Thoát nghèo nhờ giữ màu xanh của rừng

Khu Đồi Dẻ ở thôn Đông Sơn (xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) có hàng trăm hộ dân thoát nghèo nhờ trồng rừng. Đây là thành quả từ việc gìn giữ màu xanh khi trồng rừng gỗ lớn và sau này phát triển thành khu du lịch.

Bền chí giữ gia tài xanh

Cách thành phố Đồng Hới hơn 30km có khu rừng dẻ, huỵnh, sưa, xanh bạt ngàn với hơn 120ha. Người quản lý khu rừng này, ông Ngô Xuân Dũng (sinh năm 1971), cho biết: “Từ những năm 1970, cha tôi là cụ Ngô Văn Lý, người có tiếng là ươm giống huỵnh rừng cho người dân Cự Nẫm thoát nghèo, đã dày công giữ lại khu rừng này khi tôi còn là cậu bé chăn trâu.

Nhà có 5 anh em, mỗi khi vào rừng, cha tôi lại lấy những cây huỵnh non về trồng trong vườn, rồi vận động anh em đưa về trồng ngoài đường, lâu dần bà con trong thôn học theo, nên Cự Nẫm đi đâu cũng thấy huỵnh cổ thụ như ngày nay. Khi nhà nước giao rừng, tôi đến tuổi lớn theo cha bảo vệ rừng. Thời đó chăm rừng vất vả lắm, chịu không được tôi bỏ rừng đi Tây nguyên hái cà phê. Nhưng lại tiếc 120ha rừng không ai chăm nên về lại, lấy vợ và bám với cảnh quan xa xôi nơi này”.

Cụ Ngô Văn Lý không những động viên con cái chịu khó làm ăn, với dân nghèo trong thôn không có đất, cụ đi xin đất, chỉ việc tận tâm. Cụ nói: “Mình khó hơn nhưng có sức lao động, chỉ cần chăm chỉ làm việc sẽ không bị thua thiệt”. Nghe vậy nhiều hộ như ông Nguyễn Hòa, Trần Bằng, Lê Long… cần cù lao động đã thoát cảnh nghèo, nay sở hữu diện tích rừng xanh khá lớn, vài chục ha mỗi hộ.

Thôn mới Đông Sơn được lập ra là vậy. Còn với 5 đứa con, theo ông Dũng kể: “Hồi đó mấy anh em không thích lên núi Khương Sơn vì nơi đây không điện, không đường, không trường, không trạm. Nhờ cha khuyên nhủ, anh em tôi lên đây lao động. Mỗi người được ông cho 5 cây huỵnh trưởng thành xẻ gỗ làm nhà, đứa nào lấy được vợ ông cho thêm 5 cây làm vốn mua giống trồng rừng”.

Với hệ thống cây rừng xanh bền vững, ông Dũng và 4 anh em đều được mời chào bán rừng với giá hàng chục tỷ đồng, nhưng họ đều lắc đầu. Ông Dũng nói: “Mỗi cây huỵnh cho ít nhất 3-5 khối gỗ, mỗi khối 10 triệu đồng, bán rẻ cũng đã hơn chục tỷ đồng. Nhưng bán rồi họ đến khai thác, trống rừng, trọc đất. Nghĩ mà xót nên không bán. Di sản cha ông bảo tồn phải giữ cảnh quan để cho con cháu sau này không trách móc vì ham tiền mà bán đi màu xanh quý giá này”.

Quả ngọt buổi đầu

Ông Ngô Xuân Dũng nhớ lại: “Hồi trước từng vào Tây nguyên hái cà phê, tôi cũng ghé Đà Lạt chơi. Thấy người ta biến rừng thành nơi tham quan, tôi thích lắm. Năm 2016 tôi trở lại Đà Lạt, học hỏi kinh nghiệm, rồi về quê vay mượn hơn 3 tỷ đồng, xin làm du lịch trên khu rừng gia đình. Tôi tiến hành cải tạo vườn rừng, tạo các lối đi, dựng những chòi ngắm cảnh, vì khu rừng có suối, có hồ ao từ trước nên du khách đến đều thích thú vọng cảnh, thưởng thức món ăn bản địa do dân làng Đông Sơn nấu, quê mùa thôi nhưng du khách thích, thành ra có việc làm, thu nhập ổn định”.

