Thời điểm vàng của điện ảnh Việt Nam

Những tín hiệu tích cực từ các kỷ lục doanh thu phòng vé đến những giải thưởng, đề cử uy tín tại một số LHP quốc tế, điện ảnh Việt đã có một năm với nhiều đột phá. Chúng ta đang trong thời điểm 'vàng' để có thể tạo ra nhiều dấu mốc lớn hơn nữa.

Doanh thu nghìn tỷ

“Chưa bao giờ điện ảnh Việt có nhiều cơ hội để bùng nổ như hiện nay” - đó là nhận định của nhiều nhà làm phim, nhà sản xuất trong một số hội thảo, bên lề liên hoan phim hay “trà dư tửu hậu” của giới điện ảnh mà tôi quan sát được. Và đó hoàn toàn không phải là sự lạc quan tếu, nếu nhìn vào những bằng chứng mà điện ảnh Việt gặt hái được trong năm qua.

Thứ nhất, nhìn ở những bộ phim nghệ thuật độc lập đạt những thành tựu nổi trội tại các LHP quốc tế hay giải thưởng điện ảnh hàng đầu của thế giới, chúng ta đã không còn cảm giác tự ti của một nền điện ảnh vô danh hoặc “không có tên trên bản đồ điện ảnh thế giới”.

Bộ phim tài liệu đầu tay Những đứa trẻ trong sương của nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm đã gây tiếng vang trong các diễn đàn quốc tế về phim tài liệu qua câu chuyện của một cô gái H’Mông tuổi vị thành niên vừa bốc đồng vừa quyết liệt trong khi đi tìm tiếng nói cá nhân của bản thân mình trước những hủ tục truyền thống của dân tộc mình, cho dù cô mắc sai lầm để tìm ra bài học đi nữa.

Bộ phim tài liệu đầu tay đậm dấu ấn cá nhân của Hà Lệ Diễm chu du qua hàng chục LHP, tuần phim quốc tế về dòng phim tài liệu trong suốt hai năm 2022 - 2023 và giành về nhiều giải thưởng quan trọng trên thế giới, mà danh giá nhất là lọt vào top 15 phim (shortlist) của Oscar ở hạng mục Phim tài liệu dài. Cho dù không lọt vào top 5 đề cử, thành tích này vẫn đáng tự hào vì đó là lần đầu tiên một bộ phim tài liệu của điện ảnh Việt Nam đi được xa đến vậy.

Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng đánh dấu sự trở lại chín muồi hơn của ông ở tuổi ngoài 50. Ngôn ngữ điện ảnh tinh tế và giàu ẩn dụ hơn, truyền tải một câu chuyện về mối quan hệ phức tạp giữa đàn ông và đàn bà với những ẩn ức chôn chặt bên trong, khiến hành trình tìm kiếm hạnh phúc của họ trở nên quá xa tầm với. Có thể nói rằng, bản chuyển thể từ 2 truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã được Bùi Thạc Chuyên điện ảnh hóa theo ngôn ngữ của riêng anh, đủ đẹp và đủ sâu sắc để ra thế giới.

Minh chứng là bộ phim này là phim truyện Việt Nam đầu tiên được đề cử hạng mục chính ở LHP quốc tế Tokyo và cũng lần đầu tiên có một phim Việt thắng giải Phim hay nhất (Khinh khí cầu vàng) tại LHP Ba châu lục (Nantes, Pháp).

Tại Việt Nam, bộ phim này cũng càn quét các giải thưởng quan trọng của Cánh diều vàng và Bông sen vàng, đồng thời đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham gia Oscar 2024 ở hạng mục Phim quốc tế xuất sắc nhất.

Và đặc biệt là tại LHP Cannes 2023, hai cái tên Việt Nam được xướng lên ở hai hạng mục giải thưởng quan trọng hàng đầu. Đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng thắng giải Đạo diễn xuất sắc nhất với bộ phim The Pot au Feu, nhưng đây là một bộ phim Pháp 100% khai thác mối quan hệ tinh tế giữa tình yêu và ẩm thực (được chọn đại diện cho điện ảnh Pháp tranh giải Oscar phim quốc tế 2024).

