Thời gian làm phóng viên của người sáng lập đế chế Murdoch

Khi chiến tranh ác liệt, Keith Murdoch không ngần ngại nguy hiểm, sẵn sàng tới chiến trường để đưa tin. Nhờ đó, cái tên của ông được nhiều người biết tới.

Keith Murdoch (ngoài cùng bên trái) cùng vợ và con trai Rupert Murdoch. Ảnh: Inside story.

Bất chấp những rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào, mùa hè năm 1918, Keith vẫn háo hức được bay trên bầu trời. Trong một bức thư gửi Fink, anh hào hứng kể lại việc anh đã ngồi trên máy bay và thấy các phòng tuyến của quân Đức, không quên khoe rằng chỉ có duy nhất một phóng viên khác của Anh từng làm được chuyện như vậy.

Trong bài tường thuật anh gửi về qua đường điện tín, anh kể về những thành tích của phi đội bay trinh sát cùng vị thủ lĩnh “có mái tóc màu vàng nhạt và cặp mắt xanh biếc” với những câu chữ bóng bẩy. Keith vẽ ra khung cảnh sống động của “một ma trận các chiến hào và một vùng hoang vắng rải rác vỏ đạn” phía dưới.

Những phi công của anh chính là “bản sao thu nhỏ của cuộc sống và họ rất dũng cảm”, “tất cả cùng chung một ý chí khi họ cùng nhau đưa thông điệp của nước Australia trải khắp lãnh thổ của nước Đức”, khéo léo điều khiển máy bay khi thì chúi nhanh xuống lúc lại vọt lên trên, thể hiện “kỹ năng chết người mà không người Đức nào dám thách thức”.

Những cuộc không kích của London chỉ là một trong những “cơn kinh hoàng nhỏ” của chiến tranh đối với Keith. Dù vẫn lo sợ những chiếc khí cầu Zeppelin của Đức nhưng anh dũng cảm từ chối đi xuống khu trú ẩn của tờ Times.

Đối với Keith, khí cầu không chỉ đại diện cho tiềm năng phá hủy mà còn đại diện cho sự tiến bộ trong thời bình. Hai tuần sau chuyến bay đầy hào hứng đó trên Mặt trận phía Tây, anh ngồi trong một chiếc máy bay thả bom Handley Page bốn động cơ cỡ lớn và nhìn xuống các binh lính đang tập luyện trên đồng bằng Salisbury.

Sự nhiệt thành của anh quả thực không có giới hạn, và sự nhiệt thành này sẽ còn tiếp tục kéo dài tới sau này, bất chấp thực tế ngày hôm sau, một chiếc máy bay gặp nạn khiến sáu người thiệt mạng. Anh tin rằng chiến tranh đã dạy cho người ta bài học rằng “cần dùng máu và mồ hôi mới mua được cuộc sống và sự tiến bộ”.

Bên cạnh đó, thứ rào cản lỗi thời của khoảng cách đang từng bước bị phá bỏ. Lướt trong không trung, Keith mường tượng tiếng gầm của những động cơ xung quanh mình:

“Hãy bay đi, hỡi những người Australia dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyên chở hành khách, dịch vụ chuyên chở hàng hóa, hãy bay đi, hãy bay ngay bây giờ!” Khi đứng trên mặt đất, đối với Keith, tiếng gầm của động cơ đang bay cách mặt đất 3.000 mét kia dường như đang “thét ra hai chữ sức mạnh, một cách hùng tráng, uy lực và không ngừng nghỉ”.

Cả nước Anh xôn xao bàn tán về khả năng một đường bay băng Đại Tây Dương được mở, và Keith rất háo hức trước những tiềm năng cải thiện hoạt động liên lạc quốc tế mà sự kiện này mang lại. Anh cam đoan rằng tất cả các phi công đều mong chờ sự ra đời của một dịch vụ hàng không bưu chính giữa châu Âu và Mỹ, một hệ quả trực tiếp của cuộc chiến tranh.

Không bao lâu nữa, ý nghĩ rằng nước Mỹ cách London sáu ngày thuyền sẽ trở thành quá khứ. Thế giới đang thu hẹp dần: “Nhờ có máy bay, so với 100 năm trước, ngày nay New York thực sự còn gần London hơn cả Edinburgh”.

Huân tước Northcliffe đã treo giải thưởng 10.000 bảng Anh cho người đầu tiên bay qua Đại Tây Dương. Như Keith vẫn nhấn mạnh, vị cố vấn này của anh là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất của ngành hàng không ngay từ những ngày đầu tiên.

Những phần thưởng hấp dẫn của Northcliffe quả thực không những đã giúp khích lệ sự nhiệt tình nơi công chúng mà còn khuyến khích các ý tưởng đổi mới sáng tạo về khía cạnh kỹ thuật. Nhiều giai đoạn chủ chốt trong hành trình phát triển ban đầu của ngành hàng không chịu dấu ấn không nhỏ từ những thách thức mà ông đặt ra.

Năm 1909, đúng vào tháng Keith đi tàu hơi nước từ Dover [1] sang châu Âu nghỉ dưỡng, Louis Bleriot [2] cũng giành được giải thưởng của tờ Daily Mail cho người đầu tiên lái máy bay thành công qua Kênh đào Anh. Tờ Daily Mail ví sự kiện này là “buổi bình minh của một kỷ nguyên mới cho nhân loại”.

Keith rút ra một bài học kép: báo chí có thể vừa thúc đẩy những tiến bộ trong lĩnh vực hàng không vừa thu về lợi ích khi uy tín của họ nhờ đó mà tăng cao và số lượng báo bán ra cũng gia tăng với những bài viết ca ngợi những người hùng.

Với thách thức bay qua Đại Tây Dương này, Keith đã phỏng vấn Frederick Handley Page, nhà thiết kế và cũng là người phụ trách việc sản xuất chiếc máy bay thực hiện nhiệm vụ, nhờ đó anh được chính người trong cuộc chia sẻ thông tin về tuyến đường khả quan nhất vượt qua Đại Tây Dương: một chặng đường bay từ Newfoundland tới Azores và sau đó là tới Bồ Đào Nha.

Vài ngày sau, Handley Page đưa ra một dự báo rằng rồi sẽ đến lúc “một người Anh đang ở New York có thể cầm trên tay tờ báo mà anh ta quen đọc vào buổi sáng ngay khi số báo đó được phát hành”.

[...]

[1]Dover: Tên một thành phố cảng ở Anh. (ND)

[2] Louis Bleriot (1872-1936): Một phi công, nhà phát minh và kỹ sư người Pháp. (ND)

Tom Roberts/ Best Books và NXB Tài chính

Nguồn Znews: https://znews.vn/thoi-gian-lam-phong-vien-cua-nguoi-sang-lap-de-che-murdoch-post1462797.html