Thoại Sơn... mùa hẹn!

Hôm nay (mùng 10/3 âm lịch), tại quảng trường Thoại Ngọc Hầu, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thoại Sơn long trọng tổ chức khai hội 'Lễ hội Văn hóa truyền thống (tỉnh An Giang) huyện Thoại sơn lần thứ XXIII', kỷ niệm 195 năm Ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu, với chủ đề 'Thoại Sơn 45 năm hình thành và phát triển'.

Sử sách lưu danh

Ngược dòng lịch sử đến đầu thế kỷ XIX, với Nhân dân Thoại Sơn, mảnh đất này là nơi hoang sơ, rừng thiêng nước độc, núi non bao phủ, con người bị cô lập với mọi thứ xung quanh. Với tầm nhìn của một bậc tiên tri, sự phán đoán của 1 nhà danh điền lỗi lạc, Thoại Ngọc Hầu chiêu tập dân binh, phát lệnh đào kênh.

Thoại Ngọc Hầu tên thật Nguyễn Văn Thoại, sinh ra tại làng An Hải, nay là phường An Hải Tây, quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng). Từ thuở nhỏ, ông theo mẹ vào Nam và lớn lên trên làng Thới Bình, Cù Lao Dài nằm trên sông Cổ Chiên nay thuộc xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long). Vị danh tướng Thoại Ngọc Hầu đã dốc binh cho đào con kênh Thoại Hà.

Kênh rộng 50m, dài hơn 30km, khởi đào từ năm 1818 và hoàn thành sau đó chỉ 1 tháng với hơn 1.500 dân binh. Đây là con kênh đào bằng tay đầu tiên ở ĐBSCL thoát lũ ra biển Tây. Là công trình giao thông, thủy lợi quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội lâu dài, phục vụ cho Nhân dân Thoại Sơn và cả vùng Tứ giác Long Xuyên.

Kênh nối rạch Đông Xuyên (Long Xuyên) với ngọn Giá Khê (Rạch Giá), nghiễm nhiên trở thành con sông to, tấp nập ghe thuyền. Vị tướng của dân được triều đình khen ngợi và ban dụ cho lấy tên tước Thoại Ngọc Hầu đặt tên con kênh là Thoại Hà và núi Sập thành núi Thoại.

Đến năm 1822, Thoại Ngọc Hầu long trọng mở hội dựng bia và chính thức lập làng Thoại Sơn. Ngôi làng năm ấy giờ đã phát triển sầm uất với nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội. Cũng tại nơi này, với lòng thành kính và tri ân, Nhân dân lập đền thờ ngày đêm hương khói, phụng thờ ông bao đời nay.

“Với chủ đề “Thoại Sơn 45 năm hình thành và phát triển”, Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn lần thứ XXIII năm 2024 được khai mạc ngày 18/4 (mùng 10/3 âm lịch) với các tiết mục đặc sắc, như: Nhớ về cội nguồn; ca khúc “Đất nước trọn niềm vui”; múa hát “Thoại Sơn mùa hẹn”…

Các tiết mục do Trung tâm Văn hóa Thể thao Du lịch và Truyền thanh huyện Thoại Sơn thực hiện. Bên cạnh đó, từ ngày 17 - 20/4, nhiều hoạt động được diễn ra, như: Triển lãm “Cuộc đời - thân thế của danh thần Thoại Ngọc Hầu và thành tựu của huyện Thoại Sơn trên các lĩnh vực”; diễu hành xe đạp; khai mạc hội thi sinh vật cảnh và trưng bày đồ cổ Nam Bộ; tặng chữ thư pháp; biểu diễn cờ người...

Lễ hội nhằm kỷ niệm 195 năm ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu; đồng thời tôn vinh công đức các bậc tiền nhân đã có công khai mở vùng đất phía Nam của Tổ quốc, trong đó có huyện Thoại Sơn. Đây còn là dịp kỷ niệm 23 năm kết nghĩa huyện Thoại Sơn - quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) và mối quan hệ gắn bó giữa huyện Thoại Sơn với huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long)” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Nguyễn Thị Kim Chi cho hay.

Hậu thế giữ gìn, phát huy

Với biết bao thăng trầm của lịch sử, dòng kênh Thoại Hà, bia đá Thoại Sơn, đình Thoại Ngọc Hầu được xếp hạng di tích quốc gia, đó là niềm vui, là chỗ dựa linh thiêng, là niềm tự hào, luôn chở che, thôi thúc Nhân dân huyện Thoại Sơn không ngừng phát triển về kinh tế, phong phú về đời sống văn hóa qua bao thế hệ.

Kế thừa những giá trị của tiền nhân trong công cuộc khẩn hoang mở cõi và bảo vệ quê hương, trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thoại Sơn thể hiện khí chất kiên trung, đoàn kết một lòng, không ngại hy sinh lập nên nhiều chiến công oanh liệt, góp phần cùng cả nước đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt, kể từ ngày tái lập huyện Thoại Sơn (23/8/1979), với quyết tâm chính trị, kế thừa truyền thống của tiền nhân, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thoại Sơn qua các thời kỳ đã đoàn kết, nỗ lực sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, để tìm lối đi cho riêng mình.

Bằng những chủ trương táo bạo, những giải pháp đột phá qua mỗi nhiệm kỳ, huyện Thoại Sơn đã lập nên những thành tựu đáng tự hào, với những dấu son lịch sử không thể phai mờ trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững quốc phòng - an ninh.

Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn được tổ chức trọng thể hàng năm

Thoại Sơn là huyện đầu tiên của tỉnh An Giang được Chủ tịch nước phong tặng 2 danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2000) và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2009). Đến năm 2019, đánh dấu kỷ niệm 40 năm ngày tái lập huyện (1979 - 2019), Thoại Sơn xuất sắc là huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và vinh dự đón nhận bằng công nhận huyện NTM của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, là huyện đầu tiên của cả nước đạt được cả ba danh hiệu trên.

Huyện hiện có 14/14 xã NTM duy trì nâng chất đạt theo Quyết định 1260/QĐ-UBND của UBND tỉnh (quy định có 19 tiêu chí và 57 chỉ tiêu); 14/14 xã duy trì, nâng chất xã NTM nâng cao theo Quyết định 1261/QĐ-UBND của UBND tỉnh (quy định có 19 tiêu chí và 75 chỉ tiêu); 2/14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo Quyết định 1993/QĐ-UBND của UBND tỉnh (đạt tỷ lệ 14,29%).

Toàn huyện có 3/3 thị trấn (Núi Sập, Phú Hòa và Óc Eo) đạt chuẩn văn minh đô thị. Kết quả duy trì huyện NTM theo Quyết định 320/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt 9/9 tiêu chí, 36/36 chỉ tiêu; thực hiện huyện NTM nâng cao theo Quyết định 320/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt 9/9 tiêu chí, 38/38 chỉ tiêu.

Quê hương Thoại Sơn đang tự tin hướng về tương lai với nhiều kỳ vọng. Mặc dù chặng đường phía trước còn không ít thử thách, song Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thoại Sơn nguyện kế thừa và phát huy những kết quả đạt được của các thế hệ cha anh, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/thoai-son-mua-hen--a393339.html