Thói quen ăn vặt của giới trẻ văn phòng Hà Nội: Có những người phải chi nhiều hơn cả tiền lương

Nhiều người trẻ trong đời sống hiện đại không còn chú trọng quá nhiều vào sự tiết kiệm, thay vào đó lựa chọn phong cách sẵn sàng ăn – vui – chơi. Thói quen ăn vặt trong môi trường công sở cũng khiến nhiều người ngốn không ít tiền.

Ăn vặt để giải tỏa áp lực

Khi các ứng dụng giao đồ ăn phát triển kéo theo thói quen của nhiều người trẻ làm văn phòng ăn vặt mỗi chiều trong giờ làm việc. Trà sữa, cà phê, nước ép hay những món như nem chua, bánh tráng trộn,…là những món ăn vặt quen thuộc.

Chị Nguyễn Hiền (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm) hiện đang làm marketing cho một công ty công nghệ. Chị cho biết, công việc với nhiều áp lực khiến chị mệt mỏi mỗi buổi chiều. Vì vậy, chị cùng các đồng nghiệp thường gọi cà phê hoặc trà sữa để giải tỏa áp lực, tỉnh táo hơn khi làm việc, lâu dần việc gọi đồ mỗi chiều trở thành thói quen.

"Ban đầu cũng gọi cà phê hoặc chị em đặt trà sữa về uống để giúp tỉnh táo hơn nhưng một thời gian lại quen, mỗi chiều không có gì "nhấm nháp" cũng buồn buồn. Hơn nữa lúc mọi người cùng đặt đồ ăn vặt như thế cũng gắn kết mối quan hệ đồng nghiệp hơn", chị Hiền cho hay.

Nhiều dân văn phòng nghiện...ăn vặt

Nhiều dân văn phòng nghiện...ăn vặt

Cũng có thói quen gọi đồ ăn vặt mỗi buổi chiều làm việc, chị Bảo Châu (Phú Diễn, Bắc Từ Liêm) cho biết, thường chị sẽ "rủ rê" đồng nghiệp cùng đặt đồ ăn để được ưu đãi giảm giá nhiều hơn. "Nhiều lúc ngồi làm việc lâu cũng mệt mỏi, căng thẳng nên mình thường uống nước ép buổi chiều để tỉnh táo, mát mẻ hơn. Nhiều đơn đặt chung cùng 5, 6 đồng nghiệp được giảm giá hoặc miễn phí ship (vận chuyển) nên mình thấy cũng ổn. Cơ bản là những đồ uống này giúp mình thoải mái hơn khi làm việc".

Trong khi đó, một bộ phận người trẻ khác lại không có thói quen chuẩn bị đồ ăn ở nhà mang đi làm cho buổi trưa. Thay vào đó, họ chọn đặt đồ ăn ngoài để vừa thoải mái lựa chọn, thay đổi món liên tục, vừa nhanh gọn mà không cần dậy sớm để nấu nướng. Như vậy, thêm cả những "bữa xế", có những ngày một "dân văn phòng" có thể đặt đồ ăn ngoài 2 lần.

Những buổi "giải lao" bằng bữa xế là cách các bạn trẻ giải tỏa áp lực công việc. Ảnh minh họa

Những buổi "giải lao" bằng bữa xế là cách các bạn trẻ giải tỏa áp lực công việc. Ảnh minh họa

Chị Dương Huyền (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Công việc của tôi là kế toán nên gần như không có thời gian rảnh, có những hôm còn phải về nhà rất muộn nên việc nấu nướng cẩn thận rất khó. Đặt đồ ngoài dù có tốn thêm chi phí nhưng giúp tôi tiết kiệm thời gian hơn, cũng được thay đổi món ăn liên tục. Thường mọi người đặt ăn gì thì mình sẽ theo ý chung, đặt càng nhiều càng được giảm giá". Chị Huyền chia sẻ, chị cũng là người có phong cách sống khá thoải mái nên hầu như những bữa ăn vặt được mọi người rủ rê, chị đều không từ chối. "Mình được ăn uống thoải mái, mọi người chia sẻ với nhau và gần gũi hơn thì tại sao lại từ chối", chị Huyền cho biết.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Xoay xở vì tiền tiêu vặt còn nhiều hơn tiền lương

Việc ăn vặt mỗi buổi chiều đã khiến không ít người xoay sở với khoản tiền chi tiêu cuối tháng. Theo chị Huyền, mỗi buổi chiều chị thường "order" trà sữa hoặc đồ uồng từ các hàng trà nổi tiếng, mức giá dao động 35.000 – 45.000 đồng. Tuy có được áp mã giảm giá nhưng số tiền giảm không quá nhiều và đa phần đều bù trừ vào phí giao hàng. Có những ngày "sang chảnh" hơn, chị có thể đặt một phần nước uống với đủ loại "topping" như trân châu, thạch pudding, bánh ngọt, thêm khoảng 15.000 – 25.000 đồng cho mỗi phần. Tổng vị chi chị sẽ mất khoảng 50.000 – 70.000 đồng cho mỗi lần đặt đồ ăn vặt. Tuy nhiên, cũng do thói quen này, cuối tháng chị đều rơi vào tình cảnh "thâm hụt" và phải chi tiêu nhỏ giọt hơn.

