng dầu,… ở trong không gian mở thoáng thì nhiên liệu cháy hết và cơ bản tạo ra khí CO2 (các bon đi oxít) ít ảnh hưởng sức khỏe.

Nhưng nếu đốt trong khu vực kín cửa, nhiên liệu cháy dở dang sinh ra khí CO (các bon mô nô xít) lại là khí rất độc. Khí CO không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ, mọi người sẽ dần lịm đi mà không biết gì.

Mặc dù tình trạng bệnh nhân đã có ý thức tỉnh hơn, tuy nhiên đây là trường hợp rất nặng, có dấu hiệu tổn thương não hai bên rất rõ ràng, có tổn thương cơ, có suy thận…. Nguy cơ rất cao bệnh nhân sẽ có các biến chứng về tâm thần, thần kinh lâu dài, ví dụ mất trí nhớ, rối loạn tâm thần, run tay chân, co cứng cơ, liệt,….

Trước đó, Trung tâm Chống độc cũng đã áp dụng các biện pháp điều trị tích cực để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra cho bệnh nhân.

TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chỉ rõ tổn thương trên não bệnh nhân bị ngộ độc khí CO.

TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chỉ rõ tổn thương trên não bệnh nhân bị ngộ độc khí CO.

Theo những số liệu nghiên cứu khoa học cho thấy, kể cả những trường hợp nhẹ nhất trong những trường hợp người bị ngộ độc khí CO, có tới khoảng gần 50% sẽ gặp những biến chứng về sức khỏe tâm thần, thần kinh, tổn thương não sau này. Nhẹ nhất có thể là suy giảm trí nhớ các mức độ khác nhau, thậm chí có thể là hôn mê, hoặc mất trí nhớ hoàn toàn.

Do đó, TS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, người dân tuyệt đối không đốt các loại nhiên liệu như than tổ ong, củi, than hoa, khí gas,… để trong không gian kín. Nếu bắt buộc phải sử dụng thì không được sử dụng trong phòng kín, nên để mở cửa thoáng để có lưu thông khí đầy đủ. Tốt nhất là chọn phương pháp khác để sưởi ấm.

Phòng ngừa nguy cơ nhiễm độc khí CO

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học, trường Đai học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội) cho biết, trước đây ông bà thường đốt than tổ ong, củi để sưởi ấm trong không gian thoáng hơn như nhà trần lợp mái, đốt ngoài trời.

Hiện, nhà cửa đều xây dựng kiên cố, chưa kể mùa đông, các gia đình đều đóng chặt kín cửa, khiến oxy trong không khí hết rất nhanh. Lúc này, đốt than, củi trong không gian kín càng làm tiêu hao oxy, đồng thời sản sinh ra hai khí cực độc là CO2 và CO.

Trong đó, khí CO2 khiến người bệnh nhanh chóng đi vào hôn mê, lịm dần và tử vong. Thời gian gây ngộ độc rất nhanh, “chỉ sau vài phút, bệnh nhân bị ngạt thở, lịm dần rồi hôn mê mà không hay biết, không còn khả năng kháng cự”.

Đồng quan điểm, bác sĩ Lê Hoàn - khoa Nội tiết Hô Hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, khả năng kết hợp của khí CO với hemoglobin - một thành phần của hồng cầu giúp vận chuyển oxy từ phổi đến các tế bào rất lớn, khoảng 200 lần.

Trong không gian kín, CO sẽ tranh chấp hết các hemoglobin, khiến cơ thể không còn hemoglobin để vận chuyển oxy dẫn đến thiếu hụt oxy để thở. Tùy thuộc vào mức độ và thời gian tiếp xúc, nạn nhân bị ngộ độc CO có thể bị tổn thương hô hấp hoặc hệ thần kinh và tử vong nếu không được phát hiện.

“Sưởi ấm bằng than còn nguy hiểm hơn với người già và trẻ nhỏ, những người hệ hô hấp yếu, sức đề kháng kém. Đặt than trong nhà, phòng để sưởi cũng có thể gây hỏa hoạn, bỏng do cháy quần áo, chăn đệm” - bác sĩ Lê Hoàn cảnh báo.

Người dân tuyệt đối không đốt than củi sưởi ấm trong phòng kín.

Người dân tuyệt đối không đốt than củi sưởi ấm trong phòng kín.

Qua đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không đốt than củi sưởi ấm trong phòng kín. Hầu hết trường hợp ngạt khí khi ngủ không thể kêu cứu, nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời.

Trường hợp thường xuyên phải dùng bếp than để đun nấu, nên đặt bếp ở nơi thông thoáng. Không đặt lò than trong phòng ngủ, nơi kín gió; không đốt qua đêm. Gia đình có thể dùng đèn sưởi, điều hòa hai chiều để tăng nhiệt độ trong phòng nhưng tránh có gió lùa.

Khi phát hiện bệnh nhân bị ngộ độc khí nói chung và khí CO nói riêng, nguyên tắc đầu tiên là đưa bệnh nhân ra khỏi vùng thông khí, thoáng để cơ thể tự đào thải dần lượng khí CO trong cơ thể. Nếu bệnh nhân có nôn ói phải móc sạch chất nôn vùng hầu họng, để tạo đường thông khí tốt nhất, cho bệnh nhân nằm gối đầu cao.

Nếu bệnh nhân suy hô hấp, phải biết cách hô hấp nhân tạo trên đường đi cấp cứu, tăng cơ hội cho bệnh nhân điều trị.

Bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế để thở oxy. Trường hợp ngộ độc nặng, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thở oxy liều cao, buồng oxy áp lực sẽ hữu hiệu cho cấp cứu bệnh nhân.

Vào mùa lạnh, người dân có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp như: Cảm lạnh, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cúm, đột quỵ, ngộ độc khí than do sưởi ấm.

Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm độc khí CO (Carbon Monoxide), Cục Môi trường y tế, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín.

Nếu thời tiết quá lạnh buộc phải sử dụng than thì chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, cần mở hé cửa để đảm bảo thông khí và chỉ sưởi ấm khi còn thức; không dùng sưởi qua đêm và đóng kín cửa phòng.

Người dân không nên để các loại máy sưởi bức xạ hồng ngoại (quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi…) gần trẻ nhỏ, người già vì tia hồng ngoại mang nhiệt tác động trực tiếp lên bề mặt da, vừa gây khô da, khô mũi, nguy cơ bỏng và cháy cao. Khoảng cách tốt nhất khi đặt các máy sưởi này khoảng 1-2m và nên để chế độ quay với mục đích làm ấm phòng là chính, không nên chiếu sưởi trực tiếp vào người; khi sử dụng chăn điện phải kiểm tra kỹ trước khi sử dụng đề phòng hư hỏng, đảm bảo cách điện và cách nhiệt của dây.

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thoi-tiet-ret-dam-ret-hai-tuyet-doi-khong-suoi-am-bang-bep-than-cui.html