Còn đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân chiến thắng giải Máy quay vàng (Camera D’or) với bộ phim Bên trong vỏ kén vàng, một bộ phim dài tới 3 tiếng và được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam. Hai giải thưởng điện ảnh ở LHP quốc tế danh giá hàng đầu thế giới khiến niềm tự hào của điện ảnh Việt dâng cao. Và hơn cả thế, nó còn cho thấy một sự kế thừa và tiếp nối mang tính thế hệ sau đúng 3 thập niên.

Mới đây, tờ Sight and Sound, một tạp chí điện ảnh uy tín của Viện phim Anh (BFI) cũng đưa cả Bên trong vỏ kén vàng của Phạm Thiên Ân và The Pot at Feu của Trần Anh Hùng vào danh sách 50 bộ phim hay nhất năm 2023 (ở vị trí thứ 24 và 36, theo thứ tự). Đây cũng là một thành tích đáng tự hào của những tài năng điện ảnh Việt.

Nhìn ở dòng phim thương mại, điện ảnh Việt cũng có một năm thành công tại phòng vé với doanh thu lập kỷ lục mới, trong khi số lượng phim ra rạp ít hơn. Trong năm qua, điện ảnh Việt có 25 bộ phim ra rạp và lập kỷ lục doanh thu cao nhất mọi thời với hơn 1.400 tỷ đồng, vượt qua kỷ lục cũ của năm 2019 là 1.200 tỷ đồng. Lần đầu tiên, tỷ lệ nội địa hóa của phim Việt cao hơn 40% và có số phim dẫn đầu trong top 10 phim ăn khách nhất với 6 phim, cao nhất từ trước đến nay. Có thể nói, trong năm qua, phim nội địa đã “đè bẹp” phim ngoại, kể cả bom tấn Hollywood đến phim Hàn Quốc.

Thành tích phòng vé có được là nhờ những hiện tượng nổi bật trong năm qua của điện ảnh nội địa như Nhà bà Nữ của Trấn Thành (460 tỷ đồng), Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh của Lý Hải (275 tỷ đồng) và 4 bộ phim khác nữa vượt cột mốc 100 tỷ đồng.

Sự tăng trưởng nhanh của thị trường điện ảnh là điều mà nhiều “người trong cuộc” hay những nhà nghiên cứu thị trường có thể nhìn thấy trong suốt một thập niên qua, khi điện ảnh Việt lần đầu tiên có phim đạt cột mốc 100 tỷ vào năm 2014 (Để Mai tính 2 của đạo diễn Charlie Nguyễn). Con số phim có doanh thu trên 100 tỷ đến nay đã ngoài 20 phim, và có phim gấp gần 5 lần của kỷ lục 10 năm trước.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CGV Việt Nam nhận định rằng: “Với tổng doanh thu đạt khoảng 500 tỷ đồng của phim Nhà bà Nữ (hiện tại hơn 458 tỷ đồng) là một minh chứng cho thấy thị trường phát triển nhanh như thế nào. 500 tỷ đồng là toàn bộ doanh thu ngành điện ảnh Việt Nam đạt được trong năm 2010, và 50% doanh thu của toàn ngành trong năm 2012.

Mới chỉ 10 năm mà thị trường đã phát triển như vậy, chưa kể trong đó có 2 năm dịch Covid-19 với nhiều khủng hoảng. Tôi nghĩ vài năm tới, khi khán giả ra rạp nhiều hơn, rạp mở rộng nhiều hơn, nguồn lực cho ngành từ đó cũng được nâng lên và chất lượng phim Việt được đầu tư tốt hơn, chúng ta có quyền hy vọng một phim Việt có doanh thu 1.000 tỷ đồng trong tương lai không xa”.

Năm 2023, Việt Nam là một trong rất hiếm nền điện ảnh trên thế giới có bước tăng trưởng đột phá doanh thu, trong khi các nền điện ảnh lớn trên thế giới như Bắc Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và ľrung Quốc đều đã đến điểm bão hòa và đi xuống. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CGV Việt Nam: “Vài năm tới, khi khán giả ra rạp nhiều hơn, rạp mở rộng nhiều hơn, nguồn lực cho ngành từ đó cũng được nâng lên và chất lượng phim Việt được đầu tư tốt hơn, chúng ta có quyền hy vọng một phim Việt có doanh thu 1.000 tỷ đồng trong tương lai không xa”.

