Thời đại của những vị sếp hướng nội

Văn hóa làm việc từ xa phát triển là thời kỳ lý tưởng để những người hướng nội thể hiện năng lực quản lý.

Người hướng nội thường được truyền tải thông điệp phải thay đổi hoặc cố gắng hơn nữa để phù hợp với khuôn mẫu hướng ngoại nếu muốn "leo lên" vị trí quản lý. Ảnh: Rdne Stock Project/Pexels.

Nhiều ý kiến cho rằng nhà lãnh đạo hiệu quả là người hướng ngoại, thích giao du. Ngược lại, tính cách của người hướng nội không phù hợp để làm lãnh đạo.

Những người hướng ngoại có khả năng thu hút hơn, họ được cho là người dễ mến, thông minh và có nhiều phẩm chất tích cực. Do đó, họ thường được chọn làm người lãnh đạo.

Nhưng theo Leigh Thompson, giáo sư tại J. Jay Gerber về Tổ chức và Giải quyết Tranh chấp, giám đốc các chương trình đào tạo cấp cao tại Trường Quản trị Kellogg thuộc ĐH Northwestern, những niềm tin về “hào quang” dán nhãn lên người hướng ngoại không hoàn toàn đúng, WSJ đưa tin.

Định kiến đã cũ

Theo nghiên cứu The Introverted Leader: Examining the Role of Personality and Environment của ĐH Quốc tế Florida và nghiên cứu Righting the balance: Understanding introverts (and extraverts) in the workplace đăng tải trên tạp chí trực tuyến Wiley, người hướng nội hay hướng ngoại đều làm việc hiệu quả trong môi trường học thuật hay trong doanh nghiệp.

Việc một người lãnh đạo hướng ngoại có những “hào quang” như trên không liên quan đến hiệu quả hoạt động của tổ chức.

Người hướng nội thường bị gắn mác thiếu kết nối xã hội để có thể là một nhà lãnh đạo. Ảnh: Pexels.

Theo Leigh Thompson, sau đại dịch, xu thế làm việc từ xa bùng nổ, văn hóa giao tiếp trực tuyến trở nên phổ biến hơn bao giờ hết và đó là lúc năng lực quản lý đội nhóm từ xa càng được thể hiện rõ ở một người lãnh đạo hướng nội.

Leigh Thompson cho rằng thật đáng tiếc khi có nhiều định kiến sai về người hướng nội, khiến họ mất cơ hội trở thành quản lý, cô chỉ ra hai định kiến phổ biến:

Thứ nhất, nhà lãnh đạo hiệu quả thường được nhận định là người thích giao du, thích sự chú ý, thích “tỏa sáng” dưới “ánh đèn sân khấu”. Tuy nhiên, trên thực tế, những kỹ năng xã hội này không minh chứng cho năng lực lãnh đạo.

Thứ hai là định kiến cho rằng những người trầm tính thiếu kỹ năng lãnh đạo. Họ thường bị coi là người ít hòa đồng, thiếu sự kết nối, thiếu quyết đoán và hay buồn bã.

Trong nghiên cứu State extraversion and emergent leadership: Do introverts emerge as leaders when they act like extraverts? của Andrew Spark, Tiến sĩ Triết học tại ĐH Công nghệ Queensland và Peter J. O'Connor, đồng sự nghiên cứu danh dự tại ĐH Manchester, 601 người tham gia khảo sát được yêu cầu hành xử như một người hướng ngoại hoặc người hướng nội bất kể tính cách thật của họ như nào.

Thật bất ngờ khi những người giả vờ hành xử như người hướng nội đều thể hiện phần tính cách buồn bã.

Hai định kiến trên đều bỏ sót thực tế rằng hướng nội thực sự là một tính cách có nhiều đặc điểm riêng biệt, bao gồm nhiều ưu điểm, thay vì chỉ là sự thiếu hụt của tính hướng ngoại.

Sự thật bị lãng quên này giờ đây đang quay trở lại để nhắc nhở mọi người cần thay đổi nhận thức, đặc biệt khi giao tiếp trực tuyến ngày càng rộng rãi.

Trên thực tế, người hướng nội có thể trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc nhờ những phẩm chất vốn có. Ảnh: Pavel Danilyuk/Pexels.