Những bữa xế bằng trà sữa đắt đỏ khiến nhiều người "thâm hụt" chi tiêu cuối tháng

Những bữa xế bằng trà sữa đắt đỏ khiến nhiều người "thâm hụt" chi tiêu cuối tháng

Khoản tiền này khiến nhiều người rơi vào tình trạng đi làm nhưng cuối tháng không thấy "tiền lương đi đâu". Chị Bảo Châu cho hay: "Lúc gọi đồ thì cứ nghĩ ăn uống cùng mọi người cho vui nhưng đến lúc tính toán ra thì có ngày tiền đặt đồ ăn còn nhiều hơn cả tiền lương ngày đó". Dù biết tốn kém nhưng chị cũng không từ chối những lần rủ rê sau vì mang tâm lý "chuẩn bị có lương rồi" nên cứ thoải mái đặt đồ.

"Khoản ăn vặt tùy thuộc vào mỗi người, nếu biết kiểm soát chi tiêu ở chi phí khác thì vẫn có thể dư dả một ít. Mình thường đặt ra định mức cụ thể cho các khoản ăn vặt này, nếu vượt qua số tiền ăn hàng tháng thì mình sẽ chủ động cắt giảm tiền ăn vào tháng sau", chị Châu cho hay.

Đau đầu vì tăng cân mất kiểm soát

Thói quen ăn vặt không chỉ khiến nhiều người ngốn tiền mà còn làm nhiều người đau đầu với tình trạng tăng cân không kiểm soát. Chị Hồng Anh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, hiện chị đã phải đăng ký một khóa tập gym cơ bản vì tăng cân chóng mặt do thói quen ngồi văn phòng và liên tục uống trà sữa mỗi ngày. "Mình đã tăng 7kg trong vòng 3 tháng và phải thay mới một số quần áo vì những đồ cũ bị chật. Thói quen uống trà sữa chiều tuy giúp mình bớt căng thẳng hơn nhưng thay vì thế mình lại mất kiểm soát cân nặng những tháng gần đây". Chị cho biết, để cơn buồn ngủ không ập đến và từ bỏ dần thói quen đặt trà sữa mỗi chiều, chị đã chủ động mua các loại hoa quả tươi và làm nước ép tại nhà và mang đến công ty để uống.

Tủ chứa đồ ăn vặt của một số chị em công sở

Tủ chứa đồ ăn vặt của một số chị em công sở

Trong khi đó, việc từ bỏ dần thói quen ăn vặt mỗi chiều đã giúp một số người trẻ có khoản tích lũy khá. Do nhận thấy những xoay sở trong việc chi tiêu hàng ngày, chị Huyền Linh (Đan Phượng, Hà Nội) đã chủ động cắt giảm những bữa xế đắt đỏ. "Thay vì một tuần 6 ngày làm việc đều đặt đồ ăn vặt, mình chỉ giới hạn mỗi tuần chỉ đặt đồ ăn 1 lần, hôm nào có sự kiện đặc biệt có thể đặt thêm. Còn lại mình sẽ thắt chặt chi tiêu cho khoản ăn vặt để có thể dư dả, thoải mái hơn trong các khoản chi tiêu khác". Chị Linh chia sẻ, nhờ việc cắt giảm tiền ăn vặt nhiều tháng nay, chị đã tiết kiệm được một chi phí khá ổn để sắp tới có thể tự mua cho mình chiếc máy tính mới.

Thói quen ăn vặt của dân văn phòng Hà Nội tuy không lạ lẫm nhưng bài toán làm sao cân bằng chi tiêu và duy trì tinh thần tốt làm việc trong môi trường công sở vẫn khiến nhiều bạn trẻ loay hoay. Thay vì lo lắng, xoay sở mỗi kỳ lương đến, người trẻ cần hình thành thói quen quản lý tài chính hợp lý và có sự tích lũy dài hạn.

Hà Trang

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/thoi-quen-an-vat-cua-gioi-tre-van-phong-ha-noi-co-nhung-nguoi-phai-chi-nhieu-hon-ca-tien-luong-172221017204644546.htm