Vươn ra thế giới

Đó cũng là điều mà tôi nhìn thấy, khi theo dõi tiến trình phát triển của điện ảnh Việt Nam suốt 7 thập niên và theo dõi sát sao từ hai thập niên trở lại đây, khi thị trường trong nước “sống lại” sau bộ phim Gái nhảy của đạo diễn Lê Hoàng vào năm 2003.

Điện ảnh Việt đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, thăng trầm nhưng chưa bao giờ thực sự vươn lên để thành công hoặc tạo được dấu ấn với thế giới, ngoại trừ một vài cá nhân, tài năng đơn lẻ với những bộ phim kinh điển của họ như đạo diễn Đặng Nhật Minh, Hồng Sến, Nguyễn Thanh Vân hay một số đạo diễn Việt kiều như Trần Anh Hùng, Tony Bùi, Nguyễn Võ Nghiêm Minh...

Còn nhìn ở dòng phim giải trí, chất lượng phim chưa cao, chưa kể nhiều phim quá cũ kỹ, nhạt nhẽo và thảm họa đã khiến định kiến của khán giả dành cho phim Việt vẫn còn nặng nề khiến hàng chục bộ phim bị thua lỗ bên cạnh số ít phim thành công.

Nhưng trong suốt một thập niên trở lại đây, thị trường điện ảnh Việt bắt đầu có những bước phát triển nhanh hơn, nhờ hệ thống rạp chiếu phim ngày càng phát triển, lượng khán giả trẻ đến rạp cao hơn trong một thị trường đáng mơ ước của 100 triệu dân.

Dù vậy, có thể thấy rõ ràng, tiềm năng của thị trường điện ảnh Việt vẫn chưa được khai thác hết và chưa đạt đến điểm bão hòa. Trong năm 2023, điện ảnh Việt là một trong rất hiếm nền điện ảnh trên thế giới có bước tăng trưởng đột phá doanh thu, trong khi các nền điện ảnh lớn trên thế giới như Bắc Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đã đến điểm bão hòa và đi xuống.

Cũng theo ông Hải, từ số liệu của ngành điện ảnh, tính theo quy mô dân số, hiện nay mỗi người Việt đi xem phim rạp trung bình 0,6 lần/năm. Trong khi đó, con số này với các nước trong khu vực là 4 lần/năm (Hàn Quốc), 3,4 lần/năm (Singapore), 2,4 lần/năm (Malaysia) - theo thống kê thường niên về thị trường phim của Liên hoan phim Cannes. Tuy nhiên theo thực tế, rất nhiều khán giả Việt đi xem phim từ 5 - 50 lần/năm, nên ước lượng số người ra rạp xem phim tại Việt Nam chỉ khoảng 5 - 8 triệu người, chiếm khoảng 5 - 8% dân số, và hơn 80% là dưới 35 tuổi. Do đó, so với các nước khác, thị trường phim chiếu rạp tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển.

Thị trường vẫn còn quá nhiều tiềm năng để khai thác và phát triển. Số lượng những nhà làm phim tài năng, tạo dựng được thương hiệu cá nhân ở cả hai mảng phim nghệ thuật/độc lập và phim thương mại cũng nhiều hơn, đủ để tạo nên một “thế hệ” mới để chinh phục khán giả nội địa và chinh phục các LHP quốc tế hay giải thưởng điện ảnh danh giá trên thế giới.

Nhìn vào những bộ phim Việt chuẩn bị “ra trận” trong năm 2024, bắt đầu bằng Mai - bộ phim thứ 3 liên tiếp của Trấn Thành chiếu vào dịp Tết truyền thống; có nhiều niềm tin để khẳng định điện ảnh Việt đang ở thời điểm “vàng” để bùng nổ, lập kỷ lục doanh thu và vươn ra thế giới.

Câu trả lời phụ thuộc vào chất lượng, tính giải trí và giá trị nghệ thuật những bộ phim “made in Vietnam”.

Nhà báo Lê Hồng Lâm

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thoi-diem-vang-cua-dien-anh-viet-nam-2241566.html