Thói quen đọc từ nhỏ giúp nâng cao khả năng tư duy

Theo các nhà nghiên cứu người Anh và Trung Quốc, thói quen đọc sách được hình thành từ nhỏ giúp nâng cao khả năng tư duy và sức khỏe tâm thần ở tuổi trưởng thành.

 Đọc sách 12 giờ/tuần là thời lượng đọc tối ưu với lứa độc giả nhí. Ảnh: Thuận Thắng.

Đọc sách 12 giờ/tuần là thời lượng đọc tối ưu với lứa độc giả nhí. Ảnh: Thuận Thắng.

Theo một nghiên cứu mới được đăng trên tờ Psychological Medicine, các nhà nghiên cứu người Anh và Trung Quốc đã kết luận rằng đọc sách 12 giờ/tuần là thời lượng đọc tối ưu với lứa độc giả nhí và rằng điều này giúp cải thiện cấu trúc não bộ.

Không như nghe và nói, đọc là một kỹ năng cần nhiều thời gian hơn để phát triển và cần được dạy, được tiếp thu và duy trì thông qua quá trình học tập.

Thời thơ ấu và độ tuổi thanh thiếu niên là thời điểm quan trọng cho não bộ phát triển. Để xác định rõ tác động của việc khuyến khích trẻ đọc sách từ nhỏ đến sự phát triển trí não, nhận thức và sức khỏe tâm thần sau này của trẻ, các nhà nghiên cứu từ Đại học Cambridge và Warwick ở Anh và Đại học Fudan ở Trung Quốc đã xem xét dữ liệu do đoàn hệ Phát triển nhận thức và trí tuệ vị thành niên (Adolescent Brain and Cognitive Development - ABCD) ở Mỹ thu thập trên hơn 10.000 thanh thiếu niên.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích nhiều loại dữ liệu bao gồm các cuộc phỏng vấn lâm sàng, kiểm tra nhận thức, đánh giá tâm thần và hành vi đến quét não, so sánh những người trẻ bắt đầu đọc sách để giải trí ở độ tuổi tương đối sớm (2-9 tuổi) với những người bắt đầu đọc sách muộn hơn hoặc không đọc tí nào. Các phân tích cũng xem xét đến các yếu tố quan trọng như tình trạng kinh tế, địa vị xã hội.

Trong số 10.243 người tham gia nghiên cứu, có gần một nửa (48%) ít đọc sách để giải trí hoặc mãi đến khi trưởng thành họ mới bắt đầu đọc sách. Hơn nửa còn lại đã đọc sách như một hoạt động giải trí được 3-10 năm.

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc đọc sách để giải trí ngay từ khi còn nhỏ với khả năng nhận thức ở tuổi thiếu niên (thông qua thành tích học tập ở trường, các bài kiểm tra nhằm đo lường các yếu tố như tiếp thu qua lời nói, khả năng ghi nhớ và diễn đạt...).

Những đứa trẻ đọc sách từ sớm cũng có sức khỏe tinh thần tốt hơn, được đánh giá bằng cách sử dụng một số điểm lâm sàng và báo cáo từ cha mẹ và giáo viên. Những đứa trẻ này bộc lộ ít dấu hiệu căng thẳng và trầm cảm hơn, khả năng chú ý tốt hơn và ít vấn đề về hành vi như gây hấn và vi phạm quy tắc hơn.

Trẻ ham đọc sách cũng có xu hướng dành ít thời gian trước màn hình điện tử hơn - các hoạt động như xem TV, sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Điều này cũng giúp cải thiện giấc ngủ, giúp ngủ lâu hơn và sâu hơn.

Khi các nhà nghiên cứu xem xét đến các bản quét não, họ phát hiện ra rằng những người đọc sách để giải trí từ nhỏ có tổng diện tích và khối lượng não lớn hơn mức vừa phải, phát triển vượt trội ở những vùng não cụ thể đóng vai trò quan trọng trong chức năng nhận thức, sức khỏe tâm thần, hành vi và sự chú ý.

Giáo sư Barbara Sahakian từ Khoa Tâm thần học tại Đại học Cambridge cho biết: “Đọc sách không chỉ là một trải nghiệm thú vị - nó được công nhận rộng rãi vì tác động tích cực đến tư duy và sức sáng tạo, giúp tăng khả năng đồng cảm và giảm căng thẳng. Trên hết, chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng quan trọng cho thấy nó có liên quan đến các yếu tố phát triển quan trọng ở trẻ em - cải thiện nhận thức, sức khỏe tâm thần và cấu trúc não - vốn là nền tảng cho việc học tập và cuộc sống hạnh phúc trong tương lai”.

Thời lượng đọc sách tối ưu để giải trí khi còn nhỏ là khoảng 12 giờ mỗi tuần. Giáo sư Jianfeng Feng từ Đại học Fudan ở Thượng Hải, Trung Quốc và Đại học Warwick, Anh, cho biết: “Chúng tôi khuyến khích các bậc cha mẹ cố gắng đánh thức niềm vui đọc sách ở con mình ngay từ khi còn nhỏ. Nếu làm đúng, điều này sẽ không chỉ mang lại cho các em niềm vui và sự thích thú mà còn giúp các em phát triển và duy trì thói quen đọc sách lâu dài - điều này cũng có thể mang lại lợi ích cho cuộc sống sau này”.

Minh Hùng

Nguồn Znews: https://znews.vn//thoi-quen-doc-tu-nho-giup-nang-cao-kha-nang-tu-duy-post1446799.html