Bây giờ, cơ sở du lịch Đồi Dẻ của gia đình ông Dũng hàng ngày đón khoảng 200 lượt khách, thu nhập từ các dịch vụ bữa ăn, cà phê, mua bán sản vật địa phương trên 15 triệu đồng. Ngày lễ, Đồi Dẻ đón hơn 1.000 lượt khách, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Ông Dũng chia sẻ: “Nơi đây duy trì bền vững công việc cho cả gia đình, tạo thu nhập cho nhiều thành viên, đặc biệt giữ được rừng, cây rừng ngày mỗi xanh tươi, không bị mất. Cái ăn, cái đói đã qua, bây giờ có rừng như thế này phải nghĩ cách làm giàu không chặt rừng bán như trước kia”.

Tâm đắc nhất có lẽ là bà con người dân thôn Đông Sơn khi anh em ông Dũng đã tạo ra hàng chục việc làm nơi đây. Bà Nguyễn Thị Lý kể: “Trước đây, khi cụ Lý đang sống, đã giúp dân làng thoát nghèo nhờ trồng ươm cây huỵnh, bán xóa đói giảm nghèo. Nay con cụ như anh Dũng và các anh em lại tạo việc làm để bà con nhận lương là đức lớn. Người khó, mở quầy nước mía ngoài cổng Đồi Dẻ cũng có thu nhập, vậy là rất vui”.

Ông Hoàng Sỹ, trưởng thôn Đông Sơn nói: “Trước đây cụ Lý làm người làng kính trọng, lo cho dân thoát nghèo nhờ ươm giống huỵnh rừng. Cụ đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phong là lão nông tài ngang tiến sĩ thực hành, báo chí viết điển hình tiên tiến. Cụ cũng nhận nhiều giải thưởng trồng rừng, bảo vệ môi trường, đi khắp 3 miền giúp dân nghèo trồng rừng thoát nghèo. Nay, con cụ noi gương cụ tạo việc làm cho dân chúng, chia sẻ thu nhập, ai cũng mừng”.

Năm 2010 người trồng rừng nổi danh Ngô Văn Lý qua đời. Mộ của ông được người làng Đông Sơn góp công xây thành miếu thờ ông cùng vợ trên đồi dẻ ven đường Hồ Chí Minh.

Ông Hoàng Sỹ nói: “Hồi cụ Lý mất, cả xã đi đưa tang là vì nhà ai cũng có đất rừng, thoát nghèo, làm giàu, nay không ít hộ mua ô tô đều nhờ công lao kêu gọi không phá rừng, trồng lại rừng của cụ. Cụ mất người làng tiếc thương nên khi con cháu cụ làm nơi thờ tự, người làng góp gạch, góp công phụng lập miếu thờ cụ Lý cùng vợ, mẹ và ông thân sinh cụ ấy. Từ chỗ nhiều người phá rừng, nghe lời cụ mà tạo dựng lại cuộc sống, không bấp bênh, có được việc làm, không còn lo cảnh nghèo khó. Trồng được hàng ngàn ha rừng cho làng cho xã”.

Ông Dũng kể thêm: “Năm 2016, mấy anh em được chọn để trồng 2ha dẻ ở khu vực Vũng Chùa cạnh mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dẻ lên tốt và phát triển ổn định, không chết cây nào. Trong tương lai, 2ha rừng dẻ này sẽ làm xanh tốt một góc Vũng Chùa. Sở dĩ chúng tôi được chọn vì cha tôi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm khi trồng được giống huỵnh tốt giúp bà con xóa đói giảm nghèo”.

Minh Phong

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/thoat-ngheo-nho-giu-mau-xanh-cua-rung-post106032.html