Yếu tố tạo nên nhà lãnh đạo hướng nội

Leigh Thompson chỉ ra 5 yếu tố giải thích cho lý do quan điểm người hướng nội có thể trở thành lãnh đạo nên được đón nhận:

Hiệu suất làm việc từ xa: Khi đại dịch buộc nhiều doanh nghiệp phải cho nhân sự làm việc từ xa, hiệu suất công việc của người hướng ngoại giảm sút.

Theo nghiên cứu Extroversion and Conscientiousness Predict Deteriorating Job Outcomes During the COVID-19 Transition to Enforced Remote Work được đăng tải trên tạp chí Sage, những người hướng ngoại gặp một số khó khăn khi làm việc từ xa. Họ cũng cảm thấy không hài lòng về công việc.

Nghiên cứu The Power of Introverts: Personality and Intelligence in Virtual Teams được cung cấp từ nhà xuất bản Taylor&Francis cũng chỉ ra tính hướng ngoại có tác động tiêu cực đến hiệu suất làm việc đội nhóm. Càng nhiều người hướng ngoại trong nhóm, hiệu suất làm việc càng kém.

Khả năng thích nghi: Nghiên cứu The General Attitudes towards Artificial Intelligence Scale (GAAIS): Confirmatory Validation and Associations with Personality, Corporate Distrust, and General Trust được Taylor&Francis cấp chỉ ra người hướng nội có khả năng đối mặt với khó khăn và thích nghi với sự thay đổi.

Điển hình là sự xuất hiện của AI, người hướng nội có thái độ đón nhận tích cực hơn. Họ sớm hòa nhập bằng cách học sử dụng công cụ này.

Nghiên cứu về giao tiếp và xung đột Energy's role in the extraversion (dis)advantage: How energy ties and task conflict help clarify the relationship between extraversion and proactive performance đăng tải trên thư viện trực tuyến Wiley cho thấy khi gặp những mâu thuẫn trong môi trường làm việc, người hướng ngoại ít thể hiện quan hệ tích cực với đồng đội.

Trong khi đó, người hướng nội có xu hướng bày tỏ sự đồng cảm và giao tiếp có tính xây dựng, những tính cách này góp phần quan trọng trong xử lý xung đột.

Sếp hướng nội thường là những người biết lắng nghe, coi trọng sự hợp tác và đề cao tinh thần đồng đội. Ảnh: Tima Miroshnichenko/Pexels.

Khả năng sáng tạo: Đằng sau vẻ lặng lẽ làm việc của người hướng nội là khả năng sáng tạo nổi trội, họ có thể là những nhà lãnh đạo đáng gờm cho những nhiệm vụ mang tính bức phá.

Theo nghiên cứu về giao tiếp và xung đột, xu hướng suy nghĩ trước khi nói của người hướng nội được cho là mang lại nhiều giải pháp sáng tạo hơn.

Đối mặt và giải quyết vấn đề: Mọi người thường tiếp cận những điều tích cực và tránh xa tiêu cực. Xu hướng này tốt trong một số trường hợp, nhưng trong tình huống thách thức tại nơi làm việc, khi có nhiều vấn đề hoặc mâu thuẫn xảy ra, né tránh không phải là giải pháp tốt.

Theo một nghiên cứu được đăng tải trên mạng lưới Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA), người hướng ngoại có xu hướng né tránh những khó khăn, ngược lại, người hướng nội sẽ đối mặt và tìm giáp pháp để xử lý khó khăn đó.

Kiệt sức: Theo nghiên cứu A Study of Personality Traits, viz., Extraversion and Introversion on Telecommuters Burnout đăng trên PublishingIndia, nền tảng của tập đoàn xuất bản Ấn Độ, kết quả khảo sát trên 200 người cho thấy mối tương quan giữa hướng ngoại và tình trạng burnout (quá tải, kiệt sức trong công việc).

Người có tính cách hướng ngoại có khả năng bị kiệt sức vì công việc, trái lại, “khả năng miễn dịch” của người hướng nội lại tốt hơn.

Như Phương

Nguồn Znews: https://znews.vn/sep-huong-noi-len-ngoi-post1458105.html